Dựa vào dân để xây dựng Đảng

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân rất công tâm, thông thái, thủy chung với sự nghiệp của Đảng. Các cấp ủy Đảng phải đến với dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng đề ra.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo

Xây dựng Ðảng là nhiệm vụ sống còn

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo ông, vì sao công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu?

Đảng luôn xác định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò, vị trí then chốt trong tất cả các nhiệm vụ. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, nhiệm vụ số một là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, xây dựng Đảng là trọng tâm của trọng tâm. Vì Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất, nên việc nhấn mạnh cụ thể như vậy là rất cần thiết.

Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta rất chú trọng xây dựng Đảng về mặt chính trị, đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, hết sức coi trọng xây dựng Đảng về mặt đạo đức, và tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng về mặt tổ chức, để làm sao vừa tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các nhiệm vụ, lĩnh vực xây dựng Đảng lần này được nêu ra rất cụ thể, đầy đủ. Trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về mặt tư tưởng.

Vì sao phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ này, thưa ông?

Như chúng ta biết, bằng cách tác động vào tư tưởng đội ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, các lực lượng phản động đã góp phần làm thất bại nhiều sự nghiệp cộng sản trên thế giới, điển hình là sự nghiệp cộng sản Xô Viết. Liên Xô tan rã trước hết do sự phân hóa, phân rã, phân liệt nghiêm trọng về tư tưởng. Cho nên tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nhất là chóp bu lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã trượt dài theo chủ nghĩa hữu khuynh cơ hội và đi đến chỗ phản bội cả sự nghiệp cộng sản Xô Viết.

“Đấu tranh chống tham nhũng đương nhiên cần phải được tiếp tục mạnh mẽ, thường xuyên, không ngưng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mặt khác, để sâu rễ bền gốc, chúng ta phải xây dựng được trong toàn Đảng hệ giá trị Đạo đức Cách mạng của những người đảng viên” - PGS. TS Nguyễn Viết Thảo

Đây là bài học vô cùng đắt giá. Do vậy, chúng ta cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng. Bối cảnh hiện nay khác trước rất nhiều do sự tác động, giao lưu văn hóa toàn cầu. Bên cạnh điều tích cực, chúng ta phải đối phó với hệ giá trị, những khuynh hướng tư tưởng, âm mưu, thủ đoạn thâm độc, có thể ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng không từ trên trời rơi xuống, mà luôn là hệ quả, sản phẩm cụ thể của một hoàn cảnh kinh tế - xã hội nhất định. Trong bối cảnh hiện nay, để chiếm được vai trò chủ đạo, tư tưởng cộng sản cần được đặc biệt coi trọng để triển khai với nội dung đúng đắn, hình thức phù hợp.

Nghị quyết Đại hội đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cùng những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông?

Chúng ta phải rất thành thật với nhau rằng, do sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ, nhiều cán bộ, đảng viên không còn là tấm gương, cho nên nhân dân cũng mất một phần niềm tin vào Đảng. Nhân dân nhìn vào Đảng qua những đảng viên cụ thể. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử được nhiều vụ án trọng điểm. Từ đó đã lấy lại được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Phát huy tinh thần này, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đương nhiên cần phải được tiếp tục mạnh mẽ, thường xuyên, không ngưng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mặt khác, để sâu rễ bền gốc, chúng ta phải xây dựng được trong toàn Đảng hệ giá trị Đạo đức Cách mạng của người đảng viên. Chống tham nhũng, xử nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng. Quan trọng là phải hình thành được hệ giá trị Đạo đức Cách mạng, đạo đức cộng sản. Cán bộ lãnh đạo càng cao, yêu cầu càng phải lớn.

Tôi cho rằng xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những vấn đề sống còn của Đảng ta hiện nay. Chỉ cần một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng thì đường lối chính trị của Đảng dù rất đúng đắn sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa. Thậm chí đường lối ấy không còn ý nghĩa gì nếu có quá nhiều người không còn là những tấm gương, không tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ của dân tộc, như vậy thì rất gay go.

Ðến với dân, lắng nghe dân

Trong nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nói trên, Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng?

Nghị quyết của Đại hội vừa nhấn mạnh sự thống nhất nhưng vừa nhấn mạnh sự khác biệt giữa vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng. Đảng ta vừa là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng từ năm 1930, đồng thời là Đảng cầm quyền từ khi có chính quyền năm 1945. Đặc biệt, Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, một Đảng duy nhất tồn tại ở đất nước chúng ta. Cho nên phải xây dựng Đảng để thực hiện cả hai vai trò quan trọng: Vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền trong một hoàn cảnh rất đặc thù như Việt Nam. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn. Trước hết phải khẳng định, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền không bao biện, làm thay hệ thống chính quyền nhà nước các cấp. Đảng lãnh đạo bằng điều lệ, cương lĩnh, đường lối, lãnh đạo và cầm quyền thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo bằng giám sát, kiểm tra và lãnh đạo bằng hình thức nêu gương. Chúng ta phải thực hiện cho hiệu quả những phương thức lãnh đạo này.

Đây là lý luận rất cần phải được bổ sung phát triển trong những năm tới. Chúng ta không thể sao chép lý luận, thực tiễn bên ngoài, vì bối cảnh thể chế khác, nên chỉ có thể tham khảo. Chúng ta phải xây dựng lý luận về Đảng cầm quyền ở Việt Nam và đưa ra được những mô hình về nội dung, phương thức cầm quyền ở Việt Nam hiện nay như thế nào cho đúng. Đảng cầm quyền ở cấp Trung ương khác tổ chức đảng cầm quyền ở địa phương, không thể đồng nhất nội dung và phương thức cầm quyền.

Vậy nhân dân có vai trò như thế nào trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông?

Có thể nói, đây vẫn còn là một món nợ của giới lý luận cũng như các nhà hoạt động thực tiễn. Thế nào là Đảng cầm quyền? “Nhốt” mọi quyền lực vào cái lồng thể chế trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền thì “nhốt” thế nào? Cái lồng thể chế như thế nào? Những vấn đề cụ thể cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Nhưng có một phương hướng mà chính Bác Hồ đã nêu ra: Dựa vào dân để xây dựng Đảng. Cứ theo phương hướng này, chúng ta sẽ tìm ra được những giải pháp cụ thể.

Chúng ta phải dựa vào dân, tin tưởng nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhân dân rất công tâm, thông thái, rất chung thủy với sự nghiệp của Đảng. Nhân dân sẽ góp ý, hiến kế cần phải xây dựng Đảng thế nào cho ngang tầm với vai trò Đảng cầm quyền. Các cấp ủy phải đến với dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, xem Đảng cần phải cầm quyền như thế nào để đưa đất nước đến bến bờ của phồn vinh, hạnh phúc như mục tiêu Đại hội XIII đề ra.

Trong tiêu ngữ ghi dưới quốc hiệu của các nước trên thế giới, tôi chưa gặp một nước nào lại có nội dung “hạnh phúc”. Từ ngày thành lập nước năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh lần đầu đưa ba cụm từ vô cùng quan trọng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc vào tiêu ngữ quốc gia, chính thể của Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Luân Dũng (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dua-vao-dan-de-xay-dung-dang-1808279.tpo