Đừng để trẻ bế tắc, tuyệt vọng trong vòng xoáy bạo lực học đường

Đánh hội đồng, bè phái, nói xấu, trấn lột… là những hành vi bạo lực học đường đã âm ỉ từ lâu trong trường học, nhưng đã bị người lớn bỏ qua cho rằng đó là 'sự nổi loạn của tuổi dậy thì'. Bạo lực học đường đã và đang tác động đến giới trẻ với những tổn thương sâu về mặt tâm lý, dẫn tới những biểu hiện stress, trầm cảm, tự làm hại bản thân… Khi bế tắc trong giải pháp giải quyết xung đột, có những em đã chọn cách tự kết thúc cuộc sống của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội-Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội-Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

NỖI TUYỆT VỌNG ĐẾN TỪ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Ngày 16/4, một nữ sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh đã chọn cách kết thúc cuộc sống của mình sau một thời gian bị bạo lực học đường. Trước khi dẫn tới cái kết đau lòng này, cô bé đã tâm sự với mẹ, bày tỏ sợ hãi không muốn đi học, muốn xin chuyển lớp. Người mẹ đã đến trường xin cho con chuyển lớp để tránh những hậu quả đáng tiếc. Chỉ tiếc, động thái của nhà trường đã chậm. Áp lực vì bị bạn bè tiếp tục bắt nạt, khiến cô bé chọn cách giải quyết tiêu cực tự tử.

Một tuần trôi qua, sự ra đi của nữ sinh này vẫn là một đề tài nóng được bàn luận nhiều trên mạng xã hội. Nỗi xót xa vì sự ra đi của một cô gái trẻ ở tuổi đời rực rỡ nhất chỉ vì bạo lực học đường ở một lớp chọn, tại trường chuyên càng khiến dư luận hồ nghi về môi trường học đường ngày nay.

Thì ra, bạo lực học đường, không chỉ là những cuộc đánh nhau tập thể, bạo lực về mặt thể chất, xảy ra ở những học sinh cá biệt, ở một trường ở chất lượng giáo dục ở bậc trung. Có rất nhiều thứ đang diễn ra ở nhà trường… có thể được gọi tên là bạo lực học đường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội-Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, sự việc tự tử của nữ sinh là một câu chuyện đau lòng tác động đến cả gia đình và nhà trường.

"Trước khi chọn dừng lại ở tuổi 15 trong đau đớn, nữ sinh đã có những biểu hiện bất thường và cả những tiếng kêu cứu… nhưng không được hồi đáp. Mọi thứ tưởng chừng đã được kiểm soát nhưng hậu quả đau lòng vẫn xảy ra do sự thiếu cẩn trọng của người lớn.

Chống bạo lực học đường như đạp xe lên dốc… Nếu chúng ta làm không đến nơi, buông tay giữa chừng thì xe sẽ tụt dốc và có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”, ông Nam bày tỏ xót xa.

Theo một báo cáo mới do UNICEF công bố năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới - ước tính khoảng 150 triệu - cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực chung quanh trường học.

Theo Phó Giáo sư Thành Nam, những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương cả về mặt thể chất những tinh thần. Sau khi bị bạo lực, bị bắt nạt, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, bất an và cầu cứu sự trợ giúp. Trong khi, kẻ bắt nạt luôn tìm cách để làm nạn nhân thêm sợ hãi, nạn nhân lại không được mọi người chung quanh hỗ trợ tâm lý, giúp đỡ một cách triệt để dẫn tới trạng thái tuyệt vọng và chọn cách tự sát.

Do đó, trong trường hợp của nữ sinh tự tử tại Vinh, chúng ta thấy sự thiếu ý thức và sự cam kết của các bên để giải quyết sự việc ngay từ đầu và vụ việc đã không giải quyết triệt để, đã dẫn đến những hậu quả không thể đảo ngược được.

Chuyện nữ sinh tự tử cho thấy trẻ đã trải qua nấc thang tột cùng của sự tuyệt vọng. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, còn rất nhiều trẻ bị bạo lực học đường, để lại những sang chấn tâm lý, những hệ lụy về mặt tinh thần, dẫn tới suy nghĩ tự hủy hoại bản thân...

NHẬN DIỆN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ, trước nay chúng ta quen với những dạng bạo lực hành động: bạo lực thể hiện qua hành vi, lời nói… thường được xem là bạo lực nóng. Nhưng cũng còn có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc… mà chúng ta có thể gọi tên là bạo lực lạnh.

