Đưa việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước của làng, xã

Gần đây, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở nước ta có chiều hướng gia tăng, gây nhiều hậu quả cho xã hội. Một trong những giải pháp can thiệp nhằm giảm sự MCBGTKS là đưa nội dung này vào hương ước của làng xã...

Các chuyên gia quốc tế tính toán rằng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng "dư thừa" từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới. Hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ không thể kết hôn, chịu cuộc sống độc thân, đơn lẻ suốt đời.

Họp lấy ý kiến người dân xây dựng hương ước.

Hậu quả về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, an ninh và an sinh xã hội… chắc chắn sẽ nặng nề. Tội phạm bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm, tội phạm tình dục, bạo hành giới… có thể gia tăng. Tình trạng này tác động xấu đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp thách thức chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Nguyên nhân gốc rễ của việc lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến MCBGTKS là do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, trọng nam hơn nữ, sự lạm dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hỗ trợ sinh sản và các gia đình hiện nay thường sinh ít con.

Chính vì vậy, để giảm thiểu MCBGTKS, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tuyên truyền, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật, pháp luật và hành chính.

Vì sao đưa việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước?

Ở nước ta, hương ước có từ rất lâu đời. Đây là những quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, tự nguyện xây dựng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp và góp phần duy trì trật tự trong cộng đồng dân cư.

Tâm lý "ưa thích con trai", bất bình đẳng giới có thể dẫn đến hành vi "lựa chọn giới tính thai nhi" và do đó gây nên tình trạng MCBGTKS mà tình trạng này lại liên quan sâu sắc với phong tục, tập quán của cộng đồng nên phải ứng xử như ứng xử với một vấn đề văn hóa. Tiếp cận "mềm", thông qua hương ước để cộng đồng tự điều chỉnh là thích hợp và hiệu quả.

Lồng ghép việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước

Ngày nay, thôn không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thôn còn có thể xây dựng và thực hiện hương ước của riêng mình.

Theo Quyết định số 22/2018/QĐ- TTg ngày 08/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thì hương ước được hiểu là văn bản quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư tự nguyện thỏa thuận để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư.

Văn bản đó được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận khi có đủ điều kiện. Cũng như các nội dung khác trong hương ước và quy ước, việc lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hương ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc và của địa phương.

Trao đổi về xây dựng hương ước làng.

Như vậy, lồng ghép việc kiểm soát MCBGTKS vào hương ước phải xuất phát từ tình hình thực tế ở thôn có xảy ra vấn đề này và người dân ở đây đồng thuận đưa vấn đề này vào hương ước.

Việc lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS phải bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, tập quán tiến bộ, tích cực, loại bỏ phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với thực tiễn địa bàn dân cư.

Quy trình lồng ghép việc kiểm soát MCBGTKS vào hương ước gồm 6 bước:

Bước 1: Thu thập thông tin về chênh lệch tỷ lệ bé trai và bé gái sinh ra sống trên địa bàn.

Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về việc có đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hương ước hay không?

Bước 3: Thành lập Tổ soạn thảo hương ước.

Bước 4: Xây dựng nội dung kiểm soát MCBGTKS để đưa vào hương ước.

Bước 5: Tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Hương ước hoặc nội dung kiểm soát MCBGTKS trong Hương ước.

Bước 6: Hoàn thiện và thông qua hương ước trong cộng đồng.

Việc lồng ghép kiểm soát MCBGTKS vào hương ước là một cách làm sáng tạo, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, một giải pháp can thiệp nhằm giảm thiểu MCBGTKS đi sâu và dựa trên phong tục tập quán của người Việt.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mai Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//dua-viec-kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-vao-huong-uoc-cua-lang-xa-169211126181724281.htm