Đức-Pháp-Nga đồng lòng: Đường trở lại của người anh em châu Âu

Lãnh đạo Đức, Pháp, Nga có cuộc điện đàm trao đổi nhiều vấn đề thế giới, trong đó có điểm nóng Iran và quyền bầu cử của Nga ở châu Âu.

Đức, Pháp, Nga đồng thanh tương ứng

Ngày 21/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại để thảo luận tình hình khu vực và các vấn đề nổi cộm trên thế giới mà cả ba nước quan tâm.

Đáng chú ý trong đó là vấn đề về Iran. Lãnh đạo ba nước khẳng định một lần nữa sự ủng hộ và cam kết đối với mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với Iran trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế.

Đồng thời, 3 nước châu Âu khẳng định quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã đạt được với quốc gia Trung Đông này. Cả 3 nhà lãnh đạo khẳng định JCPOA là yếu tố quan trọng và duy nhất trong việc duy trì an ninh và sự ổn định tại Trung Đông và quốc tế.

Đức, Pháp, Nga tái khẳng định quan điểm các hành động leo thang của Mỹ trừng phạt Iran và quyết định rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018 là hành động gây phương hại đến an ninh thế giới.

Tổng thống Putin trong một cuộc điện đàm (nguồn: TASS)

Tổng thống Putin trong một cuộc điện đàm (nguồn: TASS)

Ba nước tiếp tục nhất trí việc tạo ra một cơ chế đặc biệt, với tên gọi Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp nước ngoài với Iran, tránh sự ảnh hưởng từ các biện pháp của Mỹ. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh INSTEX cần sớm đi vào hoạt động.

Liên quan đến vấn đề Syria, cả ba nước châu Âu nhất trí thành lập ủy ban hiến pháp tại quốc gia này đồng thời, Pháp, Đức công nhận những nỗ lực chống khủng bố của Nga ở Syria.

Ngoài ra, ba nước tiếp tục thảo luận về quyền bầu cử của Nga tại Đại hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE). Theo tuyên bố từ Điện Kremlin, Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp đều nhất trí ủng hộ khôi phục quyền bỏ phiếu cho phái đoàn Nga ở PACE.

Đường về của người anh em châu Âu

Hôm cuối tuần vừa qua, Ủy hội châu Âu nhóm họp và 48 quốc gia (chưa tính Nga) đã bỏ phiếu thông qua việc cho phép khôi phục lại quyền được bỏ phiếu và các chức năng khác từ tư cách thành viên của Nga trong Ủy hội. Những quyền này đã bị Ủy hội tước bỏ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Ngoài ra, việc Pháp, Đức ủng hộ Nga được khôi phục quyền bỏ phiếu của họ ở PACE đồng nghĩa với việc 18 đại biểu (nghị sĩ Nga) được phép đóng góp ý kiến, tham gia chất vấn, đưa tham luận... trong các hoạt động của PACE.

Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) được thành lập theo Hiệp ước London. Hội đồng là một trong hai cơ quan theo định chế của Ủy hội châu Âu, bao gồm Ủy ban Bộ trưởng (các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên) và Hội đồng Nghị viện, đại diện các lực lượng chính trị.

Ủy hội châu Âu khác với Nghị viện châu Âu (một thể chế của Liên minh châu Âu - EU), tuy nhiên việc khôi phục vai trò của Nga tại tổ chức này cho thấy giữa hai bên châu Âu và Moscow đã có những động tác đầu tiên nhằm phá băng mối quan hệ bất đồng nhiều năm nay.

Ba nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại một hội nghị về Syria

Đáng chú ý, Đức, Pháp, hai quốc gia với tư cách đang lãnh đạo EU tiếp tục thống nhất với Nga về những vấn đề của Iran, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

JCPOA là thỏa thuận được ký kết trong nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc với Iran. Trong bối cảnh Anh gần như đã rút khỏi EU, điều này đồng nghĩa với việc giữa EU và Nga đã có tiếng nói chung trên rất nhiều vấn đề của thế giới.

Đáng chú ý, từ JCPOA hay công cụ hỗ trợ INSTEX, đều đang mang lại lợi ích cho cả ba bên Iran, châu Âu và Nga. Chỉ một thế lực duy nhất không hài lòng là Mỹ.

Từ đó để thấy, Nga và EU đã có những lợi ích đồng nhất, và châu Âu tìm cách bảo vệ lợi ích của mình, bất chấp việc mâu thuẫn với đồng minh Mỹ.

Như Phó Thủ tướng Ý, ông Matteo Salvini hồi tháng tư đã nói: "Nga là một phần của châu Âu, họ có lịch sử gắn với châu lục này, họ có nhiều nét tương đồng từ văn hóa, sắc tộc, chính trị, tôn giáo với những quốc gia ở châu Âu. Tôi muốn nhìn thấy Nga là thành viên của EU hơn là thấy Thổ Nhĩ Kỳ có được vinh dự ấy".

Mối quan hệ giữa Nga và EU xấu đi kể từ thời điểm cuộc cách mạng màu Euromaidan nổ ra ở Ukraine, lập ra chính quyền thân phương Tây. EU và Mỹ đã thống nhất gia tăng trừng phạt vào Nga. Tuy nhiên, cả hai bên liên tiếp có nhiều động thái phá băng trong thời gian gần đây.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/duc-phap-nga-dong-long-duong-tro-lai-cua-nguoi-anh-em-chau-au-3380522/