Đừng đánh cược tính mạng với thuốc đông y nhập lậu

Ngoài thuốc đông y nhập lậu trên thị trường còn xuất hiện một số loại thuốc đông y giả. Sử dụng thuốc đông y giả, thuốc không rõ nguồn gốc có thể khiến nhiều người bị di chứng nặng nề, có người đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch như suy tim, suy gan, thận, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Thuốc đông y do nước ngoài sản xuất bằng nhiều con đường nhập lậu vào Việt Nam đang được một số đối tượng, nhà thuốc buôn bán bất hợp pháp trên thị trường. Điều đáng nói là những loại thuốc này được quảng cáo như những "thần dược" với những tác dụng và công dụng hữu hiệu mà người tiêu dùng không thể lường hết những nguy hiểm của nó. Có những nạn nhân đã bị mang họa vì sử dụng thuốc đông y không đúng cách. Đặc biệt có loại tân dược nhưng lại mạo danh là thảo dược để bán ra thị trường bằng phương pháp đa cấp. Đánh cược với sức khỏe Nghe chị hàng xóm gần nhà mách có loại thuốc làm bằng thảo dược dành cho phụ nữ, thuốc này có nhiều công dụng không những làm đẹp da, chống lão hóa, tăng cường sinh lực mà còn chữa được vô sinh, chị Trần Thị Nga, ở Hào Nam, Hà Nội tin ngay. Sau khi tìm hiểu chị mới biết, thuốc này được bán dưới dạng hình thức đa cấp nên giá thành cao chót vót, đặc biệt thuốc không có bất kỳ một hướng dẫn sử dụng hay nhãn phụ nào bằng tiếng Việt (đều là tiếng nước ngoài) khiến chị nghi hoặc. Đây là những loại thuốc đông y cấm lưu hành ở Việt Nam, người tiêu dùng nên cẩn trọng tránh mua nhầm. Thuốc đông y, đặc biệt là thuốc do nước ngoài sản xuất được nhập lậu vào trong nước, rồi thuốc đông y giả đang xuất hiện trên thị trường hiện nay là mối quan ngại lớn cho sức khỏe của người sử dụng. Bên cạnh đó, trên các trang rao vặt quảng cáo đang có hiện tượng lạm dụng để quảng cáo quá mức về công dụng của một số loại thuốc đông y, gây nhầm lẫn cho người bệnh. Nhiều người bệnh đã đánh cược với sức khỏe khi "nhắm mắt dùng liều" một số loại thuốc đông y ngoài danh mục hoặc một số thuốc đông y là hàng "xách tay", nhập lậu từ nước ngoài về. Bằng chứng là tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận những ca bị dị ứng thuốc từ việc dùng thuốc đông y không đúng chỉ định. Ở đây có bệnh nhân chỉ bị mẩn ngứa, nhưng khi uống thuốc Bắc ở một phòng khám đông y về thì toàn thân nổi những vết mẩn đỏ ngứa sưng tấy như mề đay do bị dị ứng thuốc. Có những bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, viêm loét mắt, miệng, nhiễm độc gan phải thở máy. Bà Nguyễn Thị Hiền ở Hà Nội bị viêm xoang chữa chạy nhiều nơi không khỏi. Được người quen mách đến một ông lang cắt thuốc Bắc, mỗi thang thuốc trị giá 1 triệu đồng. Sau khi uống được 5 ngày bà thấy người lấm chấm nổi vết đỏ, ngứa. Điều đó cho thấy, không phải cứ sử dụng thuốc đông y là đã an toàn, là bổ, bởi thuốc đông y cũng có độc tính, có tác dụng phụ, có chỉ định và chống chỉ định, có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với người kia. Theo ông Phạm Quốc Thái, Đội trưởng Đội QLTT số 11 thì người tiêu dùng nên cẩn trọng với thuốc Bắc, thuốc Nam đã được tán thành dạng viên, bởi tính năng, tác dụng rất khó kiểm soát vì thường không in trên bao bì. Xử lý còn quá ít Thuốc đông y nhập lậu vào thị trường Hà Nội vẫn lén lút diễn ra với những diễn biến phức tạp, BCĐ 127 TP Hà Nội đã yêu cầu lực lượng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tập trung kiểm tra, đấu tranh bắt giữ với hành vi trên. Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý hiện vẫn còn ít. Thời gian gần đây ở một số nhà thuốc rộ lên thông tin có loại "thần dược" của nước ngoài chữa được "bách bệnh" khiến người tiêu dùng xôn xao tìm mua. Sau một thời gian theo dõi, Đội QLTT số 11 đã tiến hành khám xe ôtô BKS 29F6-7991 do ông Nguyễn Văn Cường, trú tại Ngọc Lâm, phường Thượng Thanh, quận Long Biên điều khiển đang chở một lượng lớn số "thần dược" đi giao cho nhà thuốc. Qua khám xét đã thu được 1.391 hộp và 528 lọ thuốc đông y dùng để chữa bách bệnh mang nhãn hiệu nước ngoài, không có số đăng ký, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ông Cường đã bị xử phạt 3 triệu đồng về hành vi kinh doanh thuốc đông dược không được phép lưu hành tại Việt Nam. Về loại "thần dược" dành cho phụ nữ, theo ông Phạm Quốc Thái thì Đội QLTT số 11 vừa khám xét nơi cất giấu số "thần dược" trên tại hẻm 172/24/119 đường nước Phần Lan, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Người nhận thuốc là ông Trương Hòa Cường, trú tại Phúc Xá, Ba Đình. 1.116 hộp thuốc "thần dược" mang nhãn mác nước ngoài là monjoin health plus beauty pellet kang meidan, không được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng được quảng cáo là thuốc làm đẹp cho phụ nữ và chữa vô sinh. Theo thông tin từ Chi cục QLTT thì trước đây loại thuốc này được đăng ký là thảo dược nên được phép nhập khẩu vào trong nước và bán cho người tiêu dùng dưới hình thức đa cấp. Nhưng sau đó cơ quan y tế phát hiện thuốc trên không phải là thảo dược mà là tân dược và Cục Quản lý dược đã đình chỉ lưu hành. Ngoài thuốc đông y nhập lậu trên thị trường còn xuất hiện một số loại thuốc đông y giả như vị "hoài sơn" có tác dụng bổ khí, bổ tì vị, nhưng bị làm giả từ khoai mì, khoai mỡ. Đỗ trọng Bắc tác dụng bổ dương đã bị một số người trộn vỏ cây cao su vào để bán. Hay hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ huyết bị thay thế bằng hà thủ ô trắng hoặc củ nâu làm thuốc nhuộm vải… Sử dụng thuốc đông y giả, thuốc không rõ nguồn gốc hoặc người bệnh tự ý sử dụng không qua hướng dẫn của bác sĩ khiến nhiều người bị di chứng nặng nề, có người đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch như suy tim, suy gan, thận, nhiễm trùng huyết, thậm chí là tử vong. Thiết nghĩ, để bảo vệ tính mạng của người bệnh, cơ quan chức năng nên nghiên cứu tăng thêm mức xử phạt vi phạm hành chính bởi mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121003.cand