Đức: Nước khác khó sản xuất được vắc-xin dù chia sẻ công thức

Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 7-5 bày tỏ hoài nghi về đề xuất của Mỹ dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin Covid-19 sẽ giúp giải quyết vấn đề tiêm chủng ở các nước nghèo, thay vào đó kêu gọi tăng xuất khẩu.

Trong khi các nhà hoạt động và các tổ chức nhân đạo hoan nghênh quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden và kêu gọi sự ủng hộ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lại cho rằng bất kỳ lợi ích nào từ việc dỡ bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn còn xa vời.

Tuy ủng hộ dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin nhưng trong hội nghị thượng đỉnh ở Bồ Đào Nha Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo: "Chúng ta có thể trao tài sản trí tuệ cho các phòng thí nghiệm vốn không biết cách sản xuất. Họ sẽ không thể sớm sản xuất vắc-xin".

Các quan chức EU khẳng định việc viết lại các quy tắc bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể mất vài tháng hoặc thậm chí một năm.

Những người ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin đã lập luận rằng điều này sẽ cho phép nhiều nhà máy trên khắp thế giới sản xuất vắc-xin, giúp tăng nguồn cung, đặc biệt là ở các nước nghèo. Thế nhưng, quyết định cuối cùng thuộc về 164 thành viên của WTO và đề xuất sẽ bị bác nếu có bất kỳ quốc gia nào bỏ phiếu chống.

Các quan chức EU khẳng định việc viết lại các quy tắc bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin có thể mất vài tháng hoặc thậm chí một năm. Ảnh: AP

Các quan chức EU khẳng định việc viết lại các quy tắc bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin có thể mất vài tháng hoặc thậm chí một năm. Ảnh: AP

Tổng thống Macron cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là quyên góp và xuất khẩu, lập luận mà ngành công nghiệp dược phẩm từng đưa ra và ông kêu gọi Mỹ nên làm nhiều hơn nữa trên mặt trận đó.

Mỹ hiện không có lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin cũng như không cấm xuất khẩu các thành phần của vắc-xin. Mỹ đã gửi cho Canada và Mexico khoảng 4 triệu liều vắc-xin AstraZeneca (Anh), loại vắc-xin được Mỹ mua nhưng chờ được cấp phép sử dụng ở Mỹ. Mỹ cũng có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu đến 60 triệu liều trong những tháng tới.

Hồi tuần trước, Mỹ cũng đã chuyển một số nguyên liệu thô dành cho AstraZeneca sang Ấn Độ như một phần trong nỗ lực cứu trợ quốc gia Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhắc lại một số quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị trực tuyến hôm 7-5 rằng đề xuất của Mỹ có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận công bằng đối với vắc-xin nhưng có thể không là "yếu tố quan trọng nhất" trong việc mở rộng sản xuất vắc-xin.

Theo kênh Al Jazeera, các bước quan trọng khác bao gồm giảm hạn chế xuất khẩu cả vắc-xin lẫn các thành phần cần thiết để tạo ra chúng, chia sẻ bí quyết sản xuất, đào tạo nhân viên sản xuất và tăng năng lực sản xuất trên toàn cầu.

Trong khi đó, Đức, cường quốc nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm, đã lên tiếng phản đối đề xuất của Mỹ và cũng ủng hộ giải pháp nên xuất khẩu nhiều hơn.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng vấn đề không nằm ở dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin mà là năng lực sản xuất, đồng thời nhấn mạnh việc sản xuất các loại vắc-xin như của công ty BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) là rất phức tạp.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/duc-nuoc-khac-kho-san-xuat-duoc-vac-xin-du-chia-se-cong-thuc-20210508101548422.htm