Đừng để nước mắt mẹ tuôn rơi

Đối với các bậc sinh thành, điều hạnh phúc nhất là con cái ngoan hiền, thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều người cha, người mẹ lại phải chịu khổ đau vì những đứa con hư, bất hiếu.

Khốn khổ vì con nghiện ngập...

Nhiều năm nay, tháng nào bà L.T.K, ở huyện Cư Jút (Đắk Nông), cũng lên thăm đứa con trai Tr.V.L (SN 1990) đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Đắk P’lao (Đắk Glong). L bị kết án 7 năm tù vì tội "Buôn bán trái phép chất ma túy".

Trại giam Đắk P'lao (Đắk Glong) có nhiều phạm nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang chấp hành án phạt tù

Theo bà K, bà có 5 đứa con. L là con thứ hai trong gia đình. Hồi nhỏ L ngoan ngoãn, biết vâng lời bố mẹ. Tuy nhiên, khi đang học THCS, L bắt đầu hư hỏng.

L bỏ bê học hành, theo đám bạn xấu lêu lổng, trộm cắp. Một thời gian sau, gia đình mới biết L nghiện ma túy.

Khi sa vào nghiện ngập, L bắt đầu lấy trộm đồ trong nhà đi bán để lấy tiền hút chích ma túy. Khi gia đình không còn gì để lấy, L đi trộm của hàng xóm.

Để thỏa cơn nghiện, L còn tham gia buôn bán trái phép chất ma túy. Trong một lần đang trên đường đi giao hàng, L bị lực lượng công an bắt quả tang, bị khởi tố và bị phạt tù.

Sau khi ra tù, những tưởng L sẽ tu chí làm ăn, nhưng “chứng nào tật ấy”, L vẫn nghiện ngập và tiếp tục phạm tội buôn bán trái phép ma túy. Lần này, L bị kết án nặng hơn, tới 7 năm tù.

Bà K gạt nước mắt cho biết, gia đình bà khốn khổ vì đứa con hư này. Nhà chỉ làm nông, cần cù chịu khó lắm cũng chỉ đủ ăn. Từ khi con sa vào tệ nạn, hư hỏng, gia đình vô cùng khó khăn.

Mấy năm trở lại đây, chồng bà lại ốm nằm một chỗ, nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Dù rất giận con, nhưng bà vẫn thường xuyên lên trại giam thăm L

"Dù chỉ có vài gói mỳ tôm, vài trái cây trong vườn, tôi vẫn muốn dành cho nó. Đó là tình mẫu tử. Mong lần này nó hối cải mà làm người”, bà K ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ, chị M, trú tại TP. Gia Nghĩa, có 2 con trai sa vào tệ nạn ma túy. Chị M ly dị chồng từ khi con còn nhỏ. Dù khó khăn, song chị vẫn tần tảo buôn bán, chắt chiu nuôi 2 con khôn lớn.

Do bận bịu làm ăn, chị ít có thời gian để ý đến con. Cho đến một ngày, chị chết lặng khi công an phường gửi giấy triệu tập để làm việc vì 2 con trai dính vào ma túy.

Trong đó, người con trai cả phạm tội buôn bán ma túy, bị khởi tố, phạt tù. Sau khi bị kết án, vợ của con trai cả cũng bỏ đi, để lại 3 cháu nhỏ cho chị M nuôi.

Chị đã khổ lại càng khổ hơn, khi tuổi ngày càng cao, nhưng vẫn phải tần tảo đủ đường để nuôi 3 cháu nhỏ và vào trại giam thăm con khi có điều kiện.

Tán gia bại sản vì con...

Ở TP. Gia Nghĩa nhiều người biết đến hoàn cảnh của gia đình chị M. Vợ chồng chị là cán bộ công tác tại cơ quan Nhà nước, gia đình thuộc hàng khá giả.

Vợ chồng anh sinh được 2 con, một trai, một gái, rất hạnh phúc. Sau khi tốt nghiệp đại học, con trai được nhận vào công tác tại một đơn vị vũ trang trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Những tưởng khi có công ăn việc làm ổn định, con trai sẽ tu chí, làm người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cho đến một ngày, chị chết lặng khi biết con trai ham cờ bạc và nợ nần hàng tỷ đồng.

Để giữ thể diện cho gia đình, vợ chồng chị xoay xở trả hết nợ cho con. Tưởng sau sự việc này, con trai sẽ từ bỏ cờ bạc, tu chí với công việc.

Nhưng “ngựa quen đường cũ”, cậu ta lại tiếp tục lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng nhiều hơn. Khi biết số tiền nợ của con lên tới hàng chục tỷ đồng. Chị đã sốc nặng, ốm liệt giường.

Mặc dù đã phải bán hết tài sản, nhưng chị vẫn không thể trả nợ hết cho con. Riêng “cậu ấm” thì trong một lần tham gia cá độ đã bị lực lượng công an bắt, khởi tố.

Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử nhiều vụ án liên quan đến cá độ bóng đá và ma túy

Cũng tại TP. Gia Nghĩa, nhiều người tiếc thương hoàn cảnh gia đình của chị Đ. Vợ chồng chị có đứa con trai tên H rất hư hỏng, hỗn láo với bố mẹ. Ngay từ khi học THCS, cậu này đã ham mê trò chơi điện tử, bỏ bê việc học hành.

Sau nhiều lần bỏ học không lý do, H bị nhà trường đuổi học. Dù gia đình khó khăn, nhưng H vẫn đua đòi, bắt bố mẹ mua cho xe máy đắt tiền, điện thoại hàng chục triệu đồng.

Bị đuổi học, H càng hư hỏng hơn. H thường lêu lổng với những đối tượng xấu, rượu chè, cờ bạc suốt ngày và lâm vào nợ nần. Cho đến khi “xã hội đen” đến nhà đòi nợ, cha mẹ H mới tá hỏa.

Chịu không thấu với đứa con hư, chị Đ bán nhà, bán rẫy trả nợ cho con rồi về quê sinh sống. Riêng H, sau một lần tham gia đánh người gây thương tích đã bị rơi vào vòng lao lý.

...Nhưng không bao giờ bỏ rơi con

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, có một thực tế đáng báo động là tội phạm ngày càng trẻ hóa. Trong đó, tội phạm về ma túy có tuổi đời trung bình là 32 tuổi. Tội phạm về đánh bạc chủ yếu cũng là tầng lớp thanh niên.

Các đối tượng tội phạm này thường để lại nhiều nỗi đau cho gia đình. Trong đó, người mẹ thường phải gánh chịu nhiều đau khổ nhất khi con cái bước vào lầm lỗi.

Qua các vụ án cho thấy, dù con cái có phạm tội, thậm chí phạm trọng tội, nhưng chưa có người mẹ, người cha nào bỏ rơi con. Nhiều người mẹ thậm chí còn muốn hy sinh, chịu tội thay cho con.

Có những vụ án khi con cái sa vào cờ bạc, nghiện ngập dẫn đến nợ nần với số tiền rất lớn. Thế nhưng, thay vì bỏ rơi con, nhiều người mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhận bán hết tài sản, của cái để trả nợ cho con.

Chính vì vậy, khi lỡ sa vào tệ nạn, thói xấu, con cái hãy biết dừng lại khi chưa quá muộn. Hãy là những đứa con ngoan trước khi trở thành người có ích trong xã hội, đừng để nước mắt người mẹ phải tuôn rơi.

Hoàng Thanh

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dung-de-nuoc-mat-me-tuon-roi-148303.html