Đừng biến di tích thành di họa

Sự kiện Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên bị khởi tố và tạm giam vì hành vi khuất tất trong việc xếp hạng và trùng tu di tích thêm một lần khiến dư luận băn khoăn về công tác giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Không ai có thể phủ nhận giá trị quan trọng của di tích đối với đời sống tinh thần một cộng đồng. Di tích dù lớn hay nhỏ cũng giống như sợi dây nối quá khứ và hiện tại. Di tích giúp người hiện đại nghe được tâm tư và thấy được thành quả của người xa xưa. Thế nhưng, dẫu lạc quan đến mức nào, cũng không ai dám nói ngành bảo tàng nước ta đã thực sự chuyên nghiệp.

Vẻ ngoài hơi yên lắng và thâm trầm, nhưng di tích cũng không thoát khỏi dòng chảy danh lợi khốc liệt của xã hội hôm nay. Di tích càng khiến người ta tự hào càng khiến nhiều người đua chen. Địa phương nào cũng muốn có di tích được xếp hạng. Di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi di tích cấp quốc gia đặc biệt... Di tích càng được đề cao, các khoản chi từ ngân sách cho di tích càng được ưu tiên. Phải thừa nhận đó đây vẫn diễn ra những toan tính “chạy” di tích. Con gà tức nhau tiếng gáy, xã này có di tích cấp tỉnh thì xã kia cũng tìm cách có di tích cấp tỉnh, huyện nọ có di tích cấp quốc gia thì huyện kia cũng tìm cách có di tích cấp quốc gia... Cứ thế nháo nhào thi thố làm hồ sơ, thi thố làm dự án. Và đáng sợ hơn, bất kỳ buổi lễ đón nhận di tích nào cũng được tổ chức rất hoành tráng. Trống giong cờ mở, hoa kết đèn giăng, và không thể thiếu các diễn văn long trọng. Sự tốn kém và lãng phí ấy khiến di tích ít nhiều mang áp lực di họa cho những vùng đất còn gặp nhiều khó khăn kinh tế.

Lẽ ra, lễ đón nhận di tích chỉ nên làm đơn giản, dành công sức và tiền bạc cho việc phát huy giá trị di tích. Di tích được tôn vinh thế nào cho xứng tầm, trùng tu thế nào cho hợp lý, bảo tồn thế nào cho nguyên vẹn? Đó là những câu hỏi phải được trả lời hết sức nghiêm túc trước khi muốn khoác lên cho di tích bất cứ danh hiệu gì. Bởi lẽ, di tích không thể trở thành cái cớ cho lối sống phô trương.

Việt Nam trải qua nhiều bom đạn trầm luân, những di tích còn lại rất đáng để trân trọng. Tuy nhiên, cách ứng xử với di tích vì văn hóa truyền đời, hoàn toàn khác biệt cách ứng xử với di tích vì danh lợi nhất thời.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20141006/dung-bien-di-tich-thanh-di-hoa.aspx