Dựa vào dân để giám sát tại cộng đồng

Thông qua hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhiều công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được theo dõi, kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả và sự minh bạch trong việc đầu tư xây dựng. Nhờ vậy phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra' đã đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 Vai trò giám sát của nhân dân được phát huy thông qua các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Vai trò giám sát của nhân dân được phát huy thông qua các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Xác định giám sát là giải pháp quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã chú trọng củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng. Căn cứ vào số lượng dân cư trên địa bàn, Ủy ban MTTQ cấp xã chỉ đạo và hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với Trưởng khu tổ chức hội nghị cử tri bầu thành viên Ban GSĐT của cộng đồng. Sau khi bầu thành viên của Ban, Ủy ban MTTQ cấp xã ra nghị quyết công nhận, báo cáo HĐND, UBND cùng cấp và thông báo cho nhân dân được biết.

Theo thống kê của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên địa bàn có 277 Ban GSĐT của cộng đồng với trên 2.100 thành viên. Những người được giới thiệu tham gia thành viên Ban Giám sát đều là những người am hiểu pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, chính từ việc dựa vào “tai, mắt” của nhân dân thông qua các Ban GSĐT của cộng đồng đã hạn chế được tình trạng thất thoát, lãng phí, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đối với những công trình được đầu tư, xây dựng trên địa bàn.

Thông qua hoạt động, các ban GSĐT của cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện một số công trình, dự án đầu tư việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa được làm tốt, chưa làm dứt điểm đã gây khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình như: Công trình nâng cấp cải tạo đường 318 từ xã Yên Kiện đi Vân Đồn, Minh Phú của Đoan Hùng, tuyến đường từ Tam Cường đi Văn Lương của huyện Tam Nông; có những công trình đầu tư dàn trải, thiếu vốn, thi công kéo dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như: Dự án tuyến đường tỉnh lộ 322 từ Vân Du đi Đông Khê của huyện Đoan Hùng; dự án cải tạo, nâng cấp xử lý rác thải sinh hoạt của huyện Đoan Hùng, huyện Cẩm Khê; dự án thủy sản Đồng Mèn, xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê…

Đặc biệt, sau mỗi chương trình giám sát, các Ban GSĐT của cộng đồng đều có những ý kiến, kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đa số các ý kiến, kiến nghị của Ban đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhiều công trình, dự án đầu tư đã được điều chỉnh cho phù hợp.

Điển hình như tại Dự án nâng cấp cải tạo đường từ KM 113 - QL2 đi Ngọc Chúc 3 xã Chí Đám qua ý kiến, kiến nghị của Ban GSĐT của cộng đồng, chủ đầu tư đã điều chỉnh bổ sung rãnh thoát nước dọc tuyến bằng đá xây để phù hợp địa hình khu dân cư đông đúc. Hay dự án thi công tuyến đường từ cầu Kim Xuyên đến QL2 và đường Hồ Chí Minh, được điều chỉnh, bổ sung cục bộ một số cống thoát nước cho phù hợp dòng chảy và liên quan đến hệ thống mương thủy lợi nội đồng theo đề nghị của các ban GSĐT của cộng đồng các xã Vụ Quang, Vân Đồn, Tiêu Sơn. Một số kiến nghị của Ban và nhân dân đã được UBND huyện tiếp thu và đề nghị các cấp, ngành xem xét giải quyết, điều chỉnh và đã có chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh như: Dự án Tuyến đường tỉnh lộ 322, dự án đường giao thông kết hợp di dời dân tránh lũ quét thuộc các xã phía Tây Nam huyện Đoan Hùng.

Theo ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, trong 5 năm qua, các Ban GSĐT của cộng đồng trên địa bàn đã tiến hành giám sát 4.203 cuộc, qua đó kiến nghị xử lý 1.349 vụ việc sai phạm. Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở, làm minh bạch công tác quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, các dự án đầu tư tại cộng đồng, tạo lòng tin trong nhân dân, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định tại địa phương.

Trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Phú Thọ tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Đặc biệt, Mặt trận các cấp sẽ chú trọng lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện, góp ý liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân để đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp. Tiếp tục tăng cường giám sát của MTTQ thông qua hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban GSĐT của cộng đồng với mục tiêu đặt ra là 90% các Ban này hoạt động có hiệu quả.

Trung Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/dua-vao-dan-de-giam-sat-tai-cong-dong-tintuc445068