Dùng chính loại thuốc bệnh nhân bị phản ứng để điều trị cho bệnh nhi ung thư

Không ít bệnh nhi ung thư phản ứng với thuốc điều trị duy nhất, không có lựa chọn khác thay thế. Để cứu sống những bệnh nhân này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng phương pháp giải mẫn cảm-dùng chính loại thuốc mà bệnh nhân phản ứng để điều trị cho bệnh nhân.

Theo TS.BS Lê Thu Hương, chuyên khoa Miễn dịch-Dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương, giải mẫn cảm trong chuyên ngành dị ứng là phương pháp cuối cùng để xử lý các trường hợp bệnh nhân phản ứng với các chế phẩm là thuốc điều trị duy nhất, không có lựa chọn khác để thay thế. Đây là công việc khó khăn vì nguyên lý của giải mẫn cảm là dùng chính loại thuốc mà bệnh nhân đã phản ứng để điều trị cho bệnh nhân. Giải mẫn cảm trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu phản vệ lại càng nguy hiểm vì nguy cơ tử vong rất cao, bệnh nhân rất có thể lặp lại sốc trong quá trình giải mẫn cảm.

Bé Nguyễn V.A ( 5 tuổi) được chẩn đoán u tế bào mầm và được chỉ định điều trị theo đợt tại khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương). Ở chu trình đầu tiên, bệnh nhi không có biểu hiện bất thường. Đến đợt điều trị thứ 2, khi bệnh nhân mới truyền thuốc Epotosid được 3 phút thì có triệu chứng phản vệ: Nổi ban, mạch nhanh, khó thở… Sau khi được các bác sĩ kịp thời cấp cứu, cháu bé đã qua cơn nguy hiểm.

Bác sĩ Lê Thu Hương khám cho bệnh nhi (Ảnh minh họa)

TS.BS Lê Thu Hương cho biết, vấn đề khó khăn là bé A. không có lựa chọn điều trị nào khác ngoài Epotosid. Các bác sĩ lúc này đứng trước 2 lựa chọn khó khăn: Một là chỉ định bệnh nhi ngừng thuốc (điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh của trẻ), hai là tiến hành giải mẫn cảm cho bệnh nhi –phương án tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Sau đó, một cuộc hội chẩn liên khoa gồm các bác sĩ chuyên ngành Ung bướu, Hồi sức Tích cực và Miễn dịch-Dị ứng đã được tổ chức. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất tiến hành giải mẫn cảm cho cháu A. theo quy trình 14 bước. Đặc trưng của giải mẫn cảm là nhắc lại từng liều nhỏ và tăng dần dị nguyên là thuốc gây dị ứng sau mỗi khoảng thời gian cố định. Mục đích của giải mẫn cảm là tạo khả năng dung nạp với thuốc. Tổng liều sẽ được thực hiện trong quá trình giảm mẫn cảm, cho phép bệnh nhân điều trị với phác đồ tốt nhất của liệu pháp điều trị.

Cháu Nguyễn V.A. được các bác sĩ tiến hành giải mẫn cảm và đã hoàn thành liệu trình điều trị 5 ngày. Với bệnh nhân phản ứng với thuốc cần điều trị giải mẫn cảm, các bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định từ liều nhỏ từ từ tăng dần làm sao cho bệnh nhân sử dụng được thuốc đó mà không xảy ra phản ứng. Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng phản ứng với thuốc liệu trình giải mẫn phải lặp lại các bước nhỏ trước đó.

“Đây là một công việc đòi hỏi sự kỳ công vì phải thực hiện từng li từng tí, vừa làm vừa phải điều chỉnh theo diễn biến của từng bệnh nhân”-bác sĩ Lê Thu Hương chia sẻ.

Sau khoảng thời gian được các bác sĩ tích cực chăm sóc, cháu A. đã kết thúc đợt điều trị và ra viện. Các bác sĩ chuyên khoa Miễn dịch-Dị ứng đã tiếp nhận và tiến hành giải mẫn cảm cho một số trường hợp bệnh nhi phản ứng với các thuốc điều trị khác và đều đạt kết quả tốt.

Cũng theo bác sĩ Hương, để có thể kịp thời xử trí các tình huống bệnh nhi phản ứng thuốc trong quá trình điều trị, quá trình giải mẫn cảm cho các bệnh nhi đều được thực hiện tại cơ sở hồi sức cấp cứu với sự túc trực phối hợp chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa hồi sức. Nếu bệnh nhi vượt qua được liệu trình giải mẫn đủ liều điều trị đầu tiên mà không xuất hiện phản ứng gì thì từ sau đó cháu bé sẽ được điều trị theo phác đồ. Liệu pháp giải mẫn cảm tạo ra sự dung nạp với thuốc, tuy nhiên nếu thuốc không được dùng thường xuyên sự dung nạp sẽ mất đi, bệnh nhân sẽ phải giải mẫn cảm khi dùng lại thuốc đó.

Lê Mai

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/dung-chinh-loai-thuoc-benh-nhan-bi-phan-ung-de-dieu-tri-cho-benh-nhi-ung-thu-post50973.html