Đừng biến con thành 'vật tế thần' sau ly hôn

Hạnh phúc tan vỡ, vợ chồng đành đưa nhau ra tòa. Quyền lợi nuôi con thường thuộc về người vợ, còn người chồng có nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng hằng tháng và được quyền thăm nom.

Tuy nhiên, đôi khi những bất đồng của cha mẹ không được hàn gắn thì tất yếu quyền lợi của con cái sẽ bị đe dọa. Lúc ấy cha hoặc mẹ có thể thay đổi quyền nuôi con?

Bị chồng cũ "cướp" con, mẹ ròng rã Bắc-Nam tìm kiếm hơn 5 tháng

Ngày 10/6 tòa án nhân dân quận Bình Tân ra quyết định ly hôn cho chị Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1993, ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM) và anh Q.N.S. Theo đó, chị Dung được tòa trao quyền nuôi con là bé Phương Linh 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, tại phiên tòa không có mặt gia đình chồng chị Dung.

Linh cảm của người mẹ mách bảo điều chẳng lành nên khi kết thúc phiền tòa, chị Dung vội chạy ngay sang nhà chồng, nhưng khi tới nơi thì con gái không thấy đâu, gia đình chồng cũng chuyển nhà đi mất.

Sau đó, mất rất nhiều thời gian chị mới hỏi ra nơi ở mới của nhà chồng. Tìm tới nơi thì chồng cũ đã ôm con bỏ đi.

Người mẹ trẻ nghẹn ngào kể lại những ngày tháng gian nan đi tìm con trong nước mắt:“Ai nói thấy con em ở đâu là em chạy đến đó ngay. Có lần, em nghe được anh ta đưa con em về ngoài quê, em lặn lội ra tận Hà Nội. Em về đó nửa tháng trời, phải giữ bí mật không dám nói mình là mẹ đi tìm con. Ngày nào em cũng lân la đi hỏi thăm bà con nhà chồng có thấy con em về đây không. Đi tới đâu cũng nghe người ta nói con vợ nó sinh con ra được 2 tháng thì bỏ con đi theo trai, em nghe mà ứa nước mắt. Em vẫn cố cầm lòng dò hỏi tin con nhưng không thấy đâu”.

Không biết bao nhiều lần nước mắt chị trào ra khi tìm con trong vô vọng. Chị Dung kể, mỗi lần đi tìm con chị lại vay mượn tiền, bán hết những gì có thể và đi như người vô hồn.

Chị cho biết: “Cách đây không lâu nghe tin con ở Tây Ninh em lại cuống cuồng bắt xe lên đó. Em đi chỉ nghĩ tới con mà không quan tâm gì hết. Lên tới nơi em mới biết Tây Ninh nó rộng lớn, em không biết phải đi đâu tìm con. Hỏi thăm suốt 2 ngày không được gì em lại phải quay về”.

Thương con, nhớ con nhiều đêm chị không ngủ được. Tòa án thì có quyết định quyền nuôi con thuộc về chị từ hơn 5 tháng trước nhưng tới giờ này chị vẫn chưa được nhìn mặt con.

“Em đi tìm con nhưng em vẫn phải giấu cha mẹ mình. Biết cha mẹ cũng thương con thương cháu nhưng họ sợ em gặp nguy hiểm vì cứ tranh giành con với chồng cũ. Sợ khi em gặp giành con sẽ bị chồng cũ đánh. Anh ta từng gọi điện đe dọa nhà em rồi”, chị Dung cho biết.

Chị Dung đau đớn nhớ lại những ngày còn làm dâu trong tủi hờn, khổ sở. Đang là một cô sinh viên của một trường cao đẳng ở Sài Gòn chị quyết định rẽ ngang đi lấy chồng rồi sẽ đi học tiếp. Tưởng rằng cuộc đời hạnh phúc khi tìm cho mình một người chồng tử tế, thế nhưng cuộc sống làm vợ, làm dâu chỉ hạnh phúc được một thời gian ngắn sau đó là những tháng ngày chị Dung sống trong cay đắng.

