Đừng để Đà Lạt chỉ là nơi 'tránh nắng' cho khách du lịch!

LTS: Báo Xây dựng số 40 (ngày 16/5/2019) có bài 'Quy hoạch trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt: 'Được triển khai đúng quy trình', giải thích quan điểm của Sở Xây dựng Lâm Đồng chung quanh đồ án trên. Số báo này, chúng tôi xin dẫn ý kiến phản biện của KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.

Đồ án được “triển khai đúng quy trình”

KTS Phạm Thanh Tùng

Trước hết phải nói quy hoạch trong thời gian qua, Đồ án cải tạo chỉnh trang trung tâm Đà Lạt nhận được sự quan tâm không chỉ của giới kiến trúc sư mà người dân Đà Lạt và cả nước. Đà Lạt là TP nổi tiếng cao nguyên có bản sắc, là nơi nghỉ dưỡng, được mệnh danh là “tiểu Paris của nước Pháp”. Đây là điều mà Đà Lạt là đô thị được hình thành hơn 100 năm nay có được những quy hoạch hình thái học đô thị. Bên cạnh đó, Đà Lạt chứa đựng hai di sản. Trước hết là di sản về cảnh quan, Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan rất tuyệt vời có thông, có núi, có thác có hồ; khí hậu cũng là di sản. Mặc dù biến đổi khí hậu nhưng Đà Lạt không bị ảnh hưởng, nó vẫn giữ được trong mình khí hậu ổn định, không lạnh không nóng quá. Thứ hai, Đà Lạt có một quỹ công trình kiến trúc từ thời Pháp.

Đà Lạt là trung tâm gần Sài Gòn và các tỉnh Tây Nguyên. Chúng ta đang cải tạo quy hoạch trung tâm là việc cần thiết vì Đà Lạt cũng như đô thị có lịch sử có quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng phải làm rõ là: Chúng ta làm quy hoạch Đà Lạt cho ai? Cho người Đà Lạt hay cho khách du lịch? Phải làm rõ điều này. Nếu không, chúng ta đang biến đồ án này thành Đà Lạt là “tiểu Sài Gòn” theo nghĩa tiêu cực.

Những di sản ở trong đô thị Đà Lạt, đặc biệt vùng lõi, chưa được cân nhắc kỹ trong đồ án. Có thể các chuyên gia quy hoạch lập đồ án này, người ta nhìn di sản theo khía cạnh khác là cải tạo phát triển đem lại nguồn lợi kinh tế. Tuy nhiên chúng ta không làm du lịch bằng mọi giá. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Tư tưởng đó cần được thổi vào trong đồ án quy hoạch này. Đồ án quy hoạch này nếu theo đúng quy trình thì tại sao Đà Lạt nghèo đến mức độ phải xã hội hóa bằng tiền của chủ đầu tư DN?

Luật quy định các quy hoạch chi tiết được xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa nếu không thận trọng thì sẽ trở thành sân sau cho một ai đó theo lợi ích riêng. Nếu một DN lớn có tình yêu với Đà Lạt, định tặng Đà Lạt số tiền để lập quy hoạch, thì xin chuyển số tiền đó cho TP Đà Lạt và dùng số tiền đó tổ chức cuộc thi trong nước có sự tham gia của KTS nước ngoài để chọn những ý tưởng hay.

Chúng ta cần có tính minh bạch từ khâu lập đồ án, khuyến khích công trình này nên tổ chức các cuộc thi công khai và sẽ thu hút được những tài năng tham gia. Người Đà Lạt quen với những gì đã tồn tại trên mảnh đất này trên hơn trăm năm nay. Những di sản, công trình gắn với ký ức, nên khi động chạm vào nó, chúng ta phải có sự tôn trọng.

Như thế nào là “giữ gìn bản sắc”?

Vấn đề ở đây không phải chúng ta chưa cải tạo chỉnh trang nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Mà nó vẫn đang trở thành bãi rác mỗi khi khách du lịch đến. Đây không phải vấn đề chúng ta phải chỉnh trang quy hoạch để không còn bãi rác đó nữa không còn hỗn độn khi khách du lịch đến đây. Mà đây là cả chiến lược phát triển của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng. Chúng ta làm điều này phải được toàn bộ người dân ủng hộ, Đà Lạt không thiếu các siêu thị lớn. Đà Lạt đã từng khai trương một siêu thị lớn và tạo được ấn tượng tốt với kiến trúc đồi. Đà Lạt đang mất rất nhiều di sản. Vấn đề ở đây không phải chúng ta mong chờ một quy hoạch chỉnh trang để Đà Lạt tốt hơn, mà vấn đề là ở ý thức quản lý đô thị buông lỏng.

Chúng ta đang nói rất nhiều về đô thị 4.0. Nhưng cái này thể hiện thế nào trong quy hoạch đô thị trung tâm? Nó thông minh như thế nào? Chúng ta làm điều này để phát triển du lịch hoặc bảo vệ Đà Lạt!

Rạp Hòa Bình, nếu gây nguy hiểm thì cần làm lại. Nhưng hãy trả lại chiều cao kích thước, đừng tạo nên một tòa nhà cao tầng. Đà Lạt không thiếu những tòa nhà cao, những trung tâm mua sắm lớn.

Đồ án này được kiến nghị nhiều cũng có lý do của nó. Xã hội hóa không có nghĩa phải dùng tiền đó chỉ định cho đơn vị nào. Tiền của DN được giao cho BQL để tổ chức cuộc thi.

