Đừng để bị 'cướp' mất tài sản lớn nhất cuộc đời

Với một doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thì ngay từ đầu nên tính đến chi phí đăng ký nhãn hiệu ở những thị trường trọng điểm

Chia sẻ với phóng viên, giám đốc một DN chế biến nông sản kể lại câu chuyện ông đi đòi nhãn hiệu của mình ở Hàn Quốc. Với hai nhà máy chế biến nông sản, ông đã xuất khẩu nhiều mặt hàng đi Mỹ, Canada, Úc… với kim ngạch lên đến 1.000 tỷ đồng, bằng chính thương hiệu của mình và đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường đó. Tuy nhiên với thị trường mới như Hàn Quốc, ông vẫn chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Gần đây, khi muốn đưa hàng vào thị trường này, ông mới bắt đầu tiến hành thủ tục đăng ký. Nhưng khi đó, ông mới biết rằng đã có một người khác đăng ký nhãn hiệu của công ty ông, trong khi người đó không làm bất cứ gì.

“Thế mà tôi phải chịu thua đấy. Họ không làm gì hết nhưng đòi bán lại nhãn hiệu đó cho chúng tôi, nhưng tôi đâu có chịu”, vị này cho biết và nói rằng ông sẽ tập trung vào các thị trường khác.

Trước đó mấy năm, ông cũng đã lặn lội sang Mỹ thuê luật sư để ngăn chặn hành vi “nhái” nhãn hiệu sản phẩm do một đơn vị phân phối thực hiện. Ông cũng có kinh nghiệm yêu cầu những công ty ở nước ngoài phải ghi đúng “chỉ dẫn địa lý” của sản phẩm. Ông đã từng bỏ ra 10 nghìn USD, chưa kể vé máy bay, ăn ở, để mời một chuyên gia ngôn ngữ của Việt Nam sang Mỹ để phân tích trước tòa án Mỹ về từ ngữ, vì theo tòa án Mỹ, “diễn giải từ ngôn ngữ phải là chuyên gia” chứ không phải là nguyên đơn tự diễn giải.

Có lẽ, ở Việt Nam, ít có doanh nghiệp nào lại quan tâm đến bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như doanh nghiệp của vị này. Những vụ việc xâm phạm nhãn hiệu đều bị công ty của ông kiện ra tòa.

Câu chuyện của doanh nghiệp trên, và mới nhất là vụ việc của giống gạo ngon nhất thế giới ST25 đã cho thấy hàng Việt Nam thực sự bị xâm nhạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý rất nhiều. Song, biện pháp tự vệ từ phía doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.

Với vụ việc của giống gạo ST25, Cục Sở hữu trí tuệ đã đưa ra thông tin giải thích khá rõ, dù rất bất ngờ. Bởi theo Cục Sở hữu trí tuệ, ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25. Tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.

"Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo", Cục Sở hữu trí tuệ lưu ý.

Ngay cả khi ST25 không phải tên giống lúa, mà là một thương hiệu thật, thì Luật sư Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật SIPCO cũng phân tích thêm chữ “ST25” hơi khó đăng ký nhãn hiệu, ở Việt Nam cũng như nước ngoài.

Bởi theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các chữ cái và các chữ số thông thường mà không ghép thành chữ được thì không có khả năng bảo hộ. “Bản thân chữ S và chữ T ghép lại với nhau thì là hai chữ cái thông thường thôi, cho nên khả năng bảo hộ theo quy định của luật là rất khó”, ông Sơn nói. Đây là điều các doanh nghiệp khi đặt tên nhãn hiệu cần lưu ý.

Luật sư Trần Đức Sơn cho rằng: Để được bảo hộ chữ đó thì ở Việt Nam thông thường họ sẽ cách điệu chữ S, hoặc chữ T, hoặc số 25 lên để được bảo hộ phần cách điệu đó. Thiết kế của chữ đó như một cái logo.

