Dùng a-xít tấn công người khác bị xử lý ra sao?

Thời gian gần đây, những vụ án liên quan đến việc dùng axít tạt vào người khác vẫn xuất hiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng người dân. Để nắm rõ được quy định pháp luật liên quan đến hình thức xử lý loại tội phạm này ra sao, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để làm rõ.

Mới đây nhất, sáng 21/3, UBND phường Hà Tu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã có thông tin chính thức liên quan đến việc xảy ra vụ tạt axit vào người khác trên địa bàn. Theo đó, khoảng 19h50, ngày 19/3, ông T.Đ.Q (HKTT tại tổ 10, khu 5, phường Hà Tu) có xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau với gia đình bà N.T.T (trú tại tổ 11, khu 6, phường Hà Tu). Ngay sau đó, ông T.Đ.Q đi vào nhà và lấy ra 2 ca chất lỏng nghi là axit tạt vào những người có mặt tại hiện trường khiến 7 người bị bỏng. Đáng chú ý, có 2 người đi qua đường bị bỏng nặng nhất ở vùng đầu, mặt, mắt, cổ… là ông Tr. Đ. Q. ( trú tại tổ 7, khu 2, phường Hà Tu) cùng cháu là Đ. A. M. (3 tuổi, trú tại tổ 8A, khu 1, phường Hà Phong). Hiện hai ông cháu đã được đi cấp cứu tại Hà Nội. 5 người bị bỏng nhẹ hơn là người nhà và người đi cùng với bà Tuyên, trong đó có 1 người phải đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện trong tình trạng bỏng axit độ hai 6% vùng đầu, mặt.

Vụ việc khiến người dân sống quanh khu vực thực sự lo lắng cũng như đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của ông T.Đ.Q.

Vậy hành vi vi phạm nêu trên của ông T.Đ.Q sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ căn cứ để xem xét, xử lý đối tượng vi phạm. Việc sử dụng axít để hãm hại người khác là một hành vi tàn độc, vô nhân tính, dã man và gây nguy hiểm cho xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm khắc.

 Hiện trường vụ việc ông T.Đ.Q tạt chất lỏng nghi là axit khiến 7 người bị bỏng trên địa bàn phường Hà Tu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). (Nguồn: tienphong.vn).

Hiện trường vụ việc ông T.Đ.Q tạt chất lỏng nghi là axit khiến 7 người bị bỏng trên địa bàn phường Hà Tu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). (Nguồn: tienphong.vn).

Liên quan đến đối tượng dùng axít hãm hại người khác, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có một điều, khoản nào quy định riêng về loại tội phạm này. Những đối tượng tạt axít phần lớn thường bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (điều 134, chương XIV, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

“Như vậy, văn bản pháp lý liên quan đến hình thức xử lý với loại tội phạm có hành vi tấn công người khác bằng a-xit đã có. Tùy thuộc vào quá trình điều tra, xem xét những vấn đề liên quan như động cơ, mục đích, tỷ lệ thương tật, hoạt động có tổ chức hoặc những vấn đề khác, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ cụ thể để ban hành mức xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc lên án hành vi này cần phải được thực hiện triệt để và đối tượng vi phạm phải bị nghiêm trị. Những giải pháp xử lý đúng quy định pháp luật sẽ góp phần bảo đảm tính răn đe của pháp luật, không để người khác lặp lại” – luật sư Tiến phân tích thêm./.

Trường Quân - Quang Tuấn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/dung-a-xit-tan-cong-nguoi-khac-bi-xu-ly-ra-sao-606377.html