Sau khi về làm dâu, chồng không muốn cho chị đi học tiếp vì hay ghen, chị Dung cũng cam chịu chấp nhận ở nhà. Lúc mang bầu tới tháng thứ 4 chị Dung được ở nhà dưỡng thai không phải đi làm. Lúc này, ở nhà có bố chồng chị Dung là ông Q.V.T (53 Tuổi) cũng không đi làm.

Chị Dung cho biết: “Do chỉ có hai bố con ở nhà nên đã xảy ra mâu thuẫn mà em không thể chia sẻ ra đây được. Em đã trình bày với mẹ chồng nhưng cũng không giải quyết được gì. Mẹ còn bảo em không được nói với ai. Em chỉ còn cách kêu chồng ra ở riêng nhưng anh không chịu khiến việc em sống trong nhà chồng rất khổ sở”.

Kể từ đó chị Dung phải sống trong nỗi dè dặt, và luôn né tránh bố chồng. Chị cũng không dám nói ra nỗi uất ức của mình với chồng vì biết chồng mình là một người cục tính. Mỗi sáng cả nhà đi làm hết chị lại phải lánh mặt về nhà mẹ đẻ, chiều mới dám quay lại nhà chồng.

Cũng chính bởi chị Dung thường xuyên về nhà mẹ đẻ nên chồng chị không vừa ý, ghét lây nhà vợ. Đỉnh điểm là lúc sinh con được 1 tháng thì chồng chị là anh S (sinh năm 1989) đã đánh đập chị ngay tại nhà mẹ vợ.

Ông Nguyễn Đức Duẩn (sinh năm 1976, ngụ đường 8B, P.Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân) là hàng xóm chị Dung xác nhận: "Hôm đó tôi chứng kiến anh S sang nhà bố mẹ vợ chửi mắng và xảy ra xô xát, ghì đầu túm tóc chị Dung. Khi đó bố mẹ chị Dung không có nhà nên tôi phải chạy ra can ngăn thì mọi chuyện mới dừng lại".

Hai nhà không nhìn mặt nhau từ khi đó. Mỗi lần muốn đưa con về bên ngoại chồng chị Dung không cho. Đến lúc con được gần 3 tháng tuổi thì chị làm đơn ly hôn đợi ngày ra tòa.

"Trong khoảng thời gian này em phải dọn về nhà mẹ đẻ nhưng không được mang con theo. Em không muốn quay lại nhà chồng nhưng vẫn phải quay về để được gặp con và cho con bú. Một hôm ông bà nội bé bảo đừng có cho nó bú sữa mẹ nữa, cho nó bú sữa ngoài để nó quên hơi mẹ đi. Em nghe mà rất phẫn nộ”, chị Dung cho biết.

Trước việc con chưa được 3 tháng tuổi mà phải xa mẹ, bú sữa ngoài nên chị Dung rất lo lắng phải nhờ tới hội phụ nữ can thiệp. Bà Thơ, chi hội trưởng Hội phụ nữ phường Bình Hưng Hòa A vẫn chưa hết ngỡ ngàng kể lại: “Hôm đó em Dung có qua nhờ giúp đỡ thì tôi đi với nó qua nhà bố mẹ chồng. Vừa qua tới nơi thấy chồng Dung đứng chửi bới um xùm, anh này bắt mẹ vợ qua xin lỗi thì anh mới đồng ý để Dung cho con bú. Sau một hồi khuyên bảo thì anh cũng bớt chửi. Thế rồi, tôi khuyên Dung đi về để hôm khác qua chứ sợ chồng đánh thì không biết làm sao. Nhìn mặt anh chồng lúc đó rất hung hãn, khiến tôi cũng sợ".

Câu chuyện đau lòng của chị Dung đã lấy đi nước mắt của biết bao bà mẹ trẻ. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm lại công bằng cho chị và gia đình, để 2 mẹ con chị Dung sớm được đoàn tụ.

Người mẹ bị "cướp" quyền nuôi con mới 15 tháng tuổi

Ảnh minh họa

Chị Lâm Cẩm TH. (ngụ TP. Vĩnh Long Xuyên, tỉnh An Giang) có sức khỏe tốt, công việc ổn định, đáp ứng đủ các nhu cầu được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con; nhưng tại phiên xử phúc thẩm vụ án hôn nhân giữa chị và anh Tô Hải P. vào tháng 10/2015, TAND tỉnh An Giang lại tuyên giao cháu Tô Phong Đ. chỉ 15 tháng tuổi cho cha cháu là anh P. nuôi dưỡng.

