Đừng để họp xin ý kiến các bộ, ngành nhiều mà các dự án vẫn không chạy

Chuyên gia kinh tế lo ngại khi các cuộc họp xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương diễn ra nhiều mà các dự án vẫn không chạy.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ khẳng định, hiện nay chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng nhưng phải phản ứng nhanh về kinh tế để quyết tâm vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài.

Cần giữ sự năng động của nền kinh tế trong tâm dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Cần giữ sự năng động của nền kinh tế trong tâm dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở dự kiến những tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) vừa cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành, tương ứng hai khả năng: khống chế được dịch trong quý I và khống chế dịch trong quý II.

Ðánh giá về các ngành, lĩnh vực chịu tác động của dịch, Bộ KHÐT dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm. Cụ thể: Nếu khống chế dịch trong quý I, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 3,2%; Nếu dịch kéo dài đến hết quý II, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,1% so cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu giảm 3,1%./.

Với kịch bản trên, trong quý I, tăng trưởng GDP dự báo là 6,25% (giảm 0,55 điểm phần trăm so Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,96% (chỉ tiêu Quốc hội giao là kiềm chế lạm phát dưới 4%).

Trường hợp khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% (giảm 0,84 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,86%.

Không để ách tắc dự án

Theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang đặt thêm nhiều thách thức cho các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam.

"Nhiệm vụ của chính quyền địa phương vẫn là tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn, nhưng lúc này, lãnh đạo các địa phương phải đích thân rà soát lại, xem xét từng hồ sơ dự án mà doanh nghiệp đã trình, xử lý từng trường hợp và trả lời dứt điểm trong tháng 3/2020, không để ách tắc bất cứ dự án nào. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp phải thông thì mới duy trì được sức chống chịu của họ", ông Cung nêu quan điểm.

TS. Cung đề xuất, các quy trình, thủ tục có thể phải được xem xét trong bối cảnh đặc biệt của nền kinh tế, chứ không thể tuần tự theo các quy trình bình thường.

Với đầu tư công, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Các hồ sơ ứ đọng cần phải được tập trung giải quyết ngay, ưu tiên các dự án có tính kết nối như đường cao tốc, sân bay, bến cảng…

Về việc duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, điều này không có nghĩa là để đạt thành tích, mà là duy trì được năng lực chống chịu của doanh nghiệp, từ đó, sẽ duy trì được năng lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo. "Nếu để tụt xuống, sau đó doanh nghiệp tan hoang, thì chúng ta sẽ mất ít nhất 5-7 năm nữa để phục hồi", ông Cung phân tích.

Cần bình tĩnh để ứng xử phù hợp

Dù không hẳn chia sẻ quan điểm giữ tốc độ tăng trưởng trong năm nay của TS. Nguyễn Đình Cung, nhưng ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng tình với đề xuất phải thông mọi ách tắc cho các dòng vốn đầu tư.

"Một nền kinh tế không thể năng động nếu các nguồn lực ra thị trường chậm. Điều đáng cảnh báo là sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng lớn tới các dự án lớn, doanh nghiệp lớn và những trung tâm kinh tế lớn. Nguyên lý là chỗ nào nguồn lực càng lớn, nhu cầu vận động, năng động cao thì càng cần tốc độ", ông Thiên phân tích.

TS. Trần Đình Thiên nêu rõ, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải được xác định rõ. "Tôi lo ngại khi các cuộc họp xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương diễn ra nhiều mà các dự án vẫn không chạy. Có lẽ phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, đi cùng đó là công khai minh bạch cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình... Lúc này, mọi sự chậm trễ sẽ là lực cản rất lớn của nền kinh tế, cả doanh nghiệp", ông Thiên nói.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó hiệu quả các tác động bất lợi từ thị trường bên ngoài cũng như kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, chính sách hỗ trợ kinh tế. Quan trọng nhất là cần có thái độ bình tĩnh để đưa ra ứng xử phù hợp.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang kéo theo hệ lụy đối với không ít doanh nghiệp, người dân. "Đây cũng là sức ép buộc chúng ta cân nhắc nghiêm túc, thấu đáo hơn yêu cầu cơ cấu mặt hàng, phân khúc và cơ cấu thị trường phù hợp. Chỉ đi theo hướng này, chúng ta mới bảo đảm hoạt động thương mại tăng trưởng bền vững ở kim ngạch, giá trị gia tăng và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Dương chỉ rõ./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dung-de-hop-xin-y-kien-cac-bo-nganh-nhieu-ma-cac-du-an-van-khong-chay-1012322.vov