Đừng để lãng phí là rào cản phát triển

Một đồng vốn bỏ ra cho đầu tư phát triển mà thu về 1,1 - 1,3 đồng còn hiệu quả hơn cả nghìn tỷ đồng chi cho đầu tư mà bị thất thoát, lãng phí, thậm chí tham nhũng. Những số liệu về sự lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 của Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đáng để chúng ta suy nghĩ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu giám sát chuyên đề: ''Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021'' thì tình trạng lãng phí đang có xu thế gia tăng. Cụ thể, ở lĩnh vực đầu tư, số dự án sử dụng vốn Nhà nước chậm tiến độ vẫn rất lớn. Năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án và năm 2021 là 1.962 dự án.

Tương tự, số dự án sử dụng vốn Nhà nước vi phạm thất thoát, lãng phí, ngừng hoạt động, năm 2016: 590 dự án, năm 2017: 840 dự án, năm 2018: 422 dự án, năm 2019: 125 dự án, năm 2020: 923 dự án và năm 2021: 185 dự án. Ngoài ra, có 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí có khó khăn vướng mắc... Số tiền bị thất thoát, lãng phí trong 5 năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Như chúng ta đều biết, dù nền kinh tế đã đạt được những thành tựu chưa từng có trong lịch sử, nhưng nhìn một cách tổng thể cán cân kinh tế vẫn chưa cân đối. Vốn ngân sách còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu chi cho đầu tư nhiều, nên hàng năm chúng ta vẫn phải đi vay (với nhiều hình thức). Trong khi phải đi vay để lấy tiền đầu tư thì vì nhiều nguyên nhân vẫn để xảy ra lãng phí. Sự lãng phí, thất thoát dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế và xã hội.

Ví dụ, trong tổng số tiền đầu tư phát triển trong giai đoạn 5 năm qua với số vốn lên tới hàng tỷ đô la, nếu số tiền đó, đầu tư đó không bị thất thoát, lãng phí (chậm tiến độ, đội vốn, không thể triển khai, thất thoát) thì sẽ phát huy hiệu quả rất lớn. Số tiền bỏ ra tạo chất “mồi” kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Nói một cách ngắn gọn, khi cân đối vĩ mô được ổn định, các vấn đề an sinh xã hội ngày càng được cải thiện, nợ ngày càng giảm, thu nhập, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, nền tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh. Song thất thoát, lãng phí đã góp phần làm ảnh hưởng tăng trưởng của nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Điều đáng nói, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, rất nhiều lĩnh vực như giáo dục (trường học), hệ thống y tế trên khắp địa bàn cả nước còn thiếu, đang rất cần nguồn vốn để đầu tư, đời sống người dân còn khó khăn... thì chúng ta vẫn để xảy ra sự lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách.

Tin tưởng cùng với việc Nhà nước đang hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư công và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân đang rất cao... vấn nạn thất thoát, lãng phí sẽ dần được đẩy lùi, để tới đây khi giám sát tối cao của Quốc hội về tiết kiệm, lãng phí không còn những con số “buồn” như trên!

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dung-de-lang-phi-la-rao-can-phat-trien-148226.html