Các loại hình bạo lực như thể chất, tinh thần, tình dục… gây nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe thể chất, tinh thần và thành tích học tập của các em.

Ảnh minh họa.

Theo ông Nam, thực tế hiện nay, bắt nạt thể chất giảm nhưng bắt nạt tinh thần tăng lên. Bạo lực trực tiếp có xu hướng giảm nhưng bạo lực trực tuyến có xu hướng tăng.

"Môi trường chung quanh chúng ta đang có quá nhiều chất liệu bạo lực. Các hình thức bạo lực đa dạng hơn (như bạo lực trực tuyến) mà không phải ai cũng nhận diện đúng đã bào mòn sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên… làm thay đổi chuẩn mực trong giải quyết các vấn đề. Có nhiều bạn trẻ chấp nhận sử dụng bạo lực khi giải quyết xung đột", ông Nam bày tỏ.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các điều tra gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Khoa Sức khỏe vị thành niên cũng đã tiếp nhận khám, điều trị cho không ít các em học sinh nung nấu ý định tự tử vì bạo lực học đường.

Đặc biệt, hiện nay việc xử lý theo hướng trừng phạt khắc nghiệt không những không làm giảm bạo lực học đường mà còn làm trầm trọng hơn và ẩn dấu hơn những nguy cơ bạo lực học đường.

Theo chuyên gia này, hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Về mặt cá nhân, đứa trẻ có thể gặp vấn đề sức khỏe khi sinh, đặc biệt ảnh hưởng nếu cha mẹ bị bệnh tâm thần. Trẻ có IQ thấp, khuyết tật khả năng xử lý thông tin và trí năng; khuyết tật khả năng học tập, học lực kém, không muốn học, thất bại trong chuyện học.

Có không ít trẻ có khả năng kiểm soát hành vi và tự kiềm chế kém; kém khả năng tập trung, hiếu động; dễ bị căng thẳng về xúc cảm; có những thái độ và suy nghĩ chống đối xã hội; có các hành vi bạo lực trong quá khứ; sử dụng ma túy, rượu và thuốc lá.

Trẻ có xu hướng bạo lực thường sinh ra từ gia đình có thu nhập và học lực thấp; cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp; bạo lực trong gia đình; cha mẹ thiếu quan tâm hay không tạo được quan hệ tình cảm với con cái; cha mẹ kém khả năng kiểm soát con cái; kém tình thân ái và nối kết trong gia đình…

Ở môi trường học đường, trẻ sẽ cảm thấy stress, trầm cảm vì những vấn đề bạo lực như bị thầy cô, ban giám hiệu, hay nhân viên nhà trường bạo hành, bạc đãi, đe dọa, làm nhục; bị bạn bè ruồng bỏ hắt hủi hay bắt nạt; không khí thù địch hay lề lối bất công trong lớp học…

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới bạo lực học đường ở trẻ chính là việc không ít người lớn sử dụng bạo lực để giải quyết các xung đột mâu thuẫn trong xã hội; tồn tại các giá trị và quy ước cổ vũ việc sử dụng bạo lực; ảnh hưởng văn hóa bạo lực từ các quốc gia và nền văn hóa khác…

Phó Giáo sư Trần Thành Nam phân tích, mạng xã hội hiện nay đang ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng, thế giới quan, giá trị sống của giới trẻ… Mạng xã hội đang làm lu mờ ranh giới đúng sai, tốt xấu. Thậm chí, chúng ta còn chấp nhận bạo lực như một giá trị và hành động chấp nhận được khi một người thể hiện sự ấm ức, muốn đòi hỏi quyền lợi của mình.

Trong khi đó, bạo lực học đường ngày càng khó bị phát hiện hơn, vì không có dấu vết thực thể. Có nhiều biểu hiện của bạo lực tinh thần trực tuyến mà nhiều người còn không nhận ra, hiểu nhầm là trêu ghẹo hoặc tán tỉnh nhưng thực tế, những biểu hiện này còn kinh khủng hơn vì nó không bị giới hạn bởi thời gian...

Bài 2: Thiết lập chế độ bảo vệ trẻ trước bạo lực học đường

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dung-de-tre-be-tac-tuyet-vong-trong-vong-xoay-bao-luc-hoc-duong-post749309.html