Đức không thể thay thế khí đốt Nga trong tương lai gần?

Nghị sĩ Đức Klaus Ernst nói rằng nước này vẫn không có cách nào thay thế hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga, ngay cả sau khi vừa ký kết thỏa thuận khí đốt với Qatar.

“Chính phủ liên bang vừa ký thỏa thuận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với Qatar. Thực tế hợp đồng 2 triệu tấn LNG mỗi năm tương ứng với 3% lượng tiêu thụ khí đốt của Đức. Đức vẫn chưa có lựa chọn thay thế thực sự cho khí đốt của Nga", Chủ tịch Ủy ban kinh tế và năng lượng của Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) Klaus Ernst cho biết hôm 28/11.

Trước đó cùng ngày, Bloomberg đưa tin, Qatar đã đồng ý cung cấp cho Đức khí tự nhiên hóa lỏng theo một thỏa thuận dài hạn, góp phần giúp nền kinh tế hàng đầu EU thay thế khí đốt Nga. Thỏa thuận sẽ kéo dài ít nhất 15 năm.

Qatar đồng ý cung cấp LNG cho Đức theo thỏa thuận khí đốt kéo dài ít nhất 15 năm. (Ảnh: AP)

Qatar đồng ý cung cấp LNG cho Đức theo thỏa thuận khí đốt kéo dài ít nhất 15 năm. (Ảnh: AP)

Qatar không bán khí đốt trực tiếp cho Đức. Tập đoàn năng lượng Mỹ ConocoPhillips, đối tác của QatarEnergy, sẽ là đơn vị trung gian cung cấp khí đốt từ các dự án phía Nam và Đông North Field của Qatar cho cảng nhập khẩu LNG Brunsbuttel, miền Bắc nước Đức.

Theo thỏa thuận, phải tới năm 2026, những tàu LNG đầu tiên theo hợp đồng này mới bắt đầu cập cảng tại Đức. Tuy nhiên, đây vẫn là những thông tin lạc quan, khi mà nước này đang vừa phải đau đầu vì giá năng lượng cao, vừa phải giải bài toán giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Đức nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt qua các đường ống dẫn khí từ Nga. Sau khi Nga cắt giảm cung, Đức trở thành một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để tìm cách bù đắp thiếu hụt nguồn cung, nước này bắt tay vào xây các nhà ga LNG nổi để nhập khẩu LNG.

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng LNG của Đức cũng đang được đẩy nhanh. Nước này vừa khánh thành kho cảng tiếp nhận đầu tiên tại Wilhelmshaven và những trạm nổi xử lý LNG khổng lồ như Neptune cũng đã bắt đầu cập cảng tại Đức để sẵn sàng đón nguồn khí LNG quốc tế kể từ năm sau. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề năng lượng đầy thách thức hiện nay với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Kông Anh(Nguồn: RT)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/duc-khong-the-thay-the-khi-dot-nga-trong-tuong-lai-gan-ar717473.html