Đức muốn bảo vệ sức mạnh phương Tây

Giới lãnh đạo Đức vừa lên tiếng thúc giục các đồng minh châu Âu cải thiện quan hệ với Mỹ để đối phó những mối đe dọa ngày càng lớn từ Nga và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer. Ảnh: EPA

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer. Ảnh: EPA

Tại diễn đàn quan hệ hữu nghị Đức - Mỹ cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cảnh báo phương Tây với vai trò một hệ thống các giá trị đang gặp rủi ro. Theo bà, chỉ có sự hợp tác giữa Washington và châu Âu mới có thể giúp phương Tây vững mạnh, phòng vệ trước “cơn khát quyền lực của Mát-xcơ-va cũng như tham vọng thống trị toàn cầu từ Bắc Kinh”.

Việc Kramp-Karrenbauer và Ngoại trưởng Đức Heiko Mass thể hiện sự biết ơn đối với viện trợ của Mỹ trong và sau Chiến tranh Lạnh thật ra nhằm dập tắt quan điểm chống Mỹ trong nước, đồng thời cũng báo hiệu một sự nhận thức lớn dần về mối đe dọa đến từ Bắc Kinh. “Tương lai các quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng sẽ phụ thuộc vào nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận đúng đắn đối với Trung Quốc. Washington xem sự trỗi dậy của Bắc Kinh là thách thức chiến lược lớn trong thế kỷ này”, Ngoại trưởng Mass nói hôm 25-10. Ông cũng cảnh báo bên hưởng lợi từ những bất đồng giữa Mỹ - Đức là Trung Quốc và Nga.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức, đàm phán về một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ không là ý tưởng tệ bởi “cái bắt tay” sẽ dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản thuế quan cũng như những hạn chế thương mại. Trước đây, giới chức hai bên cũng từng nhất trí hợp tác hướng tới phi thuế quan, sau việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên EU và Canada, không chỉ chọc giận các nước đồng minh mà cả các nghị sĩ trong đảng Cộng hòa của ông.

Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer cũng đồng tình rằng Đức nói riêng và các nước châu Âu nói chung phải cho thấy sự nghiêm túc về vấn đề quốc phòng của “lục địa già”, bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19. Theo bà, châu Âu phải giảm bớt gánh nặng mà Mỹ đang chịu. “Điều gì khiến châu lục phải thể hiện sự hiện diện lớn hơn tại vùng Baltic, Biển Bắc, Balkan và Địa Trung Hải. Đó là giúp đảm bảo an ninh châu Âu”, Bà Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức coi đề xuất trên như “một tín hiệu gửi tới Mỹ”. Trước đó, Berlin đã bác bỏ những kêu gọi từ Tổng thống Emmanuel Macron rằng châu Âu nên dựa vào kho vũ khí hạt nhân của Pháp, thay vì Mỹ để được đảm bảo an ninh.

Đức chịu trách nhiệm bảo vệ châu Âu?

Đức đang bị chi phối bởi viễn cảnh ông Trump ở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3-11 tới. Theo tờ Financial Times, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có tác động tới quan hệ Washington - Berlin hoàn toàn khác so với việc ứng viên Joe Biden đắc cử. Một trong những điều có thể hình dung là Tổng thống Trump sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi châu Âu. Thậm chí, ông cũng có thể trở thành đồng minh với Nga. Kịch bản này gần như chắc chắn sẽ là dấu chấm hết đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn do Washington dẫn đầu. Chủ nhân Nhà Trắng thường chỉ trích Đức không đạt mục tiêu của NATO chi 2% GDP cho quốc phòng (hiện chỉ dưới 1,5%).

Bất kể kết quả bầu cử Mỹ như thế nào, Đức cũng sẽ trở thành “chiếc ô” an ninh cho châu lục. Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen thừa nhận Berlin chưa sẵn sàng gánh trọng trách đó.

HẠNH NGUYÊN (Theo Washington Examiner)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/duc-muon-bao-ve-suc-manh-phuong-tay-a126838.html