Đừng coi di sản là bất động sản

Đây là nhận định của một số chuyên gia tại Hội thảo 'Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại' của Báo Thanh Niên sáng nay 10.6.

Cần chung tay bảo tồn di sản - Ảnh: Đ.N.Thạch

Di sản là linh hồn của đô thị

Phát biểu tại hội thảo, TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên, Trưởng bộ môn Lý luận lịch sử, Khoa Kiến trúc Nội thất, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đặt vấn đề tìm lối thoát cho di sản trong bối cảnh nhiều công trình đã bị phá. Bởi "khi người ta muốn thì người ta sẽ tìm giải pháp, khi người ta không muốn thì sẽ tìm lý do. Nhiều người tưởng đó là câu chuyện kiến trúc nhưng đó chính là câu chuyện của con người" - TS Nguyên Hạnh Nguyên lập luận cho cho rằng, vấn đề đầu tiên để nhận dạng được di sản là cần phải có công cụ, không thể chỉ theo cảm tính. Ví dụ chúng ta có thể sử dụng "công cụ đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị" của nhà nghiên cứu đô thị Nahoum Cohen.

TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên nhấn mạnh: Quan trọng hơn là giá trị đằng sau của một công trình. Điều này có thể lý giải vì sao nhiều nơi họ giữ những công trình nhỏ như chuồng ngựa, mảng tường nhỏ trong đô thị để lưu dấu ấn lịch sử phát triển đô thị. Còn chúng ta lại phá bỏ cả cái chợ, dinh thự - những công trình định hình cả đô thị. Đằng sau nó mới là linh hồn của đô thị. Một công trình không cần phải xếp hạng di tích cũng phải đưa vào bảo tồn là xác đáng.

Có thực tế, một công trình nằm trong khu vực có di sản giá trị rất lớn nhưng khi doanh nghiệp có được đất họ phá di sản mà không biết ở dưới thế nào. Khi đó, giới chuyên môn, cộng đồng chỉ còn biết đứng bên ngoài nhìn rồi "khóc lóc" chứ cũng không bảo tồn được di sản. "Muốn bảo vệ phải có công cụ và con người. Đồng thời bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức trong các nhóm như đào tạo ở các trường học; thay đổi nhận thức bằng truyền thông đến cộng đồng..."- TS Nguyên nói.

TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên tại hội thảo sáng 10.6 - Ảnh: Đ.N.Thạch

“Giữ di sản trong giai đoạn mới là thể hiện được cái tầm của nhà đầu tư và tầm của thành phố. Muốn bảo vệ thì phải cụ thể hóa các công cụ và con người. Chúng ta đã có luật Di sản rất lâu nhưng không thực hiện được vì rất chung chung. Trong khi di sản có quá nhiều vấn đề. Vậy hãy cụ thể hóa nó. Chưa bao giờ chúng ta có một bản quy hoạch di sản nằm trong quy hoạch đô thị chung. Chúng ta phải có ứng xử riêng cho từng di sản ở mỗi thành phố khác nhau như Đà Lạt, Sapa, Hà Nội... Phải có những yếu tố riêng, câu chuyện riêng. Bản thân di sản là câu chuyện của người dân và chính sách phải dành cho người dân. Làm thế nào để người dân thấy tự hào, mong muốn được đưa vào danh sách bảo tồn thay vì họ chạy trốn và sợ được vào danh sách đó. Khi đó họ mới giữ gìn và có thể tự bỏ tiền ra để bảo tồn di sản. Cuối cùng là tư duy đa ngành. Di sản không phải là một câu chuyện tồn tại vật lý mà tồn tại theo cả hệ thống các ngành khác nhau. Không chỉ du lịch, kinh tế hay văn hóa mà các ngành đều hưởng lợi từ di sản. Di sản không hề cản trở mà tạo điều kiện và là động lực cho sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội”, TS Nguyên Hạnh Nguyên chia sẻ thêm.

Chung tay bảo vệ di sản

Đặt ra những vấn đề về bảo tồn gắn liền với khai thác giá trị của di sản, KTS Cao Thành Nghiệp, thành viên Hội Kiến trúc sư TP.HCM đánh giá dù Việt Nam đã tham gia vào công ước quốc tế Athens của UNESCO về bảo vệ di sản, cũng như đã ban hành luật Di sản và nhiều nghị định liên quan nhưng nhiều công trình vẫn bị phá hoại. Hay như một số di tích đã được công nhận nhưng bị lãng quên, thiếu ý thức khiến di sản bị hư hỏng nặng.

Hiện việc quy hoạch di tích ở TP.HCM còn bỏ ngỏ khiến công tác kiểm đếm, phát hiện di tích mới hằng năm chưa được triển khai sâu. Một số công trình mang tính biểu tượng như cầu Bình Lợi là cây cầu đầu tiên và là cầu thép đưa miền Nam phát triển, có yếu tố nhận diện đô thị cũng như cầu duy nhất xoay được nhưng lại quên lãng. Cây cầu đó không được quy hoạch phát triển du lịch trong khi ngành du lịch thành phố vẫn thiếu điểm đến cho du khách. Trong khi đó Thái Lan đã khai thác và phát triển du lịch rất tốt xoay quanh các di tích của mình.

KTS Cao Thành Nghiệp: Cần chung tay bảo vệ di sản - Ảnh: Đ.N.Thạch

Vì vậy theo KTS Cao Thành Nghiệp, sắp tới TP.HCM điều chỉnh quy hoạch chung cần phải đưa quy hoạch di sản vào trước cho phù hợp. Nếu không có quy hoạch thì việc phát hiện và bảo tồn các di tích rất khó khăn. Chẳng hạn có rất nhiều yếu tố, đầy đủ để nhận diện là di sản như Dinh Thượng Thơ nhưng lại bỏ đi. Cả một tác phẩm nghệ thuật qua quá trình sử dụng bị méo mó lại làm lãng quên yếu tố di sản. Di sản không chỉ đẹp về kiến trúc mà là lịch sử, văn hóa, là bản sắc và là những câu chuyện gắn liền trong đó. Chúng ta cũng đang lãng quên các di tích khảo cổ, di tích hạ tầng mà chỉ để ý các di tích cách mạng. Với một khu đất có di sản, doanh nghiệp vẫn có thể giữ di sản và phát huy giá trị khu đất. Có rất nhiều giải pháp quy hoạch, thiết kế công trình vẫn bảo đảm giá trị cho chủ đầu tư đồng thời đảm bảo giá trị di sản. Bảo tồn và phát triển là hai mặt hữu cơ, nếu định hình bảo tồn khu vực trung tâm tốt thì công tác phát triển đô thị ở các quận xung quanh như quận 5, quận 10... sẽ phát triển.

KTS Cao Thành Nghiệp nhấn mạnh: Xin đừng bao giờ xem di sản là bất động sản vì nó có giá trị cao hơn rất nhiều. Nếu xóa đi di sản là xóa đi văn hóa, xóa đi bản sắc thì Sài Gòn chỉ còn cái tên. Cần có danh sách các công trình bảo tồn cấp thành phố mà không cần đợi xếp hạng là di tích quốc gia. Rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư chặt hơn nữa mới cứu nổi di sản. Bên cạnh đó cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu cũng như đơn vị truyền thông.

Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dung-coi-di-san-la-bat-dong-san-1091281.html