Đức đề xuất phạt tiền cha mẹ không tiêm vaccine sởi cho con

Bộ trưởng Y tế Đức hôm 7/5 đã đưa ra đề xuất phạt tiền với mức phạt lên tới 2.500 euro, tương đương 2.800 USD, đối với các bậc cha mẹ từ chối tiêm phòng bệnh sởi cho con cái của họ, đây là một phần trong nỗ lực nhằm chống lại dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

Bác sĩ tiêm vaccine cho trẻ tại một bệnh viện ở Schwelm, Đức. (Nguồn: AFP).

Bác sĩ tiêm vaccine cho trẻ tại một bệnh viện ở Schwelm, Đức. (Nguồn: AFP).

Chiến dịch ngăn ngừa bệnh sởi

Mức phạt kể trên nằm trong một dự luật mà Bộ trưởng Y tế Jens Spahn trình lên Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel để tranh luận trong tuần này. Đề xuất này làm dấy lên các cuộc tranh luận rộng rãi về việc, liệu tiêm phòng bắt buộc có vi phạm quyền tự do của con người hay không.

Tính từ đầu năm đến nay, ở Đức có khoảng 300 trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi, trong khi đó, tổng số trường hợp mắc sởi trong năm ngoái là 500. Bệnh sởi đang bùng phát trở lại ở nhiều phần trên thế giới, một phần là do chiến dịch tiêm phòng vaccine chưa hiệu quả.

Theo dự thảo luật mà Bộ trưởng Y tế Đức đệ trình, trẻ sơ sinh và trẻ em ở nước này nếu chưa được tiêm phòng vaccine thì sẽ không được phép tới trường mẫu giáo. Luật pháp của Đức quy định tuổi nhập học là 6 tuổi, bởi vậy các bậc cha mẹ không tiêm chủng cho con cái họ có thể đối mặt với mức phạt tiền.

Bộ trưởng Spahn đã bảo vệ đề xuất của mình, đưa ra một ví dụ khác trong luật giao thông, trong đó buộc các tài xế bị bắt vì vi phạm tốc độ phải trả tiền phạt bởi hành động của họ gây nguy hiểm cho người khác. “Mục đích ở đây không phải là phạt tiền người dân, mà là đảm bảo rằng mọi người đều miễn nhiễm với bệnh sởi”- ông Spahn nói với đài ZDF.

“Chúng ta đã tranh luận về vấn đề này trong suốt 10, 20 năm qua”- ông Spahn nói- “Cứ mỗi khi có đợt bùng phát sởi, trẻ em và học sinh lại phải nghỉ học tạm thời. Chúng ta cần phải làm gì đó, nhưng hành động chưa bao giờ được cụ thể hóa”.

Cũng theo dự luật được đệ trình- sẽ sớm được đưa lên Quốc hội vào cuối năm nay và có hiệu lực từ nửa đầu năm 2020 nếu được thông qua - người lớn làm việc tại các trường học, bệnh viện và các cơ sở công cộng khác cũng cần phải đưa ra được bằng chứng cho thấy họ đã được tiêm phòng bệnh sởi.

Đức hiện đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh sởi ở một số bang của họ, trong đó có bang Bavaria, Baden-Wurttemberg và North Rhine-Westphalia, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường học.

Bùng phát khắp thế giới

Ở Mỹ, nơi có đợt bùng phát dịch lớn nhất nhằm vào cộng đồng người Do Thái ở New York, đã có hơn 700 trường hợp mắc sởi được ghi nhận tính từ đầu năm đến nay. Con số này nhiều hơn bất kỳ con số trường hợp mắc sởi hàng năm nào, tính từ năm 1994 đến nay - theo Trung tâm Phòng chống, Kiểm soát dịch bênh (CDC).

Tính trên phạm vi toàn thế giới, đã có hơn 112.000 trường hợp mắc sởi được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm nay - theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. WHO nói rằng, con số trên vẫn chưa phải con số chính thức vì nhiều trường hợp bị sót lọt.

Hiện nay, Đức đang tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông để khuyến khích người dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ, đảm bảo rằng họ và con cái họ miễn dịch với bệnh sởi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Spahn nói rằng các đợt bùng phát dịch những năm gần đây cho thấy, các chiến dịch trên chưa thực sự hiệu quả.

Đức từng cam kết sẽ xóa sổ bệnh sởi vào năm 2015, thế nhưng các nghiên cứu mà cơ quan y tế nước này, Viện Robert Koch, thực hiện cho thấy chỉ mới 93% học sinh đầu cấp có đủ sức miễn dịch với bệnh sởi. Vaccine phòng bệnh sởi thường được tiêm cho trẻ em ở độ tuổi lên 1, trước đó vài tháng là một mũi tăng cường.

Theo WHO, một quốc gia được xem là phòng chống hiệu quả bệnh sởi cần có 95% dân số được tiêm phòng. Tuy nhiên, 95% dân số này bao gồm cả những trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để có thể được tiêm vaccine.

Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm cực cao. Dù tỷ lệ tử vong do bệnh rất thấp ở các nước phát triển, nhưng lại có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng như mù lòa, tai biến. Ở những nước nghèo trên thế giới, nơi mà chứng suy dinh dưỡng vẫn còn là hiểm họa, bệnh sởi còn nguy hiểm hơn.

Theo thống kê của WHO, bệnh sởi hàng năm cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người. Hồi năm ngoái, chỉ tính ở riêng châu Âu đã có 72 người thiệt mạng vì dịch bệnh này.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/duc-de-xuat-phat-tien-cha-me-khong-tiem-vaccine-soi-cho-con-tintuc436262