Đừng để bệnh nhân chết oan do nhầm kết quả xét nghiệm

Kết quả xét nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chẩn đoán, định bệnh… giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị chính xác.

Ngày 8-2, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm thuộc Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM tư vấn cho hơn 200 phòng xét nghiệm trên địa bàn thực hiện tốt bộ tiêu chí về chất lượng xét nghiệm do Bộ Y tế ban hành. Điều này giúp tỉ lệ sai sót về xét nghiệm giảm dần theo từng năm.

Nhân viên y tế đang xét nghiệm máu của bệnh nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Sắp tới, liên thông kết quả xét nghiệm là mục tiêu quan trọng mà ngành y hướng tới. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn đánh giá chất lượng các phòng xét nghiệm. Trước mắt là các phòng xét nghiệm của các BV hạng đặc biệt và hạng 1, kế đến là các BV hạng 2, hạng 3 và tuyến cơ sở. Một khi liên thông kết quả xét nghiệm được triển khai đồng bộ sẽ giúp bệnh nhân giảm chi phí xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi” - ông Dũng nói.

Báo cáo về tình hình thực tế khi hỗ trợ các đơn vị, ThS Nguyễn Đàm Châu Bảo, Phó Trưởng khoa Kiểm chuẩn thuộc Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM, cho biết trong năm 2022, trung tâm đã triển khai các chương trình ngoại kiểm tra cho 31 lĩnh vực ngoại kiểm từ cơ bản đến chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu thực tế của các phòng xét nghiệm. Kết quả cho thấy hầu hết lĩnh vực ngoại kiểm tra như sinh hóa, huyết học, miễn dịch, tim mạch, vi sinh lâm sàng… có xu hướng cải thiện.

Nhìn chung, hầu hết chương trình ngoại kiểm tra có tỉ lệ sai số cải thiện đáng kể từ năm đầu tiên (2007) đến năm hiện tại (2022). Cụ thể các chương trình sinh hóa, huyết học, miễn dịch, vi sinh lâm sàng, tổng phân tích nước tiểu… Chương trình định nhóm máu và an toàn truyền máu ghi nhận năm hiện tại có sai số cao hơn năm đầu tiên do tăng độ khó.

Đáng nói, tỉ lệ kết quả không chấp nhận của các phòng xét nghiệm tại TP.HCM thấp hơn khu vực ĐBSCL. Năng lực thực hiện và kiểm soát sai số trong xét nghiệm chưa được đồng đều. “Các BV tuyến trung ương, tỉnh, TP và BV tư nhân có kết quả thực hiện tốt, tỉ lệ kết quả không chấp nhận tương đối thấp (dưới 4%). Nguyên do là có sự quan tâm đầu tư nhiều về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhân sự được đào tạo và tập huấn…” - ThS Bảo cho biết.

Các BV tuyến quận, huyện và phòng khám đa khoa, phòng xét nghiệm có tỉ lệ kết quả không chấp nhận tương đối cao (trên 11%). Nguyên nhân là do chưa được đầu tư nhiều về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Bên cạnh đó, nhân viên chưa được đào tạo và tập huấn các kiến thức quản lý chất lượng nên việc kiểm soát sai số xét nghiệm chưa hiệu quả.

“Tuy nhiên, một khi phòng xét nghiệm đọc kết quả xét nghiệm máu nhầm lẫn từ “dương tính” thành “âm tính” hoặc ngược lại, đồng thời kết luận sai nhóm máu sẽ dẫn đến những hậu quả trầm trọng cho bệnh nhân, thậm chí có thể tử vong trong quá trình truyền máu hoặc điều trị” - ThS Bảo chia sẻ.

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-de-benh-nhan-chet-oan-do-nham-ket-qua-xet-nghiem-post719077.html