Dùng diều khổng lồ để kéo tàu hàng trên biển

Hãng sản xuất máy Airbus sẽ sử dụng công nghệ buồm mới hoạt động như một cánh diều khổng lồ để di chuyển tàu hàng chở linh kiện máy bay đi khắp thế giới nhằm cắt giảm chi phí logistic.

Sử dụng diều 500m2 để kéo tàu hàng

Hãng sản xuất máy bay Airbus sẽ sử dụng hệ thống Seawing để di chuyển tàu hàng chở linh kiện máy bay trên biển. Ảnh: Airbus

Tờ The Wall Street Journal ngày 8-9 cho biết Airbus sẽ lắp đặt một hệ thống buồm diều rộng 500m2 có tên gọi Seawing cho tàu chở hàng Ville de Bordeaux, một trong ba tàu hàng ro-ro (loại tàu thường để sử dụng để vận chuyển xe ô tô, rơ moóc, tòa tàu hỏa...) của Airbus. Về cơ bản, Seawing hoạt động như một dù lượn. Airbus kỳ vọng hệ thống Seawing sẽ giúp Airbus tiết kiệm chi phí nhiên liệu hơn 1 triệu euro mỗi năm đồng thời giúp cắt giảm khí thải carbon dioxide (CO2) khoảng 8.000 tấn mỗi năm.

Airbus đã thử nghiệm một phiên bản Seawing nhỏ hơn vào năm ngoái trước khi quyết định lắp đặt phiên bản rộng 500m2 cho tàu Ville de Bordeaux.

Hệ thống Seawing được phát triển bởi một nhóm kỹ sư từ công ty khởi nghiệp Airseas của Airbus. Ngoài cánh buồm diều, hệ thống này còn bao gồm các cảm biến thời tiết để báo cho thuyền trưởng biết thời điểm thuận tiện để triển khai buồm diều và cách chuyển hướng tàu để tận dụng sức gió. Một khi hệ thống được triển khai, thuyền trưởng có thể điều chỉnh giảm nhiên liệu cho động cơ trên tàu.

Thuyền trưởng có thể triển khai SeaWing bằng một thao tác đơn giản: Khi dòng chữ “Đề nghị triển khai Seawing” xuất hiện trên màn hình điều khiển của tàu, thuyền trưởng chỉ cần nhấn vào nút “On”, cánh diều khổng lồ sẽ bung ra và vươn lên bầu trời từ cánh cửa sổ trên đài chỉ huy của thuyền trưởng.

Sau khi được triển khai, hệ thống sẽ tự động thu thập và phân tích các dữ liệu khí tượng và đại dương theo thời gian thực để tối ưu hóa hoạt động trong khi bảo đảm mức an toàn tối đa. Khi trời hết gió, thuyền trưởng chỉ cần nhấn lệnh dừng triển khai để SeaWing sẽ tự động gấp lại và thu hồi vào tàu.

Benoît Lemonnier, giám đốc bộ phận vận tải và logistic của Airbus, cho biết tàu Ville de Bordeaux có trang bị hệ thống Seawing sẽ bắt đầu khởi hành vào năm 2021 để vận chuyển linh kiện máy bay từ châu Âu đến thành phố Mobile, bang Alabama (Mỹ), nơi Airbus đặt nhà máy lắp ráp một số dòng máy bay thân hẹp phổ dụng của hãng này.

Lemonnier nói rằng với sự hỗ trợ của Seawing, tàu hàng Ville de Bordeaux có thể cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu 20% trong mỗi hành trình và cắt giảm lượng phát thải CO2 tương đương với hành trình 13 ngày của tàu hàng trên biển. Chi phí cắt giảm trong các chuyến vận chuyển linh kiện máy bay sang Mỹ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của các dòng máy bay mà Airbus lắp ráp tại nhà máy ở thành phố Mobile.

Tạo ra cách mạng trong ngành vận tải biển?

Hệ thống Seawing là công nghệ có thể tạo ra cuộc cách mạng trong ngành vận tải biển. Nó được thiết kế đơn giản, cho phép dễ dàng tích hợp vào gần như mọi loại tàu vận tải thương mại. Việc lắp đặt hệ thống này có thể được tiến hành trong thời gian các tàu ghé cảng.

Vincent Bernatets, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Airseas có trụ sở ở TP. Toulouse (Pháp) nói: “Chúng tôi rất tự hào vì Airbus đã xác nhận niềm tin dành cho hệ thống SeaWing sau khi chứng kiến trực tiếp kết quả thử nghiệm trên tàu chúng tôi. Việc lắp đặt Seawing trên tàu hàng ro-ro đầu tiên sẽ mở ra các thỏa thuận tiên phong lắp đặt tiếp theo trên các tàu container, tàu chở hàng rời và tàu chở khách”.

Bernatets cho biết Airseas đã tiến hành các cuộc đàm phán với các công ty vận tải biển khác để sử dụng công nghệ buồm mới này. Airseas đang phát triển buồm diều rộng 1.000m2 để sử dụng cho các tàu hàng lớn.
Bernatets cũng tiết lộ Airseas đã ký kết ba thỏa thuận ghi nhớ với các công ty vận tải biển lớn để phát triển hệ thống Seawing cho các tàu vận tải của họ. Bernatets không nêu tên các công ty này nhưng cho biết Airseas đang đàm phán để chuyển các thỏa thuận này thành các hợp đồng chính thức. Airseas dự báo thời gian để hoàn vốn đầu tư cho hệ thống Seawing cho các tàu là sau 5 năm vận hành.

Hệ thống Seawing là một trong những công nghệ mới nhất mà các công ty vận tải biển đang sử dụng để ứng phó với chi phí nhiên liệu ngày càng tăng cao trong bối cảnh Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thực hiện các quy định nhằm giảm ô nhiễm trên biển. IMO, tổ chức thiết lập các tiêu chuẩn cho ngành vận tải biển, đang đặt mục tiêu tăng mức tiết kiệm nhiên liệu 30% cho đội tàu biển toàn cầu vào năm 2025 so với năm 2014.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278297/dung-dieu-khong-lo-de-keo-tau-hang-tren-bien.html