Đà Lạt đang làm đúng quy trình. Nhưng tại sao không tổ chức cuộc thi mặc dù trong quy hoạch cho phép? Theo tôi, khi chọn một người lập quy hoạch Đà Lạt, bản thân những người quản trị đô thị chưa hiểu hết vị trí, tầm quan trọng của trung tâm TP Đà Lạt, vì nó chứa đựng cả lịch sử của Đà Lạt, hồn của Đà Lạt. Du khách đến thăm cảnh quan cũng vào đấy thăm thú.

Giữ Đà Lạt cho ai?

Trong Luật Kiến trúc vừa rồi (để được thông qua vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV lần này) Quốc hội đã không để sót cái đó. Những công trình có giá trị kiến trúc đặc biệt, tiêu biểu phải có cách để xử lý. Đừng chờ phải xếp di sản. Ai xếp đưa vào di sản? Là con người xếp! Nhưng những thành viên hội đồng xét duyệt đó không đủ bao quát bằng xã hội. Có những công trình không phải là di sản nhưng vẫn được gìn giữ, được tôn vinh vì nó gắn với ký ức của họ, gắn với các thế hệ của họ. Nhưng đây người ta tưởng là chỗ hở của Luật Di sản để các nhà làm kinh tế họ lách luật. Ở đây tôi muốn nói, kể cả những nhà làm luật điều hành đô thị, kể cả công nghệ 4.0 cũng phải bắt đầu từ văn hóa.

Cách đây 20 năm, Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII của Đảng ra Nghị quyết về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, có bản sắc trong thời kỳ mới”, thì hôm nay, cái bản sắc mà tôi được biết là Dự thảo Luật Kiến trúc đưa ra Quốc hội, trong đó có Điều 5 về “Bản sắc”. Khi họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Kiến trúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: “Đây không phải quy định cụ thể cái nào là bản sắc hay không bản sắc. Mà đây là tính chính trị, có tính định hướng không chỉ cho phát triển ngày hôm nay mà còn cho nhiều thế hệ sau”.

Rõ ràng, bản sắc vô cùng quan trọng. Và chính vì có bản sắc nên đô thị không trở thành đô thị vô danh. Đô thị vùng núi Lai Châu sẽ không như đô thị vùng núi Lào Cai… Và hạnh phúc rất nhiều nếu như chúng ta có những đô thị có từng bản sắc riêng.

Định hướng nào cho kiến trúc Đà Lạt trong tương lai?

Đà Lạt là đô thị có đặc trưng riêng. Nếu xem về thiết kế đô thị theo bản quy hoạch vừa rồi, tôi cho rằng nó chỉ có điểm nhấn về mặt hình học thôi. Điểm nhấn kiến trúc phải có giá trị văn hóa. Đà Lạt có rất nhiều di sản cũng là điểm nhấn cho đô thị này.

Như Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Nó không cao to. Nhưng nhắc đến Đà Lạt phải nhắc đến nó. Hay ga Đà Lạt, không hề cao to nhưng với biểu tượng ngọn tháp Lang Biang. Đến Đà Lạt, người ta phải háo hức đến đấy để chụp ảnh. Đấy là điểm nhấn về văn hóa.

Kiến trúc không có tính văn hóa thì kiến trúc đó chỉ là công trình xây dựng vô hồn. Xin đừng lạm dụng cái từ “điểm nhấn đô thị”. Đừng nén công trình lên đồi Dinh. Đồi Dinh trước đây là công trình công quyền của chế độ cũ. Nó có giá trị lịch sử và kiến trúc (mang phong cách kiến trúc Đông Dương và là kiến trúc công sở đặc trưng kiến trúc Pháp của Đà Lạt). Nay ở thời hòa bình, biến nó thành công trình văn hóa cho cộng đồng hoặc là nơi sinh hoạt cho thiếu nhi thì ý nghĩa nó nâng lên gấp nhiều lần.

Tôi biết, Đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình đã được tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Nhưng, cái gọi là hiệu lực chỉ là tờ quyết định. Nếu người quản trị đô thị Đà Lạt, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng biết lắng nghe thì đồ án đó vẫn sửa, thậm chí có thể làm lại. Luật còn sửa được huống hồ quyết định một đồ án, mà đồ án lại động chạm vào tình cảm, đến những vấn đề của Đà Lạt của ngày hôm qua, hôm nay và tương lai, thậm chí làm thay đổi cả hình thái của Đà Lạt, nó có tác động ngược lại thì phải tính.

Hãy làm hội thảo về đồ án này công khai. Ở Hội thảo đó có các kiến trúc sư, có những Đà Lạt học, và những người dân đã gắn bó đời mình với Đà Lạt Những điều tâm huyết với Đà Lạt, họ sẽ nói ra.

“Tôi trân trọng những gì mà DN tài trợ để xây dựng lên một bản đồ án. Tuy nhiên xã hội hóa cần phải thận trọng.

Cải tạo lõi Trung tâm Đà Lạt với một bản đồ án sẽ không đủ những yêu cầu tối thiểu.

Đà Lạt cần có cuộc thi minh bạch về ý tưởng phát triển của đô thị này. Ở đó, những kiến trúc sư, những nhà nghiên cứu và cả người dân Đà Lạt được góp tiếng nói đóng góp cho di sản. Bởi họ là những người được hưởng thụ trực tiếp nên sẽ có trách nhiệm với tiếng nói của mình” - KTS Phạm Thanh Tùng.

Hòa Bình (ghi)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/dung-de-da-lat-chi-la-noi-tranh-nang-cho-khach-du-lich.html