Đừng để doanh nghiệp loay hoay một mình

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - tác giả chính của giống lúa và gạo ST24, ST25 - thương hiệu đã đạt giải 'Gạo ngon nhất thế giới' năm 2019 đã có đơn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đề nghị lực lượng hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.

Gạo ST25 kêu cứu vì bị nhái quá nhiều:

Chúng ta nên nghĩ đến câu chuyện vừa bảo vệ thương hiệu của riêng DN với xây dựng thương hiệu Quốc gia dựa trên nền móng của thương hiệu riêng đó

Chúng ta nên nghĩ đến câu chuyện vừa bảo vệ thương hiệu của riêng DN với xây dựng thương hiệu Quốc gia dựa trên nền móng của thương hiệu riêng đó

Ra mẫu mã nào bị nhái mẫu đó

Ông Hồ Quang Cua phản ánh, sau khi gạo ST25 giành giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019, trên thị trường xuất hiện tình trạng nhái thương hiệu gạo ST25. Các DN trong nước sử dụng biểu trưng "gạo ngon nhất thế giới" mà DN của gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.

Để bảo vệ thương hiệu, gần đây, ông Cua nỗ lực đưa ra thị trường nhãn hiệu "gạo ông Cua", có in hình ông, mã vạch để truy xuất nguồn gốc… nhưng lại tiếp tục bị làm nhái. Để bảo vệ thành tựu gần 30 năm nghiên cứu, ông Cua đã làm đơn cầu cứu đến Tổng cục QLTT.

Năm 2019, tại Hội nghị Gạo Thế giới TRT thường niên lần thứ 11 diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 11 đến 13-11, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” cho loại gạo ST25.

Tại sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp và thương mại gạo toàn cầu, The Rice Trader – nhà sáng lập và chủ sở hữu của cuộc thi đã công nhận giải thưởng này của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí – nhóm nghiên cứu phát triển giống gạo ST25 trước hơn 600 đại diện của ngành gạo quốc tế, bao gồm các diễn giả, nhà tài trợ và đại biểu tham dự.

Trong thông cáo báo chí phát hành ngay lúc đó, The Rice Trader cũng tuyên bố cảnh cáo chính thức tới các Cty Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” trong các bao bì gạo đang được kinh doanh tại thị trường Việt Nam lúc đó.

“Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới” thông cáo báo chí của The Rice Trader nhấn mạnh.

Tháng 4-2021, dư luận không khỏi bất bình vì có 4 DN ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ. Tiếp sau đó, ngày 3-5-2021, Bộ Công Thương cung cấp tới báo chí thông tin Cty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung “Gạo ngon nhất thế giới”.

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái can thiệp kịp thời sau khi có thông tin này.

Cũng trong thời điểm đó, Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho biết, Cty TNHH Hồ Quang Trí (Sóc Trăng, Việt Nam) đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo ông Cua” tại thị trường Mỹ.

Đơn đăng ký nhận hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận. Đây có thể nói là động thái kịp thời của ông Hồ Quang Cua sau khi gạo ST25 - Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam bị nhiều DN ở Mỹ tiến hành đăng ký sở hữu.

Ở thị trường Việt Nam, theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của một số sản phẩm trên thị trường có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa “The World’s Best Rice” (Gạo ngon nhất Thế giới) mà tổ chức thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.

Đây không là câu chuyện của riêng DN

Tổng Cục QLTT cho biết, ngay sau khi nhận được đơn của gia đình ông Hồ Quang Cua, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo cục QLTT các tỉnh, thành phố rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung mà DN phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý của các cơ quan này.

Theo phân tích cửa Tổng cục QLTT, trên bao bì của một số sản phẩm gạo ở thị trường nội địa hiện đang sử dụng dòng chữ “The World’s Best Rice” (gạo ngon nhất thế giới) mà Tổ chức Thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông.

Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam, cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước, dẫn đến khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc xử lý các đối tượng mà gia đình ông Hồ Quang Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.

Hiện nay, DN gia đình ông Hồ Quang Cua mới có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “SR SOC RICE”. Hai nhãn hiệu khác mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua”, “Gạo ST” đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong quá trình chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài ra, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên gia đình ông Cua cũng chưa có hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

Việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua’, “Gạo ST” chưa có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cũng như hồ sơ tự công bố dẫn đến tình trạng chưa đủ căn cứ để lực lượng QLTT xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu này.

Được biết, Tổng cục QLTT đã trao đổi, hướng dẫn đại diện gia đình ông Hồ Quang Cua tiến hành hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ cho 2 nhãn hiệu nêu trên, cũng như hoàn thiện thủ tục về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần phòng chống việc làm giả, làm nhái nhãn hiệu gạo nổi tiếng này.

Rút kinh nghiệm từ việc đánh mất thương hiệu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế, Tổng cục QLTT khuyến cáo, DN cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, chủ động xây dựng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, Thương vụ, Cục Sở hữu trí tuệ, các Bộ ngành liên quan để được hỗ trợ thủ tục cần thiết trước, trong và sau quá trình dự thi, tham gia kinh doanh tại thị trường quốc tế nhằm bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.

Đồng thời, cần chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của chính mình nhằm tránh những tranh chấp không đáng có rất phổ biến hiện nay.

Đây cũng là cách để bảo vệ thành quả, sức lao động và chất xám, bảo vệ thành tựu của DN nói riêng và Quốc gia nói chung.

Sự chủ động của DN, sự hỗ trợ và định hướng của các cơ quan chức năng là cần thiết để bảo hộ thương hiệu cũng như nâng cao danh tiếng, giá trị cho sản phẩm Việt Nam ở các thị trường nước ngoài.

Từ vụ ST25, phải chăng chúng ta nên nghĩ đến câu chuyện vừa bảo vệ thương hiệu của riêng DN với xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên nền móng của thương hiệu riêng đó? Trong trường hợp gạo ST25, theo các chuyên gia, các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, công thương,... nên cùng ngồi lại để tìm ra chiến lược phù hợp cho thương hiệu gạo ST25. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, họ có một thương hiệu gạo rất mạnh dựa trên giống lúa Thai Hom Mali là gạo Thai Hom Mali hay còn gọi là Thai Jasmine Rice. Để tránh tình trạng mạo danh gạo Thai Hom Mali có xuất xứ thật từ Thái Lan, họ đã đăng ký thương hiệu Thai Hom Mali dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận thuộc sở hữu của Nhà nước (Bộ Công thương Thái Lan là chủ sở hữu) ở hàng chục quốc gia trên thế giới.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dung-de-doanh-nghiep-loay-hoay-mot-minh-273426.html