Đừng để nhà vệ sinh trường học là nỗi sợ hãi của học sinh

Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất cũng thừa nhận: Thực tế kiểm tra tại các cơ sở giáo dục cho thấy, có tình trạng nhà vệ sinh tuy đạt chuẩn nhưng vẫn không sạch và chưa thân thiện. Điều này cho thấy, việc đầu tư nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn chưa thể giải quyết được nhà vệ sinh có đảm bảo vệ sinh hay không.

Bài 1: Nhà vệ sinh xuống cấp, quá tải và những hệ lụy

LTS: Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, cả nước có khoảng 40% công trình vệ sinh chưa đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Y tế. Việc nhà vệ sinh thiếu về số lượng, nhếch nhác, mất vệ sinh đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cả về thể chất lẫn tinh thần đối với học sinh.

Trước thực trạng này, vấn đề nhà vệ sinh trường học, vốn tưởng như rất nhỏ trong các nhà trường đã chính thức được đưa vào bàn nghị sự tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2018. Thông điệp “phải huy động các nguồn lực để chấm dứt tình trạng trường học không có nhà vệ sinh” từ người đứng đầu Chính phủ đã lan tỏa tới các địa phương với nhiều chuyển động tích cực từ nhận thức cho đến thực tế.

Tính riêng năm học 2018-2019, cả nước đã bổ sung thêm 60.000 nhà vệ sinh. Đặc biệt, một số mô hình, cách làm hay trong việc vận hành, quản lý nhà vệ sinh cũng đã được áp dụng, từng bước giúp học sinh không còn sợ hãi, ám ảnh bởi nhà vệ sinh.

Chúng tôi chắc chắn cho rằng, với nhiều, thậm chí rất nhiều học sinh, nhà vệ sinh trường học đã trở thành nỗi ám ảnh. Ngoài việc “nín thở, bịt mũi” mỗi khi đi vệ sinh, nhiều học sinh do quá sợ hãi nhà vệ sinh bẩn đã phải nhịn tiểu. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, nếu nhà vệ sinh quá bẩn sẽ là tác nhân gây ra một số bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp.

“Ngại uống nước, nhịn tiểu” vì nhà vệ sinh quá bẩn

Chị Nguyễn Thu Thủy, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Xuân La (Hà Nội) cho biết: Đi vệ sinh với con ở trường trở thành nỗi ám ảnh, hãn hữu lắm con chị mới đi vệ sinh. Còn không, cháu sẽ đợi về nhà mới dám đi vì nhà vệ sinh ở trường quá bẩn. Có hai thời điểm nhà vệ sinh tạm ổn là vào sáng sớm và buổi chiều tối, sau khi nhân viên vệ sinh dọn dẹp, các thời điểm còn lại trong ngày đều bốc mùi vì quá tải.

“Trung bình mỗi lớp có 50 đến 60 học sinh, cả trường hơn 1.000 học sinh. Tuy nhiên, một tầng hàng chục lớp mới có một nhà vệ sinh thì việc quá tải, nhất là vào các giờ ra chơi cũng là điều dễ hiểu”- chị Thủy nói. Chị Trần Thị Hải, phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cũng cho biết: Do trường được xây dựng từ lâu nên nhà vệ sinh cũ kỹ và xuống cấp. Bước chân vào đã thấy bốc mùi khai, hôi nên học sinh thường phải nín thở, bịt mũi. Những ngày mưa lép nhép bẩn, sợ nhất là học sinh “đi nặng” vương bẩn ra ngoài. Xả nước hỏng, vòi rửa tay cũng không mở được, có hôm vài ba ngày sau mới được sửa.

“Con bé nhà mình thường xuyên nhịn ở trường để về nhà đi vệ sinh . Nó kể, một số học sinh ý thức kém, “đi nặng” không giội nước nên khi bước vào, nhiều học sinh khác sợ quá, đều chạy mất. Chứng kiến cảnh tượng này một lần, nó cứ bị ám ảnh mãi”- chị Hải chia sẻ.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại một số trường học đã xây dựng từ nhiều năm trước như Tiểu học Thành Công B, Trường THCS Đoàn Kết, THCS Tân Triều (Hà Nội)… với thiết kế cũ, còn tình trạng ngấm nước, tắc cống, vòi hỏng.

