Đức không thất vọng khi Mỹ chuyển quân đến Ba Lan?

Mỹ chính thức công bố kế hoạch rút 11.900 lính khỏi Đức để chuyển đến Ba Lan và một số nước châu Âu. Động thái này có làm Đức thất vọng?

Động thái của Mỹ nhằm hiện thực hóa những bức xúc lâu nay của Tổng thống Trump, cho rằng Đức đã không đóng góp công bằng ngân sách quốc phòng của NATO và cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại.

"Chúng tôi giảm bớt lực lượng vì họ không thanh toán các khoản chi phí của họ, chuyện rất đơn giản", ông Trump giải thích như vậy với báo giới tại Nhà Trắng hôm 30/7.

Binh sĩ Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper không giải thích việc rút bớt quân khỏi Đức theo cách đó khi ông cho biết kế hoạch "chiến lược" của quân đội Mỹ sẽ khiến việc điều động binh sĩ không gây tổn hại cho NATO cũng như các nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào châu Âu.

Trong số gần 12.000 binh sĩ rút khỏi Đức, số lượng lớn sẽ được chuyển đến Ba Lan và một số nước châu Âu khác. Trong khi đó, số còn lại sẽ quay về Mỹ.

"Chúng tôi quyết định giảm lực lượng Mỹ ở Đức. Một số lính Mỹ sẽ về nước và một số sẽ đi đến những nơi khác. Ba Lan sẽ là một trong những nơi khác đó.

Họ (Ba Lan) hỏi chúng tôi liệu có thể tăng thêm quân và họ sẽ trả tiền cho việc gửi thêm quân. Chúng tôi sẽ điều quân từ Đức đến Ba Lan", ông Trump cho biết.

Dù chưa có tuyên bố chính thức từ phía Ba Lan nhưng theo giới quan sát, quốc gia Baltic này luôn sẵn sàng đón nhận số lính Mỹ được tăng cường triển khai trên lãnh thổ của mình.

Ước tính sẽ có khoảng 30 chiến đấu cơ F-16, năm chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules sẽ được Mỹ chuyển từ Đức đến Ba Lan cùng với số lượng lớn binh sĩ và vũ khí tối tân khác cũng nằm trong đợt điều chuyển này.

Vậy quyết định của Mỹ có khiến Đức thất vọng? Dù nguyên thủ Đức chưa có tuyên bố chính thức về vấn đề này nhưng hàng loạt nghị sĩ cùng quan chức cấp cao Đức đã cho cho thấy nước này đã quá chán sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ mình.

Nghị sĩ Đức Alexander Neu cho biết: "Nhìn vào kỷ niệm 70 năm thành lập NATO không phải để chúc mừng, mà là để suy nghĩ lại trước khi mọi thứ trở lên quá muộn.

Khối quân sự do Mỹ đứng đầu này là hiểm họa của toàn cầu, nó đã phá hoại mọi luật lệ quốc tế một cách có hệ thống, bài bản. Đức nên rời khỏi đó càng sớm càng tốt".

Theo quan điểm của nghị sĩ này NATO đã bộc lộ bộ mặt thật của mình khi tiến hành cuộc chiến tranh Nam Tư mà chưa được Liên Hợp Quốc thông qua, và vô số lần can thiệp vào tình hình nội bộ của các quốc gia có chủ quyền trên thế giới với vỏ bọc "bảo vệ những nạn nhân bị chà đạp".

Chỉ trong năm 2018, các quốc gia NATO đã chi hơn 1.000 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Số tiền này vượt xa khoản chi quốc phòng của cả Nga và Trung Quốc cộng lại - những nước mà NATO cho là "kẻ thù nguy hiểm nhất".

Trước đó, một tập thể các nghị sĩ của Đức đã gửi đơn yêu cầu tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội để trục suất đại sứ Mỹ tại Đức. Người Đức cho rằng vị đại sứ này đã lộng ngôn và can thiệp sâu vào các quyết sách của nước Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố kết thúc thời kỳ Berlin và Washington có thể tin tưởng lẫn nhau và "châu Âu cần tự nắm lấy vận mệnh của mình".

Hai bên hiện vẫn đang có nhiều tranh cãi, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực thương mại, chính sách dân tị nạn và nhập cư, lập trường đối với việc liên kết của châu Âu, về NATO, quản lý thế giới,...

Chính vì vậy, truyền thông phương Tây cho rằng, việc Mỹ chuyển quân khỏi Đức chưa hẳn đã là thất bại của Berlin.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/duc-khong-that-vong-khi-my-chuyen-quan-den-ba-lan-3415429/