Dùng bạo lực giải quyết việc trẻ con xích mích ít ai nghĩ mình đang can thiệp quá thô bạo với đời sống của con ở trường

Chỉ với mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa con trẻ nhưng nhiều cha mẹ sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết như vụ học sinh lớp 1 bị bố của bạn hành hung ở Hòa Bình. Việc dùng bạo lực giải quyết việc trẻ con xích mích với nhau, ít tai nghĩ mình đang can thiệp quá thô bạo với đời sống của con ở trường.

Hãi hùng giải quyết xích mích của con trẻ bằng bạo lực

Sự việc người bố xông vào trường học hành hung học sinh ở TP Hòa Bình đang gây bức xúc dư luận khi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt của con trẻ mà đã hành động bạo lực như vậy. Theo đó, khoảng 13h50 ngày 10/7, ông Phạm Duy Đức đã xông vào Trường Tiểu học Hữu Nghị đưa bé N.G.KH (7 tuổi, học sinh lớp 1A3) ra ngoài rồi hành hung bé khiến cháu bị thương ở vùng mặt và tay, chảy nhiều máu.

Xác định bước đầu nguyên nhân được biết, em Kh và P.H.L – con của ông Duy Đức có trêu đùa và xảy ra mâu thuẫn trong giờ ra chơi. Giáo viên chủ nhiệm đã gặp riêng hai em khi biết sự việc để lắng nghe trình bày, đồng thời yêu cầu các em xin lỗi nhau. Sự việc đã được giải quyết, nhưng khi con mách, do vẫn còn bức xúc nên khi đưa con đi học, người bố này đã tìm đến em Kh và có hành vi bạo hành đối với em.

Vì chuyện nhỏ nhặt của con trẻ, nhiều bậc phụ huynh cũng không làm chủ được mình đã dùng bạo lực đối với đứa trẻ còn lại. Như chỉ mới trước đó không lâu, vào ngày 11/6, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc trước vụ việc xảy ra tại một trường mầm non ở Nghệ An. Theo đó, hai bé N và D có nô đùa cùng nhau dẫn tới việc bé D bị xước ở dưới mí mắt. Trong lúc nóng giận, mẹ bé D đã đến lớp tát cháu N trước sự chứng kiến của giáo viên chủ nhiệm và một số phụ huynh khác.

Hay một bé trai đã bị mẹ của bạn lao tới và tát thẳng vào mặt ngay giữa khu vui chơi của một siêu thị tại Trung Quốc sau khi tranh chấp với bạn trong lúc vui chơi. Clip chia sẻ cho thấy mẹ cậu bé nhỏ tuổi hơn khá tức giận cho rằng cục cưng đang chịu thiệt nên ngay lập tức gây chiến trong khi người chồng đứng bên cạnh hết lời khuyên giải. Cha ruột của bé trai còn lại cũng không chịu nhún nhường càng làm bà mẹ hung hăng hơn. Cô này đã vung tay tát thẳng vào mặt cậu nhóc vừa bắt nạt con mình khiến em ngã nhào xuống đất.

Hành vi phản giáo dục

Những câu chuyện trên được chia sẻ khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc, nhất là với những ai có con nhỏ. Trẻ con xích mích với nhau khi chơi có vô vàn lí do. Chúng cãi nhau, gây lộn như tranh giành đồ chơi, nói xấu nhau, trêu đùa và tất cả đều có nguyên nhân.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho rằng, trẻ con xích mích với nhau, mâu thuẫn là việc rất dễ xảy ra, nhất là khi chúng ở bên nhau suốt cả ngày, cả tuần. Nếu cha mẹ của một bên xử riêng bé bên kia hoặc dùng bạo lực giải quyết, mẫu thuẫn không thể giải quyết mà về sau trẻ cứ thế mà tiếp tục xử nhau bằng bạo lực.

Thực tế trong nhiều tình huống việc hai đứa trẻ đánh nhau chỉ như một phản xạ nhất thời chứ không mang tính thù hằn lâu dài. Nhiều trẻ chỉ đánh để giải tỏa cơn tức giận bộc phát rồi sau đó quên ngay và làm hòa với nhau. Nhưng đôi khi thái độ tiêu cực của bố mẹ lại đẩy mâu thuẫn lên cao trào khiến trẻ nghĩ hành vi bạo lực của bạn là quá đáng hơn trên thực tế, cho trẻ mong muốn được trả thù. Trẻ ở độ tuổi lớp 1 càng hiếu động, chưa ý thức hết được hành động của mình nên rất cần sự uốn nắn, định hướng hành vi đúng đắn cho trẻ.

Theo tác giả Ibuka Masaru (người truyền đạt những kinh nghiệm dạy trẻ theo kiểu Nhật), cha mẹ không nhất thiết phải can thiệp vào các cuộc cãi nhau ở trẻ. Bản thân đứa trẻ sẽ tự biết cách để xây dựng, đưa ra những chính kiến bản thân và cùng nhau hợp tác. Đó là cách để trẻ thoát khỏi sự bao bọc của cha mẹ, học cách thể hiện ý kiến bản thân và hòa nhập với người khác.

Trẻ nhỏ cũng có mối quan hệ của riêng mình như người lớn. Chúng cũng cần phải tự giải quyết những mâu thuẫn rắc rối của mình để trưởng thành. Người lớn chúng ta không thể lường được mọi tình huống, bao bọc con trẻ mãi được… Khi trẻ cãi nhau hay đánh nhau đừng bao giờ nghĩ con mình đúng. Trước hết hãy để trẻ tự giải quyết rồi lắng nghe và phân tích sau. Dùng hành động bạo lực để giải quyết xích mích của con trẻ là phản giáo dục.

Theo các chuyên gia tâm lý, hành động dùng bạo lực giải quyết xích mích của con trẻ chính là cha mẹ can thiệp quá thô bạo vào đời sống của con ở trường. Đồng ý rằng, ai chẳng xót khi thấy con mình và bạn chơi với nhau xảy ra mâu thuẫn, có xây xát. Dù vậy vẫn không thể dùng vũ lực với một đứa trẻ còn nhỏ bằng tuổi con mình. Giải quyết thế nào phụ huynh cũng cần nhìn ở phương diện trẻ nhỏ. Trẻ con đơn giản chứ không phức tạp như người lớn. Trẻ có thể nay cãi nhau, đánh nhau, "xít" nhau nhưng rồi chẳng mấy quên ngay. Chúng lại vui vẻ cười đùa, chơi với nhau bình thường.

Bố mẹ nào cũng thương con. Ở trên dù trẻ có sai cũng có nhiều cách để giáo dục trẻ chứ không thể giáo dục bằng bạo lực. Biện minh thế nào, hành động của ông bố với cháu bé lớp 1 vẫn khó có thể chấp nhận.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/dung-bao-luc-giai-quyet-viec-tre-con-xich-mich-it-ai-nghi-minh-dang-can-thiep-qua-tho-bao-voi-doi-song-cua-con-o-truong-20200714232831435.htm