Đừng để dạy kỹ năng sống trở thành nguồn lợi kinh tế

Trước nhu cầu thực tế, nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên, nhiều bộ sách, tài liệu ra đời. Nội dung, chất lượng của các trung tâm giảng dạy ấy, của các bộ sách ấy ra sao, dường như còn bỏ ngỏ.

Thời gian gần đây, mọi người đều nhận thấy trẻ em thiếu kỹ năng sống trầm trọng ngay cả những kỹ năng cơ bản như tự phục vụ, giao tiếp, tự học, giải quyết vấn đề... Vậy là từ gia đình đến nhà trường đều quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Trước nhu cầu ấy, nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên, nhiều bộ sách, tài liệu ra đời. Nội dung, chất lượng của các trung tâm giảng dạy ấy, của các bộ sách ấy ra sao, dường như còn bỏ ngỏ.

Các trung tâm thường xuyên quảng cáo, đến tận trường học đề nghị ký hợp đồng hợp tác dạy cho học sinh. Tác giả các bộ sách cũng giới thiệu cái hay, cái tốt của bộ sách mình viết. Nhưng đâu là cái chuẩn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dường như chưa có.

Về đội ngũ giảng dạy cũng nhiều kiểu. Trường thì liên kết với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống đưa người về để dạy cho học sinh, mức học phí do học sinh đóng tùy giá mỗi trung tâm. Trường thì hợp đồng với các trung tâm theo chuyên đề và các báo cáo viên sẽ đến trường giảng dạy. Trường thì cho giáo viên đi học các lớp tập huấn ở các trung tâm này, rồi mua sách về để giáo viên dạy lại cho học sinh. Có trường chỉ mua sách cho giáo viên rồi chỉ dựa vào sách dạy…

Từ tài liệu cho đến đội ngũ giảng dạy không có quy định theo chuẩn mực nào. Thế nhưng, điều dễ thấy là học sinh phải tốn tiền hằng tháng nếu trường liên kết với trung tâm. Vì thế, cần thống nhất tài liệu, sách dạy kỹ năng sống cho học sinh. Đừng để dạy kỹ năng sống cho học sinh trở thành một nguồn lợi kinh tế mà thôi.

Lê Phương Trí (Giáo viên Trường tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/dung-de-day-ky-nang-song-tro-thanh-nguon-loi-kinh-te-912282.html