Dùng bằng giả học Thạc sĩ, Tiến sĩ: Có nên công khai?

Cần phải xử nghiêm hành vi làm bằng giả và cả những người sử dụng bằng giả vì bất kỳ lý do gì.

Viện KSND tối cao (VKS) vừa ban hành cao trạng truy tố nhóm cựu lãnh đạo Trường đại học Đông Đô, Viện kiểm sát cũng xác định có nhiều người 'mua' bằng là cán bộ, công chức.

Cụ thể, trong số 429 văn bằng giả được cấp, có 67 người đã dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 cá nhân khác thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Theo đó, cơ quan điều tra đã kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời, kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả.

Cần xử lý nghiêm hành vi làm giả, sử dụng bằng giả để tiến thân. Ảnh minh họa

Cần xử lý nghiêm hành vi làm giả, sử dụng bằng giả để tiến thân. Ảnh minh họa

Rất đồng tình với kiến nghị trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cần phải xử nghiêm hành vi làm bằng giả và cả những người sử dụng bằng giả vì bất kỳ lý do gì.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, lâu nay chúng ta luôn rất quyết liệt, ngăn chặn các hoạt động, hành vi giả dối. Đây lại còn là hành vi làm giả bằng cấp, giả trình độ, tri thức, giả con người thì không thể tha thứ được.

"Mục đích của việc làm giả bằng cấp, giả con người chính là để tạo điều kiện thuận lợi cho con đường công danh, sự nghiệp, để thăng quan tiến chức. Đây là hành vi giả mạo rất nguy hiểm.

Dân gian đã có câu "cán bộ kém thì dân chịu khổ", một cán bộ đi lên nhờ vào bằng cấp, chứng chỉ giả cho thấy trình độ yếu kém, hạn chế, không có năng lực mới phải làm giả.

Nếu dùng cái bằng giả, trình độ giả đó để tiến thân, để nắm giữ các công việc, chức vụ nào đó trong bộ máy quản lý nhà nước có thể sẽ là những mầm mống yếu kém, gây ra rủi ro cho tương lai", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích.

Nhìn từ góc độ khác, vị PGS cho hay, mục đích của giáo dục không đơn thuần chỉ là cung cấp cho một con người có được kiến thức, trình độ, tạo nền tảng trí tuệ vững chắc. Giáo dục còn là môi trường đào tạo, rèn luyện đạo đức, lối sống cho mỗi con người, là làm giàu thêm “tính người” cho mỗi con người. Làm giả bằng cấp, trình độ đã cho thấy, một con người không có đủ tư chất, đạo đức. Vậy thì làm sao đủ tư là một cán bộ tốt, một người quản lý tốt?

"Xét từ điểm nhìn này, càng không thể dung túng, bao che cho các hành vi giả mạo, gian dối, nhất là hành vi làm giả bằng cấp, giả tri thức, giả con người", vị chuyên gia thẳng thắn.

Với hành vi giả mạo về bằng cấp, ông đồng tình với việc cơ quan điều tra phải làm nghiêm, làm rõ, làm công khai, minh bạch các hành vi giả mạo, gian dối để xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cơ quan điều tra công khai những người có hành vi giả mạo, gian dối bằng cấp. Bởi lẽ, công khai người tổ chức làm bằng giả là cần thiết nhưng người chủ ý mua bằng, chạy bằng cũng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống, cần phải được công khai danh sách và xử lý nghiêm.

"Cơ quan điều tra đã làm rõ được hơn 70 người sử dụng bằng giả với các mục đích khác nhau trong học tập, công việc, thăng quan tiến chức thì không có lý do gì lại không có làm rõ được những người làm giả này là ai, học tập, công tác ở đâu?

Một khi đã có được danh sách những người làm giả cần phải xử lý công khai, nghiêm minh trước pháp luật, bởi nhìn ở góc độ nào đó thì đây có thể xem là hành vi thông đồng, tiếp tay cho các đối tượng làm giả bằng cấp hoạt động. Có cầu mới có cung, việc tiêu thụ đồ ăn cắp, ăn trộm cũng bị xử lý thì việc sử dụng bằng giả cũng phải là một hành vi vi phạm pháp luật cần bị xử lý tương tự.

Như vậy, ngoài yêu cầu cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời, kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả là đúng nhưng mới chỉ là bước đầu. Để làm triệt để thì còn phải xử lý theo quy định pháp luật", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Về phía các cơ quan có các cán bộ, công chức vi phạm, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu khi đã có kết luận của cơ quan điều tra mà vẫn chần chừ, không xem xét, xử lý kỷ luật được thì cần phải làm rõ những dấu hiệu bao che, dung túng của các cơ quan chủ quản với cán bộ, nhân viên đơn vị quản lý.

Dẫn lại cáo trạng của cơ quan điều tra, trong số 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, có 2 người đã bị cơ quan chủ quản miễn nhiệm chức vụ, 14 người bị cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm, vị nguyên Thứ trưởng đặt câu hỏi, việc xử lý như vậy đã thật sự nghiêm minh?

"Nếu cơ quan, đơn vị nào có người sử dụng bằng giả mà không được xử lý công khai, nghiêm minh cần phải xem xét trách nhiệm cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó", PGS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/dung-bang-gia-hoc-thac-si-tien-si-co-nen-cong-khai-3436592/