Đức 'vừa đấm vừa xoa' Nga sau vụ điệp viên Skripal

Bất chấp việc Đức cùng các nước phương Tây đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ một cựu điệp viên hai mang người Nga bị đầu độc tại Anh, Berlin vẫn muốn duy trì đối thoại với Moscow và tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh khác xảy ra.

Đức cấp phép xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2

Ria Novosti dẫn thông báo của Nord Stream 2AG cho biết, đã nhận được tất cả các giấy phép từ Đức để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong một thông cáo báo chí của Nord Stream 2AG có đoạn viết: "Ngày hôm nay, công ty Nord Stream 2 AG đã nhận được sự cho phép xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí đốt ở vùng đặc quyền kinh tế của Đức". Như vậy, phía Đức đã đồng ý cấp phép xây dựng 30 km đường ống dẫn khí đốt cho dự án này.

"Chúng rất vui vì đã có được giấy phép cần thiết cho công việc xây dựng đường ống trên phần của Đức (30 km) trong tổng chiều dài 85 km", giám đốc phụ trách việc nhận giấy phép ở Đức của công ty Nord Stream 2", Jens Lange cho biết.

Ngoài ra, thông cáo còn cho biết các thủ tục nhận giấy phép cần thiết ở bốn quốc gia còn lại - Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch - đều đúng tiến độ. Công ty dự kiến sẽ nhận được tất cả giấy phép trong những tháng tới, trước khi bắt đầu kế hoạch xây dựng vào năm 2018.

Trước đó, ngày 26/3, Đức, Hoa Kỳ, Canada, Na Uy, Ukraine, Albania, Macedonia và các nước thành viên Liên minh châu Âu EU tuyên bố trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga liên quan đến vụ điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.

Tuy nhiên, điều phối viên của Chính phủ Đức về quan hệ với Nga Gernot Erler khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Passauer Neue Presse ngày 28/3 rằng, bất chấp việc Chính phủ Đức cùng các nước phương Tây đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ một cựu điệp viên hai mang người Nga bị đầu độc tại Anh, Berlin vẫn muốn duy trì đối thoại với Moscow và tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh khác xảy ra.

Điều phối viên Gernot Erler nhấn mạnh việc Đức trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga là nhằm thể hiện sự đoàn kết với London trong vụ cựu điệp viên Sergey Skripal và con gái ông này bị đầu độc tại Anh. Tuy nhiên, ông Erler khẳng định các kênh thông tin giữa Đức và Nga vẫn mở rộng.

Đức, Mỹ và các nước châu Âu trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến xây dựng song song, và sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh.

Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Sandra Oudkirk nhấn mạnh, rằng thành công của dự án này sẽ dẫn đến những hậu quả địa chính trị chiến lược nặng nề đối với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Bà này cho rằng, một kịch bản tồi tệ nhất đối với Hoa Kỳ là "việc đóng cửa thị trường chuyển đổi khí hóa lỏng LNG và sự tăng cường của tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, và điều này có thể dẫn đến một sự độc quyền trên thị trường khí đốt.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 làm suy yếu an ninh năng lượng và ổn định của châu Âu. Theo bà, dự án này sẽ là phương tiện để Nga gây áp lực lên các nước châu Âu, đặc biệt là Ukraine".

Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án này. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".

Tổng giá trị đầu tự xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/duc-vua-dam-vua-xoa-nga-sau-vu-diep-vien-skripal-post257723.info