Đừng để con nhỏ soi phải một 'tấm gương bạo lực'

Sau hàng loạt các hình ảnh chồng đánh vợ được lan truyền trên mạng, dư luận vô cùng phẫn nộ. Phẫn nộ không chỉ trước sự coi thường vợ của người chồng mà còn bởi những hành động đó gây ảnh hưởng sâu sắc tới cháu nhỏ.

Lẽ thường người cha như một tấm gương với con, dạy con cách đối xử với phụ nữ thông qua đối xử với chính mẹ của mình. Rõ ràng, hành động đánh vợ trước mặt con trẻ, người cha đã dạy con một bài học: "Giải quyết vấn đề bằng bạo lực".

Sáng 27-8, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip về một vụ bạo hành dã man khiến nhiều người bức xúc. Qua xác minh, clip trên là sự việc xảy ra trong gia đình chị Vũ Thu L. (SN 1992, trú tại Thạch Bàn, Long Biên, TP. Hà Nội). Theo anh Vũ Mạnh Ngh. (anh trai của chị L.) cho biết, mâu thuẫn khiến chị L. bị chồng là Nguyễn Xuân Vinh (võ sư, SN 1987) đánh dã man xuất phát từ việc chị L. muốn chuyển chiếc tivi từ phòng khách vào phòng ngủ để cho đứa con lớn (học lớp 1) không sử dụng nhiều.

Thấy vợ chuyển tivi, anh Vinh chửi vợ vì lý do không xin phép trước. Khi chị L. nói lại thì người đàn ông này đã lao vào đấm đá vợ không thương tiếc. Điều đáng nói, khi bị chồng đánh chị L. vẫn đang bế trên tay đứa con gái mới vừa đầy 2 tháng tuổi.

Sau khi bị chồng đánh, chị L được người thân đưa vào bệnh viện chụp chiếu trong tâm trạng vô cùng hoảng sợ. Quá bức xúc trước hành động vô nhân tính của Vinh nên người nhà chị L. đã làm đơn trình báo tới Công an phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội).

Vụ việc sau đó đã được chuyển lên Công an quận Long Biên để điều tra làm rõ. Điều đáng nói là, trong khi vụ việc được cơ quan công an đang giải quyết thì Vinh vẫn liên tục nhắn tin đe dọa, uy hiếp gia đình vợ.

Trước đó, vào ngày 21-8 cũng trên mạng truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một người chồng lao vào đánh vợ tới tấp trong lúc người vợ vẫn đang bế con nhỏ trên tay. Ngoài ra, trong phòng khách lúc đó có mặt cả đứa con trai lớn khoảng 6 tuổi.

Khi đoạn clip được tung lên mạng, danh tính người chồng nhanh chóng được xác định, đó là Nguyễn Việt Lượng (sinh năm 1984, trú tại phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn), công tác tại Kho bạc Nhà nước Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Khi phải nhận quá nhiều lời chỉ trích từ hành động bạo lực với vợ, người đàn ông này phân bua: "Hành động tôi đánh vợ là không đúng nhưng mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Hơn nữa gia đình nào chẳng có những lúc mâu thuẫn, xảy ra xô xát".

Xem clip quay lại cảnh người chồng đấm đá, lấy sỏi ném người vợ đang bế đứa con mới 2 tháng tuổi, trước mặt đứa con trai lớn 7 tuổi, dễ thấy đứa trẻ luống cuống, vừa sợ vừa không biết làm gì khi thấy bố đánh mẹ. Cậu bé chỉ biết chạy đi, chạy lại loanh quanh trong nhà.

Có lẽ cậu con trai mới 7 tuổi chưa thể biết mâu thuẫn của bố và mẹ, nhưng bé đã vô tình được chính người bố của mình "dạy" cho một bài học về bạo lực: Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nói về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Đức Chuẩn cho hay: "Khi trẻ sống và tiếp xúc trong môi trường bạo lực có 2 hướng phát triển tâm lý của trẻ. Trong đó đa số trẻ sẽ dùng bạo lực để giải quyết bạo lực, xu hướng này chiếm khoảng 75 - 80%.

Những cú đấm, cái tát trời giáng của bố dành cho mẹ sẽ in hằn trong đầu cậu bé từ ngày hôm nay, và rất có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Thậm chí sẽ gây ra những sang chấn tâm lý đối với trẻ nhỏ.

Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, chứng kiến nhiều cảnh bạo lực trẻ sẽ trở nên hung hãn, thu mình, việc học tập sẽ rất khó khăn. Theo nghiên cứu, những đứa trẻ vô cảm, thích dùng bạo lực, lớn lên hay đánh vợ đánh chồng thường xuất phát nhiều từ gia đình đánh cãi chửi nhau nhiều. Đã có nhiều đứa trẻ phải điều trị tâm lý khi chúng không thể cân bằng lại sau khi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ.

Trẻ thấy cuộc sống gia đình không có sự ổn định, không có được sự vui vẻ, hạnh phúc. Điều này sẽ tạo ra sự nghi ngờ nhất định của trẻ đối với bố mẹ. Khi nghi ngờ như vậy chúng sẽ biến đổi tâm sinh lý, có thể từ một đứa trẻ rất tự tin biến thành những đứa trẻ thiếu tự tin và ngại giao tiếp với mọi người. Với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là những tấm gương đầu tiên để chúng soi và học theo. Vì thế, mỗi người hãy là tấm gương sáng để con học theo, đó cũng là cách giúp xây dựng xã hội lành mạnh.

Quang Ngọc

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/hon-nhan-va-nhung-tieng-keu/dung-de-con-nho-soi-phai-mot-tam-guong-bao-luc-559915/