Đừng biến con chúng ta thành robot nữa

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội - ISDS, chia sẻ như vậy khi trao đổi với TG&VN sau câu chuyện nam sinh tự tử vì áp lực học tập.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên bà nghe tin về một em bé quyên sinh vì áp lực học hành nhưng cũng như những lần trước, lần này bà vẫn bị sốc, tự hỏi: “Vì sao?”.

Chương trình học quá nặng, thi cử, điểm số cùng hàng loạt vấn đề khác đã tạo áp lực chưa từng có lên học sinh. Bà suy nghĩ thế nào sau câu chuyện một nam sinh trường Nguyễn Khuyến tự tử vì áp lực học hành vừa qua?

Thương xót, tức giận và bất lực là cảm xúc của tôi trước cái chết đau đớn của cháu bé. Tôi thấy mình có lỗi và vô dụng vì đã không thể làm gì hay đã không làm gì. Tôi – một người lớn trong hàng chục triệu người lớn ở đất nước này đã vô tình để mặc cho những tâm hồn non nớt ấy dằn vặt đau khổ biết bao lâu trước khi chọn sự kết thúc bi thảm nhất. Cứ sau mỗi cái chết của trẻ vì không chịu nổi áp lực học hành, tôi lại thấy tội lỗi của mình dày thêm. Tôi giận mình vì không có quyền năng để thay đổi.

Tự khi nào người lớn bị cuốn vào vòng quay khổng lồ với điểm số, thành tích không sao thoát ra được. Để rồi, vô tình chúng ta đang tiếp tay cho phương pháp giáo dục cướp đi tuổi thơ êm đềm của nhiều đứa trẻ?

Từ khi nào ư? Từ khi người lớn bị ám ảnh bởi thói sĩ diện và bệnh thành tích đang gây áp lực cho trẻ, biến sự ganh đua trong sáng thành tâm lý cay cú, ăn thua. Lý do chính là do thiếu một triết lý giáo dục đúng đắn nên Việt Nam cứ loay hoay cải cách mấy chục năm qua mà vẫn chưa có một chương trình giáo dục đủ chất lượng.

Vì thế, mới dẫn đến tình trạng trẻ học trên lớp không đủ phải học thêm của chính thầy cô mình, thậm chí còn học thêm ở các trung tâm. Tôi gọi đó là một nền giáo dục không hiệu quả. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự căng thẳng triền miên, trầm cảm và tự tử của những đứa trẻ.

Học sinh mệt mỏi vì áp lực học tập nhiều. (Ảnh: Khôi Trần)

Khi mà ở nước ngoài, trẻ được dành thời gian khá nhiều để học kỹ năng thì ở nước ta, trẻ đang phải học ngày học đêm. Chưa khi nào học sinh phải chịu áp lực như hiện nay và phụ huynh cũng có trách nhiệm không nhỏ trong tình trạng này?

Tôi sẽ không trách các phụ huynh vì họ cũng là nạn nhân của một nền văn hóa khoa cử, chuộng bằng cấp. Mặt khác, việc đưa con đi học hết lớp này đến lớp khác cũng là cách đặng chẳng đừng mà họ buộc phải chấp nhận như một cách ứng phó với nền giáo dục sai lệch của chúng ta…

Đã từng có một thời trẻ con không phải đi học thêm, không phải học tối ngày. Đã từng có thời cả lớp chỉ vài ba học sinh giỏi nhưng không hề có sự ganh đua đến mức cay cú thiếu lành mạnh như hiện nay.

Việc ngày càng có nhiều gia đình cho con đi du học là một chỉ báo cho thấy họ đã từ chối nền giáo dục này. Những người không đủ tài chính đành phải cùng con cái đương đầu với vô số các cuộc cải cách giáo dục chóng mặt.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhà nhà đều mong con thông thạo tiếng Anh để hội nhập quốc tế, để trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, phải chăng nhiều người đang tuyệt đối hóa tiếng Anh đến mức biến trẻ thành cỗ máy học nhưng lại mộng mị, ngọng nghịu về các kỹ năng?

Học tiếng Anh hay ngoại ngữ khác là vô cùng cần thiết trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay. Tôi hiểu nỗi lo lắng của phụ huynh và thông cảm với họ. Nhưng trẻ phải học đến mức mụ mẫm, học không còn tuổi thơ thì đó là lỗi của ngành giáo dục. Nếu chất lượng giảng dạy tiếng Anh tốt, hẳn trẻ em chỉ cần học chính khóa đã đủ chứ không phải học ngày học đêm như vậy.

Mặt khác, chất lượng giáo dục nước nhà thấp cũng lý giải tại sao làn sóng “tị nạn giáo dục” ngày càng có xu hướng tăng. Việc cha mẹ ép con học tiếng Anh cũng là để chúng có cơ hội được hưởng một nền giáo dục tốt hơn ở nước ngoài. Trước khi trách các phụ huynh, chúng ta hãy xem xét lại chất lượng giáo dục mà con em đang được hưởng ở trường.

Vậy làm sao để giải phóng trẻ khỏi áp lực nặng nề trên vai, thưa bà?

Tôi nghĩ, thay đổi triết lý giáo dục và cải cách phương pháp giảng dạy một cách căn bản là giải pháp quan trọng nhất để giảm tải áp lực và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngày nay, chỉ với một cú nhấp chuột máy tính, bạn có thể bước vào một thế giới vô tận của tri thức. Tại sao vẫn còn tình trạng trẻ phải học thuộc lòng, tại sao bắt trẻ phải làm văn theo mẫu? Thời gian đó lẽ ra trẻ có thể học kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống và chơi...

Trẻ trưởng thành không phải qua hằng đẳng thức đáng nhớ hay thuộc lòng công thức hóa học mà qua giao tiếp, chơi đùa. Bởi qua đó, chúng học được các kỹ năng thương thuyết, vượt qua thất bại, thách thức và làm chủ cảm xúc của mình. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, chúng ta sẽ có rất nhiều robot. Vì vậy, đừng biến con cái chúng ta thành robot nữa.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dung-bien-con-chung-ta-thanh-robot-nua-69844.html