Đức Hòa Thượng quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

Năm 2016, xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đạt chuẩn nông thôn mới, hiện địa phương đề nghị UBND huyện phân bổ kinh phí hỗ trợ xã hoàn thành 7 tiêu chí chưa đạt để 'về đích' xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim cho biết: “Hiện xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Riêng đối với tiêu chí số 13 - Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (có ít nhất 1 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên còn thời hạn theo quyết định của UBND tỉnh hoặc quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, UBND xã rà soát, lựa chọn sương sâm Cô Sáu Tròn làm sản phẩm chủ lực của xã, phát triển lên sản phẩm OCOP. Xã hỗ trợ, củng cố hồ sơ về ý tưởng sản phẩm và phương án sản xuất, kinh doanh gửi về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP”.

Con trai của bà Nguyễn Thị Tròn hái lá sương sâm để xay bán

Bà Nguyễn Thị Tròn (SN 1960, ngụ ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng) - chủ Cơ sở kinh doanh Sương sâm Cô Sáu Tròn, kể: “Tôi trồng sương sâm trên 20 năm. Trong một lần tình cờ đi thăm người quen ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tôi thấy họ trồng sương sâm xung quanh vườn nhà rất ấn tượng và thích thú bởi loài dây leo đem lại cảnh đẹp và là món ăn thanh mát được nhiều gia đình ưa chuộng. Ban đầu, tôi chỉ trồng để phục vụ gia đình nhưng sau thời gian trồng, thấy cây phù hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt nên tôi quyết định trồng sương sâm để kinh doanh”.

Kể từ đó, thương hiệu Sương sâm Cô Sáu Tròn ra đời. Sản phẩm sương sâm của bà được khách hàng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà suốt 20 năm qua. Hiện tại, bà trồng 2.000m2 sương sâm. Theo bà Tròn, sương sâm rất dễ trồng. Tận dụng vỏ đậu phộng, bà ủ hoai rồi bón cho dây sương sâm. Dây sương sâm phát triển tốt có thể thu hoạch lá mỗi ngày. Gia đình bà vừa bán thành phẩm sương sâm tại nhà, vừa cung cấp lá cho các hộ buôn bán khác trong và ngoài huyện. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà cung cấp khoảng 600-700 ly sương sâm, giá 7.000 đồng/ly, thu nhập hàng tháng ước tính 30 triệu đồng.

Sản phẩm sương sâm Cô Sáu Tròn được UBND xã Đức Hòa Thượng chọn làm sản phẩm OCOP của xã

Để làm ra một ly sương sâm phải trải qua nhiều công đoạn. Lá sương sâm sau khi hái được rửa bằng nước sạch, sau đó phơi ráo nước khoảng 30 phút rồi cho vào máy nghiền từ 10-15 phút. Sau khi nghiền nhuyễn, đổ phần lá đã xay vào rây, lược khoảng 2-3 lần và vắt thật ráo nước để lấy được hết phần cốt sương sâm; loại bỏ lớp bọt nổi trên bề mặt để tăng thêm chất lượng, mùi vị cho sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là đóng gói. Mỗi ly sương sâm có định lượng 400ml.

Chị Nguyễn Thị Diễm Trinh (xã Đức Hòa Thượng) cho biết: “Nhà gần nên cứ 2-3 ngày, tôi đến mua sương sâm về cho cả gia đình dùng. Giữa ngày nắng, có ly sương sâm mát, thêm nước cốt dừa và chút đường, vừa giải khát, vừa tốt cho sức khỏe”.

Bà Lê Thị Ngọc Kim cho biết, qua đánh giá thị hiếu cũng như sức mua của người dân, sản phẩm sương sâm Cô Sáu Tròn được địa phương thống nhất chọn xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Thời gian tới, UBND xã xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hệ thống loa đài của xã, các trang mạng xã hội để nhiều người biết. Đặc biệt, xã kết nối đưa sản phẩm vào bày bán tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sương sâm Cô Sáu Tròn./.

Trần Thoa

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/duc-hoa-thuong-quan-tam-phat-trien-san-pham-ocop-a154841.html