Đừng dễ dãi 'ra tiệm vàng mua đô-la'...

Vụ việc anh thợ điện ở Cần Thơ ra tiệm vàng đổi 100 USD thành tiền Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt quả tang, tịch thu tang vật và phạt hành chính 90 triệu đồng gây xôn xao dư luận trong gần 10 ngày qua, đến độ Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có công văn yêu cầu UBND TP.Cần Thơ báo cáo.

Có nhiều luồng ý kiến về tính đúng - sai và tình - lý ở vụ việc này, tuy nhiên ở góc độ người dân bình thường, câu hỏi là: mua bán và trao đổi ngoại tệ ở đâu, như thế nào mới là hợp pháp? Làm sao để biết đâu là nơi đã được cấp phép thu đổi ngoại tệ nếu người chủ không chủ động trình ra? Và nếu người dân “đòi xem” giấy phép thu đổi ngoại tệ đó, liệu họ có đủ thông tin và kiến thức để xác định được giấy phép đó có hợp pháp hay không?

Điều quan trọng đầu tiên là người dân cần hiểu, một cá nhân hay tổ chức muốn hoạt động đổi ngoại tệ thì phải đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Trường hợp tổ chức kinh tế không có giấy phép vẫn thu đổi ngoại tệ, thì không chỉ tổ chức này bị xử lý hành chính mà người có nhu cầu đổi ngoại tệ cũng bị xử lý, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Trong vụ việc 100 USD ở Cần Thơ, người đổi và tiệm vàng đã bị xử phạt theo nội dung tại Điểm a, Khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ). Nghị định 96 quy định cụ thể đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500-600 triệu đồng (theo Khoản 7, Điều 24 Nghị định 96). Đối với cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng (theo Điểm a, Khoản 3, Điều 24 Nghị định 96). Các cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có phép còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam quy đổi (Điểm a, Khoản 8, Điều 24 Nghị định 96) (nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Ở một quốc gia hằng năm có lượng kiều hối đổ về lớn như Việt Nam (khoảng 10 tỷ USD) thì việc mua bán, trao đổi ngoại tệ là nhu cầu phổ biến và bức thiết, song cũng chính vì vậy bao lâu nay nhiều người dễ dãi bỏ qua những quy định cụ thể rõ ràng về vấn đề này. Người dân quen với việc ghé tiệm vàng/khách sạn... mua đi bán lại ngoại tệ và những nơi đó cũng coi hoạt động này như một công việc “kiếm thêm”. Khi bị bắt quả tang, xử phạt nặng thì mới... bất ngờ.

Vậy nên cách tốt nhất là người có nhu cầu đổi ngoại tệ nên đến những ngân hàng thương mại, còn khi đến các tổ chức kinh tế khác (tiệm vàng, khách sạn...) thì cần biết họ có giấy phép hay không. Về phía cơ quan chức năng, cần quy định công khai minh bạch danh sách những điểm được phép thu đổi ngoại tệ cho người dân biết, chẳng hạn yêu cầu các điểm đó thông báo cho người dân biết bằng cách dán giấy phép photocopy chẳng hạn. Rõ ràng, đã là luật hoặc quy định thì phải tuân thủ và trách nhiệm tuân thủ này phải đến từ nhiều phía, nhiều nơi.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201810/dung-de-dai-ra-tiem-vang-mua-do-la-2917514/