Đức cảnh báo hành động pháp lý với việc chậm giao vắcxin COVID-19

Trụ sở hãng dược AstraZeneca tại Luton, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Đức ngày 31/1 đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại các nhà sản xuất thuốc không cung cấp vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho Liên minh châu Âu (EU) theo đúng kế hoạch, trong bối cảnh căng thẳng về việc chậm trễ giao hàng từ nhà sản xuất vắcxin AstraZeneca đang gia tăng.

Phát biểu với nhật báo Đức Die Welt, Bộ trưởng Kinh tế Đức nói: “Nếu các công ty không tôn trọng nghĩa vụ của họ, chúng tôi sẽ phải quyết định các hậu quả về pháp lý".

Căng thẳng giữa lãnh đạo EU với gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển, ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây do hãng dược phẩm chậm trễ trong việc cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 như đã cam kết.

AstraZeneca cho biết, hãng chỉ có thể giao một phần tư số liều vắcxin như đã cam kết trước đó cho EU trong quý 1/2021, bởi nhà máy ở châu Âu của họ gặp vấn đề. Trong khi đó, Brussels ngầm cáo buộc AstraZeneca dành ưu đãi cho Anh trong việc cung cấp vắcxin.

Tuần trước, Ý đe dọa hành động pháp lý chống lại công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ vì chậm trễ trong việc cung cấp vắcxin như đã cam kết. Các quan chức hàng đầu Đức sẽ gặp gỡ các nhà sản xuất dược phẩm để giải quyết các vấn đề chậm trễ giao hàng trên.

Cuối tuần qua, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất trong EU, loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ ba mà khối này phê duyệt sau Pfizer-BioNTech và Moderna.

* Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 30/1 thông báo sẽ tạm dừng kế hoạch phân phối vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho những người bị giam giữ tại Guantanamo.

Trước đó, kế hoạch này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nghị sĩ Cộng hòa trong bối cảnh Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêm chủng cho những nhân viên tuyến đấu chống dịch và những người cao tuổi dễ bị tổn thương.

Trên trang mạng Twitter, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nêu rõ: “Chưa có người bị giam giữ nào tại Guantanamo được tiêm chủng. Chúng tôi vẫn tuân thủ các nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho quân đội của chúng tôi”.

Căn cứ không quân tại Vịnh Guantanamo của Cuba là nơi giam giữ những đối tượng bị bắt trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, trong đó có Khalid Sheikh Mohammed - nhân vật hàng đầu của nhóm khủng bố Al-Qaeda và là nghi phạm lên kế hoạch thực hiện vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Trước đó trong tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiêm chủng vắcxin cho những người bị bắt giữ và tù nhân “trên cơ sở tự nguyện”.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã phản đối kế hoạch nói trên. Trên trang mạng Twitter, ông Kevin McCarthy nhấn mạnh: “Tổng thống Joe Biden đã nói với chúng ta rằng ông có một kế hoạch để đánh bại virus SARS-CoV-2 trong ngày đầu tiên tại nhiệm. Ông ấy chưa bao giờ nói với chúng ta rằng kế hoạch sẽ là nhằm phân phối vắcxin ngừa COVID-19 cho những phần tử khủng bố trước hầu hết những người dân Mỹ”.

Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch COVID-19 với gần 26 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 436.000 ca tử vong.

Tổng thống Joe Biden đã cam kết tiêm vắcxin cho 100 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm. Tuy nhiên, đến nay, chiến dịch tiêm chủng hàng loạt của Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu hụt vaccine và những vấn đề về kỹ thuật phổ biến đối với những người Mỹ đủ điều kiện được tiêm chủng.

Theo giới chức y tế, cho đến nay, Mỹ mới tiêm chủng được chưa tới 30 triệu liều trong tổng số gần 50 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối tại nước này.

Trng khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đưa ra khẳng định Liên minh châu Âu (EU) không hề có ý muốn ngăn cản các nhà cung cấp thực hiện các hợp đồng chuyển vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới Anh.

Trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Raab khẳng định chỉ có thể đánh bại được đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế. Trước đó, EU từng tuyên bố có kế hoạch kiểm soát các hoạt động xuất khẩu vắcxin.

Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vắcxin của Anh Nadhim Zahawi cũng khẳng định nước này đang hợp tác với EU.

Ngày 29/1 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca gia tăng liên quan đến vấn đề giao nhận vắcxin.

Động thái này của EC đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có nguy cơ châm ngòi mâu thuẫn với Anh, vài tuần sau khi Anh chính thức hoàn tất việc rút khỏi EU.

Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực với các nhà máy sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vắcxin đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC. Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vắcxin cho các nước ngoài khối, đồng thời cung cấp kế hoạch xuất khẩu trước ba tháng.

Căng thẳng giữa EU và AstraZeneca phát sinh sau khi hãng dược phẩm này tuyên bố cắt giảm 60% số lượng vắcxin cung cấp cho EU trong quý đầu năm 2021 do vấn đề trong khâu sản xuất. Giới chức EU đề nghị AstraZeneca chuyển một phần trong số vắcxin sản xuất tại Anh sang cho EU.

Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết các thỏa thuận hợp đồng với Anh không cho phép công ty làm việc này.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251878/duc-canh-bao-hanh-dong-phap-ly-voi-viec-cham-giao-vacxin-covid-19.html