Đừng để phải ăn bẩn, uống bẩn rồi… xét nghiệm miễn phí

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế sẽ tư vấn xét nghiệm miễn phí cho người dân đang sinh sống tại các quận thuộc khu vực nội thành, trước mắt tập trung vào khu đông dân cư, trường học, bệnh viện bị ảnh hưởng bởi vụ nước bẩn của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà.

Cụ thể, Viện sức khỏe nghề nghiệp môi trường sẽ xét nghiệm miễn phí mẫu nước sinh hoạt theo chỉ tiêu giám sát nước mức độ A (15 chỉ tiêu) cho người dân đang sinh sống mà chịu ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm nước Sông Đà.

Nguồn nước nhiễm bẩn của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà.

Bên cạnh đó, Viện cũng phối hợp với CDC Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư nước Sông Đà tổ chức 3 đoàn xét nghiệm và tư vấn lưu động làm việc trực tiếp tại các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Hình thức hoạt động của mỗi đoàn sẽ là lấy mẫu, test nhanh, tư vấn trực tiếp.

Phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội xét nghiệm chuyên sâu, đánh giá chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của các khu đô thị, trường học, bệnh viện, các nguồn cấp nước.

Sau vụ việc nước bẩn xảy ra, người dân được đi xét nghiệm miễn phí khiến chúng ta liên tưởng ngay đến vụ cháy nhà máy Rạng Đông trước đó.

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông khiến lượng lớn thủy ngân độc hại phát tán ra môi trường và người dân cũng được khuyến cáo đi xét nghiệm… miễn phí.

Song vấn đề cần nói tới là hai vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên phạm vi lớn xảy ra và điểm chung của hai vụ việc là chính quyền đều chỉ đưa ra khuyến cáo sau khi người dân đã ăn, uống nước nhiễm độc.

Và động thái sau khi ăn, uống nước nhiễm độc là xét nghiệm, tư vấn sức khỏe miễn phí.

Với vụ việc cháy nhà máy Rạng Đông, hàng nghìn người ùn ùn đi xét nghiệm xem có nồng độ thủy ngân trong máu.

Còn vụ việc nhà máy nước Sông Đà nhiễm bẩn, cơ quan quản lý chưa hẳn đưa ra khuyến cáo người dân cần đi khám sức khỏe, xét nghiệm tìm lượng Styren song nếu người dân có nhu cầu thì sẽ được xét nghiệm… miễn phí.

Tuy nhiên, người dân cho rằng không cần những động thái có phần “chạy theo” này của cơ quan chức năng, điều họ cần là các biện pháp chủ động để bảo vệ sức khỏe của người dân, không đợi sự việc xảy ra mới xử lý.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội ngày 15/10, trong các mẫu nước Sông Đà xét nghiệm đều có hàm lượng styren vượt mức cho phép từ 1,3-3,65 lần.

Styren là chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C. Đây là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu. Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, giới hạn cho phép đối với styren là 20 μg/lít nước.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định nguồn nước có nồng độ styren vượt ngưỡng chắc chắn gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng.

Theo chuyên gia này, styren là chất lỏng có khả năng tạo thành hỗn hợp khí gây nổ lớn nếu cất giữ trong các thùng rỗng và có chứa nhiều tạp chất, gây ô nhiễm môi trường. Hơi styren rất nguy hiểm, gây kích ứng mạnh với da và mắt. Hít phải hơi styren sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dung-de-phai-an-ban-uong-ban-roi-xet-nghiem-mien-phi-113578.html