Chi phí không đắt, thủ tục phức tạp

Thực tế, chi phí đăng ký nhãn hiệu ở các nước không phải là quá cao, tuy nhiên nhiên doanh nghiệp do nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu nên chủ quan. Đến khi sự việc xảy ra, thì phải bỏ ra hàng trăm nghìn USD để theo đuổi vụ kiện, hoặc phải ngậm ngùi mua lại nhãn hiệu đã bị đăng ký trước ở nước đó. Có vụ việc, chủ nhãn hiệu đã đăng ký đòi phải trả 2 triệu USD mới đồng ý bán lại.

Luật sư Trần Đức Sơn cho biết việc bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam thì tổ chức/cá nhân nộp đơn ở Cục Sở hữu trí tuệ. Còn nếu muốn bảo hộ ở các nước thì có một số cơ chế.

Một là đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid mà Việt Nam là thành viên. Hệ thống Madrid là một hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý. Hệ thống này cho phép doanh nghiệp được bảo hộ một nhãn hiệu ở 77 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu (EC) bằng cách nộp một đơn với một trong những ngôn ngữ (Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha) và một khoản lệ phí bằng đồng Francs Thụy sĩ.

Như vậy, hiện tại có hơn 100 nước đã theo hệ thống Madrid này. Mức chi phí đăng ký bảo hộ sẽ phụ thuộc vào việc cá nhân/tổ chức chỉ định đăng ký bảo hộ thêm ở những nước nào?

Ngoài ra còn một số hệ thống nộp đơn khác nhưng chỉ là nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, cá nhân/tổ chức cũng có thể nộp đơn theo hình thức trực tiếp, tức là nộp đơn tại các quốc gia, giống như nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo hệ thống Madrid vì giảm thiểu được chi phí.

Theo luật sư Trần Đức Sơn, nếu nộp ở WIPO và chỉ định đăng ký bảo hộ vào Mỹ thì chi phí chính thức (cá nhân/tổ chức tự nộp, không thông qua đơn vị đại diện) vào khoảng 1.000 Franc, tương đương hơn 20 triệu đồng. Mức phí có sự chênh lệch một chút giữa nhãn màu và nhãn đen trắng. Nếu chỉ định thêm một nước nào khác thì mức phí phụ thuộc vào nước đó, nhưng đa số các nước lấy 100 Franc (hơn 2,5 triệu đồng). Một số nước như Mỹ mức phí cao hơn gấp trên 2 lần.

Với một doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thì ngay từ đầu nên tính đến chi phí đăng ký nhãn hiệu ở những thị trường trọng điểm. Xét cho cùng, đó không phải là số tiền lớn đến mức doanh nghiệp không thể chi trả. Để không phải chạy ngược xuôi, tốn hàng trăm nghìn USD, thậm chí hàng triệu USD để có được nhãn hiệu, thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt là việc doanh nghiệp nên làm. Tiếc một vài đồng ngày hôm nay, biết đâu những ngày sau sẽ phải trả giá rất đắt.

Trái ngược với chi phí, thì thủ tục lại là cả 1 vấn đề với DN nhỏ và cá nhân. Thủ tục đôi khi có phần phức tạp và độ trễ chờ đợi, yêu cầu giải trình… lại là 1 thách thức khiến DN và các cá nhân mệt mỏi. Vì thế, các cơ quan nhà nước thay vì chờ cá nhân, DN… vất vả đăng ký thì cần xây dựng bộ phận hỗ trợ và hướng dẫn. Theo đó, bộ phận này không chỉ hướng dẫn thủ tục mà hơn hết là phát hiện các nhãn hiệu tiềm năng để tư vấn đăng ký và phát triển. Có như thế mới sớm xây dựng được một cộng đồng thương hiệu Việt mạnh mẽ.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/dung-de-bi-cuop-mat-nhan-hieu-n-474548.html