Hai tháng qua, chị Th. như muốn phát điên trước bản án phúc thẩm đã có hiệu lực của TAND tỉnh An Giang. Chị trình bày trong nước mắt: “Tôi không làm gì sai để phải bị tước quyền làm mẹ trong khi con tôi còn quá nhỏ, rất cần mẹ chăm sóc. Tòa giao con cho anh P. một cách cảm tính, không công tâm, không xem xét kỹ những điều kiện của cả tôi lẫn anh P., không nghĩ lúc này đứa trẻ thực sự cần điều gì”.

Theo chị, do anh P. bận đi làm, không thể chăm con được nên nhiều lần chị và người thân đến thăm, đều rất đau lòng khi gặp Đ. trong tình trạng lem luốc, dơ bẩn bám theo bà nội ra quán bún của bà. “Nhìn con như vậy tôi rất xót xa nhưng bất lực, không biết phải làm gì” - chị nói.

Năm 2014, chị Th. và anh P. kết hôn, dù chị biết anh đã qua cuộc hôn nhân đổ vỡ, bản thân cũng gặp nhiều trở ngại. Chỉ sau hơn một năm chung sống, nhiều bất đồng phát sinh không hóa giải được khiến hai người đành đường ai nấy đi.

Chị kể, trước khi kết hôn, chị được cha mẹ mua cho khoảnh đất nhỏ hơn 10m2. Cưới xong chị lập tức vay mượn dựng lên căn nhà nhỏ. Sẵn có tay nghề, chị mở tiệm trang điểm kiếm sống. Chưa được bao lâu, chị phát hiện anh P. mắc nợ riêng 25 triệu đồng.

Để giúp chồng giải quyết, chị bàn tính bán nhà trả nợ, trả luôn cả những khoản tiền chị đã mượn làm nhà. Thế nhưng, anh P. lại không chấp nhận các khoản nợ của vợ khiến cả hai thường xuyên tranh cãi. Không chịu nổi sự ngột ngạt, lại thấy không còn lòng tin ở chồng, chị Th. viết đơn xin ly hôn.

Theo chị Th., trước đó, ngày 19/4/2015, đang trong giai đoạn vợ chồng mâu thuẫn, lợi dụng lúc chị bận việc phải gửi con cho mẹ ruột, anh P. vờ ghé thăm rồi bất ngờ ôm con về nhà mình. Chị nhiều lần năn nỉ anh trả con trở về , thậm chí còn gợi ý phương án trong lúc chờ tòa xử thì giao con cho mỗi bên chăm sóc một thời gian nhưng anh P. không đồng ý.

Ngày 30/7/2015, TAND TP.Long Xuyên mở phiên sơ thẩm. Đầu tiên anh P. xin được hàn gắn, nhưng trong quá trình xét xử, anh lại đồng ý ly hôn. Do đó, tòa tuyên cho hai người được ly hôn; tài sản, nợ chung - riêng tự giải quyết, giao cháu Đ. - con chung của hai người, khi đó mới 12 tháng tuổi cho chị Th. trực tiếp nuôi dưỡng. Anh P. kháng cáo xin giành quyền nuôi con.

Tính đến phiên phúc thẩm tại TAND tỉnh An Giang ngày 28/10/2015, anh P. “giữ” con hơn bốn tháng. Anh cho biết, trong thời gian này, chị Th. không hề đến thăm con, cũng không một lời hỏi han. Ngược lại, chị Th. khẳng định mình đã hai lần đến thăm con nhưng đều bị gia đình chồng gây khó dễ, không cho đưa con về.

“Nếu không đến, tôi làm sao biết anh P. đã mang tủ lạnh, đồng hồ treo tường của tôi về nhà mình sử dụng và thấy con lem luốc theo bà nội ra quán?” - chị Th. biện minh. Qua điện thoại, anh P. cũng thừa nhận với chúng tôi, khi đi làm anh phải nhờ cha anh chăm sóc Đ., thỉnh thoảng cha anh có đưa Đ. ra quán bún chơi cùng bà nội.

