Đừng để những thứ kinh dị như 'Thử thách Momo' thành nỗi ám ảnh trẻ thơ

Những ngày gần đây, nhiều bậc cha mẹ quay cuồng vì thông tin lan truyền về Momo Challenge hay 'Thử thách Momo' kinh dị xuất hiện từ những video trên YouTube Kids, mà rất có thể những đứa con nhỏ của họ đã ít nhất một lần mở xem trên điện thoại, máy tính bảng hay TV Internet.

Từ "Thử thách Momo" kinh dị

Momo thực tế là tác phẩm có tên gốc Mother Bird, được chế tác bởi nhà điêu khắc Keisuke Aiso vào năm 2016, trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Tokyo, Nhật Bản về những câu chuyện kinh dị. Cái tên Momo chỉ xuất hiện khi hình ảnh Mother Bird được lan truyền trên mạng.

Quái vật Momo

Theo Telegraph, "Thử thách Momo" (Momo Challenge) bị phát hiện chèn trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite. Trào lưu kinh dị này được cho là có nguồn gốc từ Anh, trong đó những đoạn video có chứa hình ảnh một người phụ nữ mang hình hài đầu người, mình chim, tóc đen, mắt lồi hướng dẫn cách tự làm hại bản thân.

Nhiều trường ở Anh cảnh báo phụ huynh về nhân vật Momo xuất hiện trong các video dành cho trẻ. Một tờ báo ở Indonesia cho biết một cô bé đã tự tử sau khi tham gia Thử thách Momo trên WhatsApp.

Trang DailyMail cho biết, cô bé Callie ở Anh hoảng loạn đến mức đập đầu vào tường, không dám đi vệ sinh một mình và nằm mơ thấy ác mộng sau khi tiếp xúc với Momo. Tương tự, một bé gái 5 tuổi khác cũng tại Anh đã tự cắt tóc mình sau khi nghe theo Momo. Ngoài ra là 2 trường hợp tự sát của các em bé 12 và 16 tuổi ở các quốc gia Châu Mỹ sau khi nhắn tin trên ứng dụng Whatsapp với tài khoản có tên Momo.

Thử thách Momo đã tràn từ WhatsApp sang YouTube và YouTube Kids núp bóng dưới các video hoạt hình. Và dù cho nhiều tờ báo nói rằng Momo chỉ là trò lừa bịp, một câu chuyện gây sốc của những kẻ xấu và được thổi phồng bởi truyền thông, thì rõ ràng "Thử thách Momo" hay nhiều nội dung xấu độc khác vẫn đang tồn tại ngay trên YouTube Kids (nền tảng YouTube tùy biến dành riêng cho trẻ em của Google) hù dọa và gây ra những tổn hại tinh thần cho trẻ.

Đến nhiều nội dung độc hại trên YouTube

Đã có nhiều báo cáo cho thấy, không ít video trên cả YouTube lẫn YouTube Kids có nội dung xấu độc được lồng ghép vào các video "nhái" phim hoạt hình Spider Man, Peppa Pig, Mickey,...

Bác sĩ nhi Free Hess, một người mẹ ở Florida (Mỹ) cho biết, cô đã thấy một video hướng dẫn trẻ em cách tự sát bởi người đàn ông đeo kính râm với con dao tưởng tượng. Hess cũng cho biết thêm rằng, khi lần theo nền tảng này, không chỉ video hướng dẫn tự tử mà còn rất nhiều nội dung độc hại khác như lạm dụng tình dục, buôn người và bạo lực...

"Tôi rất lo lắng vì nhiều phụ huynh quá bận rộn, không xem kỹ các video hoạt hình khiến con gặp nguy hiểm từ Internet", Hess chia sẻ trên Washington Post.

Theo The Guardian dẫn lời chuyên gia James Bridle, các đoạn phim dạng "Thử thách Momo" được lồng ghép vào phim hoạt hình Peppa Pig, chuột Mickey bị tra tấn dã man hay đoạn khiêu dâm trá hình gán ghép với nàng công chúa Disney rất dễ tìm thấy trên ứng dụng YouTube Kids.

Thực tế những video ca nhạc nhại lời, những câu chuyện nhảm, ngôn ngữ bình luận game, cảnh bạo lực gắn với các nhân vật hoạt hình nổi tiếng,... nhằm thu hút lượt xem và kiếm tiền vô hình trung đã gây ra nỗi ám ảnh, tác động rất xấu đến trẻ nhỏ. Chuyên gia sức khỏe tâm thần từ Trung tâm David Lawrence cho biết, điều này có thể gây ra tác động tâm lý lâu dài và gây ám ảnh với trẻ em, đặc biệt nguy hại với những đứa trẻ có xu hướng tự làm hại bản thân.

Chúng ta không hiếm gặp những đứa trẻ ở cả nông thôn lẫn thành thị dùng điện thoại di động hay máy tính bảng thoăn thoắt lướt YouTube, thậm chí còn thạo hơn cả bố mẹ chúng. Điều đó cũng đồng nghĩa, những đứa trẻ đang tiếp xúc với một "thế giới" mà mặt trái của nó không dễ dàng ngăn chặn được chỉ bằng các ứng dụng kiểm soát, cài đặt bộ lọc một cách đơn thuần.

Cách nào bảo vệ trẻ em trước các mối đe dọa như Momo?

Theo các chuyên gia, các bậc phụ huynh cần theo sát hoạt động trực tuyến của con cái mình để bảo vệ chúng khỏi các mối đe dọa gây ra từ thế giới Internet.

The Guardian cho biết, phần lớn video trên YouTube Kids là lành mạnh, nhưng cũng không ít những thứ tệ hại hoặc ngớ ngẩn. Rất nhiều video cho trẻ em được tải lên có chất lượng thấp. Và trước khi chờ đợi Google có thể ngăn chặn được các video có nội dung độc hại (điều gần như là không thể) thì chính các bậc cha mẹ cần có cách bảo vệ con mình.

Sẽ không thừa khi dạy cho trẻ những quy tắc cơ bản về việc sử dụng Internet an toàn trước khi chúng tự phát hiện ra bất cứ điều nguy hiểm gì trên mạng, từ đó giúp trẻ tự tin đối phó khi xuất hiện các mối đe dọa.

Nên thường xuyên trò chuyện với trẻ để trẻ biết rằng chúng có thể tin tưởng và tâm sự với người lớn nếu chúng gặp phải điều không tốt khi sử dụng Internet. Cần cho con biết rằng, những người xuất hiện trên mạng không phải lúc nào cũng trung thực về bản thân và những gì họ muốn.

Cha mẹ cần kích hoạt cài đặt an toàn như: tắt chế độ tự động phát và có thể cài đặt các ứng dụng kiểm soát để ngăn trẻ em xem nội dung không phù hợp. Ngoài ra, cũng cần dành thời gian xem cùng con, chọn ra những trang web phù hợp cho trẻ và giải thích lý do lựa chọn trang đó.

Cuối cùng, điều dễ dàng nhất với các bậc phụ huynh là loại bỏ YouTube và YouTube Kids khỏi mọi thứ, từ điện thoại di động, TV internet, máy tính bảng... đồng thời hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các thiết bị này cho đến khi mọi thứ có thể được kiểm soát. Ngoài ra, có thể cho trẻ xem phim hoạt hình trên các dịch vụ an toàn hơn như các kênh truyền hình dành cho thiếu nhi.

Anh Tuệ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-de-nhung-thu-kinh-di-nhu-thu-thach-momo-thanh-noi-am-anh-tre-tho-117001.html