Nhà vệ sinh tại nhiều trường học thuộc các quận ngoại thành Hà Nội đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.

Nhà vệ sinh tại nhiều trường học thuộc các quận ngoại thành Hà Nội đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.

Tại Trường THCS Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhà vệ sinh luôn trong tình trạng vừa bẩn, vừa tắc. Học sinh trường này cho biết, mỗi giờ ra chơi, sàn nhà vệ sinh đều ướt bẩn do các bạn rửa tay và giội nước. Giấy vệ sinh cũng vứt không đúng chỗ rất nhếch nhác.

Tại Trường THCS Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), mỗi tầng đều có 1 khu vệ sinh riêng nhưng sàn nhà vệ sinh được xây dựng theo kiểu cũ hầu hết đều đã ố vàng, cáu bẩn, van xả nước bị hỏng nên bước vào khu vệ sinh dành cho học sinh nam đã thấy bốc mùi đặc trưng.

Nguyễn Trung Dũng, một học sinh khối lớp 8 cho biết: “Bất đắc dĩ lắm em mới phải đi vệ sinh ở trường. Mỗi lần vào nhà vệ sinh đều phải nín thở, bịt mũi để cho nhanh. Em thường tranh thủ đi ở nhà trước khi đi học hoặc nhịn đến khi tan học và hạn chế uống nước vào buổi sáng”.

Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức-Hà Nội) có gần 1.200 học sinh nhưng chỉ thiết kế 2 nhà vệ sinh nên tình trạng “quá tải” luôn xảy ra vào các giờ ra chơi. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, ngoài chuyện nhà vệ sinh ám mùi, tắc bẩn do học sinh rửa tay, xả nước bừa bãi thì muốn được vào đi vệ sinh trong giờ ra chơi, các con còn phải xếp hàng. Thời gian ra chơi ngắn, số lượng học sinh đông nên có những thời điểm, học sinh xếp hàng chưa đến lượt đã phải vào lớp vì giờ giải lao đã hết.

Trường Tiểu học B thị trấn Văn Điển cũng có 1.200 học sinh theo học bán trú nhưng cả trường chỉ có 6 phòng vệ sinh cho cả nam và nữ. Với lượng học sinh đông, nhà vệ sinh được xây dựng cách đây hàng chục năm, xuống cấp, đường cấp nước không đảm bảo nên ngoài bốc mùi còn bị nứt tường, thấm dột. Theo khảo sát của phóng viên, dù nhiều trường học có khu nhà vệ sinh được xây mới, hiện đại, khang trang, đạt chuẩn nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chí sạch.

Đơn cử như tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Trường Tiểu học Kim Liên… tại khu nhà vệ sinh dành cho nam, do các con vẫn chưa duy trì được thói quen xả nước sau khi đi vệ sinh nên vào giờ cao điểm, mùi khai vẫn còn đậm đặc trong không khí.

Theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh trường học, bình quân từ 100 - 200 học sinh trong 1 ca học phải có 1 nhà vệ sinh. Với các trường tổ chức bán trú, nội trú đảm bảo bình quân 25 học sinh có 1 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, với quy mô phổ biến trên dưới 1.000 học sinh, thậm chí có trường lên tới con số gần 1.800 học sinh, khu vệ sinh ở các trường học tại Hà Nội chưa bao giờ đủ đáp ứng chuẩn tối thiểu. Vào giờ ra chơi, với cả hàng nghìn học sinh có mặt ở trường, mỗi lớp trung bình có vài học sinh đi vệ sinh thôi cũng đủ khiến nhà vệ sinh quá tải.

Đó là chưa kể, phần lớn trường học của Hà Nội đều xây dựng lâu năm, thiết bị nhà vệ sinh, nước lại thường xuyên hư hỏng, thiếu thốn, bất tiện. Thực tế này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an khi con học bán trú cả ngày ở trường nhưng nhà vệ sinh không đảm bảo. Trong khi đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, việc uống ít nước hay nhịn tiểu kéo dài đều có nguy cơ dẫn tới tới nhiều hệ lụy về sức khỏe của con trẻ.

40% nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8-2018, cả nước có trên 90.451 nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 60% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ, mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu sử dụng (số lượng bệ xí và chỗ rửa tay còn thiếu), không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Riêng tại Hà Nội, hiện có 2.149 trường phổ thông công lập, trong đó có 1.669 trường có hệ thống nhà vệ sinh cơ bản đạt tiêu chuẩn, đạt tỷ lệ 78%.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: Những năm gần đây, nhà vệ sinh trường học được cải thiện nhiều nhưng một số nơi còn vẫn bẩn, chưa thực sự đảm bảo yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Kể cả ở trường được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, hạ tầng thì tình trạng nhà vệ sinh có mùi hôi hoặc giấy rác vứt bừa bãi vẫn xuất hiện.

Theo ông Bình, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là nguồn nhân lực thường xuyên làm vệ sinh vẫn chưa đủ và ý thức trách nhiệm của người làm công tác vệ sinh đôi lúc còn qua loa, đại khái. Các vật dụng, nước rửa phục vụ cho việc dọn vệ sinh như dụng cụ, chất tẩy rửa có thể không đảm bảo dẫn tới nhà vệ sinh không được tẩy rửa sạch sẽ một cách thường xuyên.

Bên cạnh đó, số lượng học sinh quá đông trong khi nhà vệ sinh lại quá ít, không đảm bảo quy chuẩn, giờ ra chơi lại ngắn dẫn đến tình trạng quá tải. Đã quá tải thì khó có thể giữ nhà vệ sinh luôn luôn sạch sẽ. Và cuối cùng là ý thức học sinh lại không được tốt, trách nhiệm cộng đồng còn hạn chế, đôi lúc chỉ nghĩ cho mình mà không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Cùng với đó, các trường chưa có đầy đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nhà vệ sinh đạt chuẩn là phải có đo lường theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Xây dựng. Tức là có 2 số liệu để đo đếm, thông số thứ nhất là quy cách xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng như có kiên cố hóa hay không. Tiêu chuẩn thứ hai là hợp vệ sinh theo quy định Thông tư 13 của Bộ Y tế. Nếu tính theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng 60% nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Như vậy, cả nước hiện vẫn còn khoảng 40% nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn. Cũng theo ông Phạm Hùng Anh, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2018-2019, cả nước đã bổ sung thêm 60.000 công trình vệ sinh trường học các loại. Trong đó, ngoài việc bổ sung, sửa chữa, xây mới khu vệ sinh, khâu tổ chức quản lý, sử dụng, làm vệ sinh khi sử dụng cũng được nhiều địa phương chú trọng.

Tại Hà Nội, để đảm bảo chất lượng nhà vệ sinh được duy trì tốt, một số quận như Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy đã sử dụng kinh phí của quận để thuê dịch vụ riêng quản lý, khai thác nên nhà vệ sinh của hầu hết các nhà trường trên địa bàn nhìn chung đều đảm bảo sạch sẽ. Một số nhà trường cũng đã sử dụng nguồn kinh phí từ xã hội hóa ký hợp đồng với bảo vệ, giao luôn nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh hoặc thuê nhân viên dọn dẹp vệ sinh hằng ngày. Cùng với đó, nhiều trường học cũng đã tổ chức phong trào nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh trong việc sử dụng nhà vệ sinh.

Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất cũng thừa nhận: Thực tế kiểm tra tại các cơ sở giáo dục cho thấy, có tình trạng nhà vệ sinh tuy đạt chuẩn nhưng vẫn không sạch và chưa thân thiện. Điều này cho thấy, việc đầu tư nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn chưa thể giải quyết được nhà vệ sinh có đảm bảo vệ sinh hay không. Quan trọng chính là khâu tổ chức quản lý, sử dụng và làm vệ sinh. Để nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, nhất thiết phải có người dọn dẹp. Tuy nhiên, không phải nhà trường nào cũng đủ kinh phí để trang trải khoản chi này. Trong khi đó, quy định không cho phép Hội cha mẹ học sinh được thu tiền vệ sinh nên nhà trường đã khó càng thêm khó.

“Nhà vệ sinh trường học mang tính đặc thù vì tần suất học sinh sử dụng rơi vào một thời điểm. Nếu một trường học có 1.500 em cùng nghỉ giải lao, số học sinh vào nhà vệ sinh rất lớn, nếu ý thức của học sinh sử dụng trước không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến những học sinh sử dụng sau”- ông Phạm Hùng Anh chia sẻ.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/dung-de-nha-ve-sinh-truong-hoc-la-noi-so-hai-cua-hoc-sinh-562819/