Đừng chủ quan với khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ

Những diễn biến hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ trông có vẻ giống như một cuộc khủng hoảng nội bộ và không có tác động gì đáng kể tới kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Đồng lira mất giá liên tục 40% kể từ đầu năm tới nay do những lo ngại về chính sách tiền tệ của Tổng thống tái đắc cử Tayyip Erdogan.

Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố tăng gấp đôi thuế kim loại nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, tức là 50% đối với thép và 20% với nhôm. Mỹ hiện là thị trường chiếm 13% xuất khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Trump đã rất biết chọn thời điểm để biến khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước thành khủng hoảng kinh tế. Nhà Trắng vốn đã không hài lòng khi Ankara, đồng minh lâu đời của Mỹ ở NATO, đặt mua tên lửa của Nga, bất đồng với Mỹ về cuộc chiến ở Syria. Tiếp đó, khi Mỹ trừng phạt kinh tế chống Iran thì Tổng thống T.Erdogan thẳng thừng từ chối tham gia. Gần đây nhất, ông Erdogan cũng không trả tự do cho mục sư người Mỹ, Andrew Brunson, bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt vì cáo buộc khủng bố, bất chấp những thỏa thuận đã đạt được với Washington.

Trong khi đó, tình hình nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ đang phức tạp. Đồng lira mất giá liên tục 40% kể từ đầu năm tới nay do những lo ngại về chính sách tiền tệ của Tổng thống tái đắc cử Tayyip Erdogan. Bất chấp lạm phát vượt ngưỡng 15% vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT), dưới sức ép của ông Erdogan, vẫn giữ lãi suất ở mức thấp (17,5%) để kích thích tăng trưởng kinh tế bằng “tín dụng rẻ”.

Trong bối cảnh đó, việc ông Trump tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, giống như một đòn chí mạng. Ngay lập tức, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ (lira) đã mất ngay gần 20% giá trị so với đô la. Đây là lần giảm giá lớn nhất trong một ngày của đồng lira, kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2001.

Cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ tưởng chừng chỉ là nội bộ, song nó tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Đầu tuần này, chứng khoán châu Âu và Mỹ tiếp tục đỏ sàn tiếp sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước.

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tương đối lớn, với 80 triệu dân và một nền kinh tế lớn gấp 4 lần nước láng giềng Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm giữa châu Á và châu Âu. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “tấm lá chắn” của phương Tây để đối phó với việc mở rộng của Nga. Đây cũng là nơi cư trú của 3 triệu người tị nạn Syria đang muốn nhập cư vào Liên hiệp châu Âu (EU).

Thổ Nhĩ Kỳ, giống như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, đã vay nhiều đô la để thúc đẩy tăng trưởng bằng tín dụng, khi lãi suất của Mỹ ở mức thấp nhất. Giờ đây, tăng trưởng bắt đầu trở nên mong manh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang tăng lãi suất và đồng đô la đang mạnh lên.

Khủng hoảng kinh tế và tài chính ở Thỗ Nhĩ Kỳ diễn ra từ đầu năm, với lạm phát đạt 15% và dự kiến sẽ còn lên cao hơn vì đồng lira rơi tự do. Khi đồng tiền mất giá, lẽ ra Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất và công bố các biện pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, song Tổng thống Tayyip Erdogan không làm như vậy.

Hôm 11-8, phản ứng trước hành động của Mỹ, ông Erdogan cho biết ông sẽ sử dụng lira thay vì đô la Mỹ trong giao dịch với các đối tác thương mại chủ chốt như Nga, Trung Quốc. Tổng thống còn kêu gọi người dân bán vàng và đô la Mỹ để... hỗ trợ tỷ giá.

“Đây là trận chiến quốc gia”, ông Erdogan nói và nhấn mạnh: “Nếu họ có đô la, chúng ta có người dân và Thượng đế”.

Giải pháp sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? Họ có thể sẽ gây áp lực với tổng thống Mỹ bằng cách tuyên bố rời bỏ NATO, thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Tổng thống Erdogan cũng có thể dùng dòng người nhập cư để gây sức ép với EU.

Nhưng, những gì thị trường tài chính đang cần không phải là những động thái ngoại giao chứng minh tầm quan trọng của vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Cái thị trường cần là các biện pháp kinh tế để ngăn chặn cơn sóng thần bán tháo nội tệ. Trong phiên giao dịch sáng thứ Hai đầu tuần này, đồng lira tiếp tục mất giá thêm 9%.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277085/dung-chu-quan-voi-khung-hoang-tho-nhi-ky.html