Đừng để tình trạng đi xin, chạy Huân chương

Khi khen thưởng trở nên nhàm chán và hình thức, cần thay đổi lại căn bản về nội dung Luật Thi đua- Khen thưởng.

Sáng 30/7, Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi)".

TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Tùng Mậu cho biết, Luật Thi đua khen thưởng là rất cần thiết trong quá trình phát triển đất nước hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật, đã phát hiện những vấn đề còn tồn tại.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đề cập tới vấn đề phân cấp trong khen thưởng. Trong thời gian vừa qua, việc phân cấp trong khen thưởng đã hiện diện ở các cấp nhưng chưa rõ ràng. Các nội dung đã được khen thưởng ở cấp dưới thì cấp trên không cần xét duyệt quan tâm nữa.

Vì thế, các nội dung về phân cấp cũng cần phải được làm rõ ràng, cụ thể về mục tiêu, tiêu chí xét duyệt... Tiêu chí khen thưởng càng rõ ràng, minh bạch thì công tác khen thưởng càng hiệu quả. Bên cạnh đó, phải xem xét việc phân cấp thi đua như thế nào cho thiết thực, phát huy được tính thi đua và ý nghĩa khen thưởng.

KS. Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng góp ý từ một khía cạnh khác. Theo đó, để bổ sung, góp ý cho một Luật cần phải có một bản tổng kết chung nhất về đánh giá thực trạng, ưu điểm, bất cập của Luật đó. Căn cứ vào đó để đưa ra các sửa đổi thiết thực để đưa Luật vào cuộc sống.

Như vậy, để góp ý dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng, cần phải có bản Tổng kết của Bộ Nội vụ về đánh giá 15 năm thực hiện Luật này, nêu rõ ưu điểm, thực trạng, tồn tại để đưa ra các góp ý thiết thực. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, là cơ sở để triển khai sửa đổi luật bổ sung nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng của Luật là phát huy hiệu quả của tổ chức, cá nhân trong lao động sản xuất.

Ông Hùng cho rằng, thực trạng hiện nay về thi đua, khen thưởng là thi đua theo hình thức, nhiều loại hình khen thưởng đại trà không có tác dụng thi đua, tình trạng chạy theo thành tích, chạy cờ, chạy Huân chương... Đây là tình trạng khen thưởng tràn lan, quá nhiều. Các dịp cuối năm, kỷ niệm, các đơn vị, tổ chức đều được trao một số lượng lớn bằng khen, cờ. Nhiều cơ quan, tổ chức không còn chỗ để treo bằng khen.

Ông Hùng đặt câu hỏi, liệu có trường hợp rửa tiền qua các giải thưởng hay không và nhấn mạnh, hiện tượng này là đáng lo ngại, dẫn tới sự nhàm chán, mất tác dụng của thi đua, khen thưởng. Đến lúc chúng ta phải đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

Về các nội dung mới được bổ sung trong thi đua, khen thưởng như khen thưởng cấp Nhà nước đối với Tổng Cục, Đại học Quốc gia, Doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn kinh tế..., ông Hùng cho rằng, điều này là không cần thiết.

"Các đơn vị này chỉ cần để dưới cơ sở khen thưởng, không cần tới khen thưởng cấp Nhà nước. Cơ chế thị trường đã thay đổi rất nhiều, cần trao quyền cho cơ sở nhiều hơn, bao gồm cả cơ chế về thi đua, khen thưởng" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

TS. Trần Ngọc Hùng đề xuất, cần phân cấp triệt để câu chuyện khen thưởng. Nhà nước tập trung khen thưởng những vấn đề lớn theo đánh giá của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh; những vấn đề khác nên trao cơ chế để các cơ sở tự đưa ra hình thức thi đua, khen thưởng sao cho phù hợp.

Bên cạnh cơ chế, các tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng cũng rất cần phải thay đổi. Có những tiêu chí thi đua, muốn nhận Huân chương Độc lập hạng 3 thì phải 10 năm sau khi hoàn thành Huân chương Lao động hạng Nhất; muốn lên hạng 2 thì phải 10 năm được Huân chương Độc lập hạng 3... Trong 10 năm đó thì phải có 2, 3 lần nhận cờ được Chính phủ trao tặng, 1 bằng khen...

"Những con số tiêu chí như vậy không có tác dụng gì trong việc động viên, khuyến khích. Phải làm sao để khen thưởng dựa trên cơ sở thành tích, thành tựu công việc, chứ không phải ngồi cộng đếm bằng khen" - vị chuyên gia nhận định.

Ông Hùng cũng cho rằng, cần đổi mới các thủ tục xét duyệt khen thưởng bởi đã ghi nhận tình trạng hạch sách, gây phiền hà, yêu cầu các giấy tờ, thủ tục để được khen thưởng dù các giấy tờ công văn cần thiết đã có đầy đủ.

Quan điểm phân cấp khen thưởng cũng được nhiều đại biểu tại Hội thảo ủng hộ.

TS. Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng Hội xây dựng.

Góp ý tại hội thảo, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, trong công tác thi đua khen thưởng đặt mục tiêu: người người thi đua, nhà nhà thi đua.

Do đó, Thủ trưởng các cơ quan cần có hình thức khen thưởng phù hợp với bối cảnh và trách nhiệm của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh, địa bàn của đơn vị đó.

"Không nên ôm tất cả các hình thức khen thưởng vào trong một Luật. Ở đây là câu chuyện phân cấp. Luật chỉ nên quy định về danh hiệu danh dự của Nhà nước, Chính phủ hoặc thấp hơn nữa là cấp Bộ, UBND tỉnh trao tặng cho tập thể, cá nhân. Còn các danh hiệu danh dự ở các cấp thấp hơn thì nên có cơ chế phân cấp cho Thủ trưởng các đơn vị đó. Có như vậy, công tác thi đua, khen thưởng mới đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội" - ông Phạm Sỹ Danh nhấn mạnh.

Ông Danh cho rằng, hiện nay, Huân chương, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương... đều quy định hết trong Luật thì rất rối rắm, đồng thời lại gây nên các thủ tục, hạch sách khác trong khâu tổ chức thực hiện.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, cần quy định về khen thưởng sao cho có tác dụng thực sự. Khen thưởng không có tác dụng động viên, không có tác dụng thi đua mà chỉ lấy thành tích mà chỉ "xếp hàng nhận thưởng" sẽ không mang lại hiệu quả gì.

Nhắc lại quan điểm cần có đánh giá việc thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng trước khi góp ý xây dựng sửa đổi luật này, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội bổ sung, việc giảm bớt đối tượng của Luật Thi đua - Khen thưởng cũng rất cần thiết.

"Thay vì đưa thêm đối tượng được khen thưởng vào Luật, cần tạo cơ chế để các cơ sở tự đưa ra các hình thức khen thưởng phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động đóng góp, cống hiến cho đơn vị. Thu gọn lại danh hiệu thi đua, khen thưởng của Nhà nước, tập trung vào khen thưởng các cá nhân.

Bên cạnh đó, khen thưởng phải có tiêu chí rõ ràng, đánh giá đúng thành tích, đóng góp của cá nhân, tập thể đó.

Phân cấp khen thưởng là quan điểm đúng đắn, tạo ra phong trào thi đua riêng. Đừng để tạo nên hiện tượng cơ sở đi xin, đi 'chạy' lấy Huân chương" - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/dung-de-tinh-trang-di-xin-chay-huan-chuong-3384727/