Để chứng minh chị Th. “bỏ mặc” con, trong phiên phúc thẩm, anh P. trưng ra xác nhận của địa phương (gồm của ban khóm và Hội LHPN P.Bình Khánh, TP.Long Xuyên) về việc anh đã nuôi-con-ổn-định-hơn bốn-tháng-nay.

Dù “nuôi con ổn định” là khái niệm khá mơ hồ, nhưng TAND tỉnh An Giang lại dựa vào xác nhận đó, tuyên cho anh P. thắng kiện; bỏ qua ý chí của kiểm sát viên giữ quyền công tố: “Tòa sơ thẩm giao con cho chị Th. là có căn cứ, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của anh P.”.

TAND tỉnh An Giang nhận định, cháu Đ. mới hơn 15 tháng tuổi cần sự chăm sóc, gần gũi của-người-lớn; hơn nữa, xác nhận của địa phương cho thấy anh P. nuôi con tốt, cần tiếp tục giữ sự ổn định. Tòa lập luận thêm, chị Th. không có chứng cứ chứng minh anh P. không đủ điều kiện nuôi con và không đảm bảo cuộc sống thể chất lẫn tinh thần trong quá trình chăm sóc cháu Đ., nên tuyên chấp nhận đơn kháng cáo của anh P. (!?).

Nhiều người thường cho rằng, nguyên nhân ly hôn là thước đo của mối quan hệ sau này giữa “cựu” vợ chồng. Một vụ ly hôn do không phù hợp tính tình sẽ không “đau” như bị ngoại tình; hoặc chồng cờ bạc, vô trách nhiệm không gây ám ảnh bằng sự đổ vỡ do bị bạo hành. Tuy nhiên, các chuyên viên tâm lý cho rằng, nguyên nhân ly hôn chỉ đóng vai trò phụ, cái chính là cách hành xử của hai bên thời hậu ly hôn: hữu hảo hay thù địch. Nếu người này không hận thù, nói xấu hay vẫn còn giữ những hình ảnh tốt về “ai kia” thì “ai kia” cũng sẽ hành xử như thế. Đó là nguyên tắc “bánh ít đi, bánh quy lại”, rất hiệu quả đối với những cặp vợ chồng gãy gánh - dù sự chia tay nào cũng ít nhiều để lại tổn thương.

Bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Những Người Bạn:

Cha mẹ ly hôn, trẻ rất thiệt thòi

Những đứa trẻ không phải là vật vô tri vô giác, các cháu có suy nghĩ và cảm nhận riêng của mình. Bản thân trẻ đã rất thiệt thòi khi bố mẹ ly hôn. Nếu cưỡng ép ở với người mà trẻ không muốn thì sẽ làm các cháu tổn thương thêm lần nữa. Do vậy, khi giành quyền nuôi con, những người trong cuộc nên xem xét mọi khía cạnh, kể cả nguyện vọng của đứa trẻ, để sao cho con mình có một cuộc sống tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc - Hà Nội):

Sau ly hôn, bố mẹ nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho cảm xúc của con

Khi bố mẹ ly hôn, trẻ em là người chịu tổn thương nhiều nhất. Chúng không được phép lựa chọn mà chỉ có thể tuân theo bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng (bố hoặc mẹ). Do đó, sau ly hôn, bố mẹ nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho cảm xúc của con. Đứa trẻ không chỉ cần vật chất mà còn phải được chăm sóc, dạy dỗ, quan tâm hàng ngày. Vì thế, nếu người bố hoặc mẹ thấy mình không có điều kiện quan tâm đến con thì đừng vì sĩ diện, vì thù hận hoặc thỏa mãn chiến thắng cá nhân mà giành giật quyền nuôi con hoặc ngăn cấm bố (mẹ) đứa trẻ đến thăm con.

Sự lôi kéo giành giật tình cảm của con bằng cách đòi quyền nuôi con, nói xấu lẫn nhau khiến trẻ mất đi tình cảm và niềm tin vào cha mẹ. Lúc đó, trẻ sẽ thấy thất vọng về cuộc đời, dễ buông xuôi, a dua, bị bạn bè xấu lôi kéo vào các hành động phạm pháp.

Lê Văn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dung-bien-con-thanh-vat-te-than-sau-ly-hon-54702.htm