Đủng đỉnh đón...triều cường!

Theo dự báo, trong tháng 10 và 11 năm nay, TPHCM sẽ ngập nặng vì phải hứng đợt triều cường lịch sử, trong khi các quận - huyện lại chậm trễ, chủ quan trong việc gia cố các bờ bao

“Con nước đang lên mà bờ bao thì ỉu xìu. Nghĩ đến cảnh nước lên, phân gia súc nổi lềnh bềnh, ao cá bị tràn, nhà cửa ngập lênh láng lại thấy sợ”. Một người dân sống gần rạch Út Hoảnh, phường Thạnh Lộc, quận 12-TPHCM chán ngán. Phường Thạnh Lộc là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do triều cường gây ra. Đỉnh triều lịch sử Theo thông tin mới nhất từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường đang lên mức cao và vượt báo động cấp I (1,25 m) trong vài ngày tới. Cụ thể, lúc 16 giờ ngày 18-9, triều cường lên mức báo động cấp I ở trạm Phú An (sông Sài Gòn) và tiếp tục vượt báo động cấp I với mức nước 1,36 m cũng tại trạm này vào lúc 19 giờ ngày 21-9. Chiều 16-9, dù triều cường chưa cao nhưng đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức-TPHCM đã ngập lênh láng Khoảng cuối tháng 8-2009, trên địa bàn TPHCM cũng đã xảy ra một đợt triều cường sớm bất thường (cao 1,38 m) gây ngập nặng ở hàng loạt tuyến đường. Các chuyên gia chống ngập lo ngại triều cường năm nay sẽ phức tạp và dễ gây ngập nặng hơn so với các năm trước. Chiều 17-9, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết dự báo mực nước trên sông Sài Gòn sẽ còn tiếp tục lên ở mức cao. Đặc biệt trong tháng 10 và 11, TPHCM sẽ hứng những đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất có thể vượt cả đỉnh triều lịch sử xảy ra vào tháng 11-2008 (1,54 m - đỉnh triều cao nhất trong vòng 49 năm). Thạc sĩ Lan lo ngại những tháng cuối năm nay, nhiều khu vực ở TPHCM sẽ bị ngập nặng nề. Nói cấp bách,làm ì ạch! Để ứng phó với đợt triều cường sắp tới, từ cuối tháng 8-2009, UBND TPHCM đã chấp thuận cấp hơn 4,8 tỉ đồng và yêu cầu chậm nhất là đến cuối tháng 9, các quận - huyện: Thủ Đức, 12, Củ Chi, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn phải hoàn thành việc gia cố cấp bách 37 đoạn bờ bao xuống cấp có nguy cơ bể bờ, tràn bờ. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất ngày 17-9 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP, mới có một hạng mục được hoàn thành, 8 hạng mục khác đang thi công, còn 28 hạng mục vẫn đang... trùm mền. Bờ bao rạch Út Hoảnh, quận 12 – TPHCM bị vỡ từng mảng nhưng chưa được gia cố Ngày 16-9, chúng tôi ghi nhận ở các đoạn bờ bao thuộc danh mục 37 đoạn cần gia cố cấp bách, như bờ bao dọc rạch Bảy Còi, rạch Út Hoảnh, rạch Bà The (quận 12) và một số đoạn bờ bao khác ở Thủ Đức, Hóc Môn... việc triển khai công tác gia cố rất ì ạch. Đặc biệt, đoạn bờ bao rạch Bảy Còi dài 300 m hoàn toàn chưa thực hiện. Một người dân có nhà ở sát rạch Bảy Còi lo ngại: “Đến nay vẫn chưa thấy chính quyền đắp bờ bao trong khi nước đã “nhảy” đến chân. Những năm trước, khi triều cường lên là nước tràn lênh láng bờ bao này làm chúng tôi ăn ngủ không yên, chắc năm nay cũng không thoát được cảnh ngập lụt!”. 200 m bờ bao rạch Út Hoảnh hiện đã vỡ toác từng mảng lớn nhưng đến ngày 16-9 vẫn nguyên hiện trạng. Ông Trương Văn Quang, nhà sát bờ bao này, bức xúc: “Tôi nghe phường thông báo sẽ cho gia cố, đóng cừ tràm ở đoạn rạch này. Tôi đã dọn dẹp sạch đoạn rạch này để tiện lợi cho việc thi công nhưng chờ 5-10 ngày nay vẫn chưa thấy động tĩnh!”. Trả lời vì sao đã gần cuối tháng 9 mà nhiều bờ bao nằm trong danh sách phải gia cố cấp bách ở các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân... vẫn “im re”, ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết do đê bao cần gia cố nhiều nhưng lực lượng thì quá mỏng nên phải tập trung gia cố trước những đoạn bờ bao nào dài và có nguy cơ vỡ bờ lớn nhất. Thiếu trách nhiệm Trong văn bản yêu cầu chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với tình hình triều cường, mưa bão từ tháng 9 đến đầu năm 2010, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín nhận định: Trong khi việc xây dựng các công trình bờ bao tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ sạt lở, tràn bờ và bể bờ ở một số địa phương còn chậm thì các dự án nạo vét, tiêu thoát nước lớn của TP cũng thực hiện chậm. Ngoài ra, trong quá trình thi công, các đơn vị thi công đã thiếu trách nhiệm và không thực hiện các giải pháp kỹ thuật đúng quy định, biện pháp thi công chưa phù hợp đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên của lưu vực, gây nguy cơ ngập úng kéo dài.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090919010918857p0c1077/dung-dinh-dontrieu-cuong.htm