Đừng bỏ qua chợ truyền thống

Vài năm trở lại đây, hàng Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt chỉ chú trọng đầu tư phát triển vào kênh bán lẻ tại hệ thống siêu thị, mà đang bỏ quên thị trường là chợ truyền thống.

Không mặn mà với chợ truyền thống…

Sau 7 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo số liệu đưa ra từ đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản…tỷ trọng hàng Việt Nam đã tăng lên 80 - 90% (tính cả mặt hàng liên doanh).

Các doanh nghiệp hiện chỉ chú trọng kinh doanh trong hệ thống siêu thị và “bỏ quên” kênh bán lẻ chợ truyền thống.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, phân phối đã thực hiện rất tốt sự chỉ đạo từ Bộ Công Thương khi thực hiện chương trình kết nối hàng Việt Nam vào chuỗi hệ thống các siêu thị lớn. Và thực tế, hàng do Việt Nam sản xuất đã rất phong phú về chất lượng và kiểu dáng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền, hiện tại, một kênh phân phối đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam là chợ truyền thống lại đang bị các doanh nghiệp, các nhà sản xuất “bỏ quên” hoặc chỉ xuất hiện với một số lượng rất nhỏ.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, việc hàng Việt Nam chưa xuất hiện nhiều ở các chợ truyền thống, một phần là do doanh nghiệp Việt đang “chê” thị trường này, mặt khác họ sợ mất thương hiệu, sợ thương hiệu của họ trở thành hàng “chợ”.

Do đó, họ ép nhà kinh doanh phải nhập số lượng lớn, bày bán nhiều và quầy hàng khang trang…Với việc doanh nghiệp kén kênh bán hàng, dẫn đến việc các hệ thống nâng giá chiết khấu, giá lót tay, vô hình chung dẫn đến việc chính các nhà sản xuất, nhà phân phối hại lẫn nhau.

Dạo qua một số chợ truyền thống nổi tiếng như Đồng Xuân, Long Biên, hay vài chợ truyền thống nhỏ lẻ khác, có thể dễ dàng nhận thấy từ những hàng nông sản thông thường như: Củ tỏi, củ hành, bắp cải, cho đến những mặt hàng may mặc, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em…đều tràn ngập hàng nước ngoài, trong đó chủ yếu là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi, hàng Việt Nam nằm ở đâu trong các khu chợ truyền thống này?.

“Có thể khẳng định nhiều mặt hàng, nhiều sản phẩm thương hiệu của Việt Nam hiện nay có chất lượng rất tốt và an toàn. Là người tiêu dùng, tôi thường xuyên lựa chọn hàng Việt Nam, từ sản phẩm nông sản, may mặc, đôi khi cả sản phẩm điện tử.

Tuy nhiên, những mặt hàng này chỉ xuất hiện ở hệ thống các siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam, còn tại các khu chợ truyền thống thì gần như khó thấy và cũng khó phân biệt đâu là hàng trong nước, đâu là hàng nước ngoài”- chị Ngọc Anh (ở phường Trung Văn, quận Thanh Xuân, HN) chia sẻ.

Sợ bị chê hàng “chợ”!

Theo số liệu đưa ra từ Bộ Công Thương, hiện ở Việt Nam có gần 9.000 chợ truyền thống, được xem là một trong những kênh phân phối chủ lực hàng hóa đến người tiêu dùng khi chiếm tới 80% kênh phân phối.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hàng ngoại, mà chủ yếu là hàng Trung Quốc đang chiếm một thị phần khá lớn ở kênh phân phối này cho thấy, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước đang làm “lãng phí” một kênh phân phối lớn và tiềm năng nhất hiện nay.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bài toàn khó khăn nhất trong việc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, bởi lẽ các doanh nghiệp đã “bỏ quên” thị trường này quá lâu.

Vì thế, để chiếm lại kênh phân phối tiềm năng và cũng có bước ứng phó với các hiệp định thương mại trong nội khối ASEAN và các hiệp định tự do khác khi thuế suất nhập khẩu sẽ về 0%, hơn lúc nào hết, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần phải phối hợp, tổ chức lại chiến lược kinh doanh ở chuỗi hệ thống chợ truyền thống.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, việc hàng Việt Nam chưa xuất hiện nhiều ở các chợ truyền thống, một phần là do doanh nghiệp Việt đang “chê” thị trường này, mặt khác họ sợ mất thương hiệu, sợ thương hiệu của họ trở thành hàng “chợ”.

Do đó, họ ép nhà kinh doanh phải nhập số lượng lớn, bày bán nhiều và quầy hàng khang trang…Với việc doanh nghiệp kén kênh bán hàng, dẫn đến việc các hệ thống nâng giá chiết khấu, giá lót tay, vô hình chung dẫn đến việc chính các nhà sản xuất, nhà phân phối hại lẫn nhau.

Bên cạnh việc sợ mất thương hiệu của doanh nghiệp Việt, một số nguyên nhân khác cũng được ông Vũ Vinh Phú đưa ra, đó là việc hàng ngoại đang đánh vào phân khúc thị trường giá thấp, mẫu mã đẹp thay đổi liên tục. Ngoài ra, vấn đề doanh nghiệp Việt đang rất yếu về vấn đề truyền thông, khiến hàng hóa khó tiếp cận với nhà phân phối.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại quá chú trọng sản xuất mặt hàng xuất khẩu, “bỏ quên” việc sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Vì thế, khi mang hàng xuất khẩu bán tại chợ truyền thống, giá thành sẽ cao và khó được đón nhận.

“Doanh nghiệp Việt muốn chiếm lại kênh bán lẻ từ chợ truyền thống, trước hết cần phải đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí đầu vào và phải gắn với khâu tiêu thụ trong nước, nhằm tăng năng xuất và giảm giá thành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên chủ quan mà cần xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất, phân phối hiện đại, tạo kênh phân phối đa dạng, nhiều tầng và phải hiểu được tâm lý người tiêu dùng” - ông Phú nói.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dung-bo-qua-cho-truyen-thong-42214.html