Đụng độ Nga-Ukraine: Ông Putin giấu 'chiến lược' quá giỏi, phương Tây thừa nhận bất lực?

Sự khó đoán của ông Putin đã được thể hiện trong suốt 4 năm qua và giờ đây phương Tây nên ngừng cảm thấy bất ngờ trước sự thực dụng và mạo hiểm của Moscow.

Tổng thống Putin là nhà chiến lược thực tế và biết cách tận dụng cơ hội.

Tổng thống Putin là nhà chiến lược thực tế và biết cách tận dụng cơ hội.

Có một thực tế mà phương Tây đang phải đối mặt đó là không một ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Ukraine. Sự khó đoán chính là cốt lõi trong chiến lược của Nga, tờ CNN nhận định.

Trong bài viết của mình, cây bút Nick Paton Walsh của CNN cho rằng, sự khó đoán này đã được thể hiện trong suốt 4 năm qua và bây giờ phương Tây nên ngừng cảm thấy bất ngờ trước sự thực dụng và mạo hiểm của Moscow.

Cần phải thừa nhận một điều rằng, phương Tây hoàn toàn bất lực trong việc dự đoán chính xác điều gì mà Nga sẽ làm sắp tới.

Để giải thích cho tình hình hiện tại giữa Nga và phương Tây sau cuộc đụng độ ở eo biển Kerch, tờ CNN đưa ra 5 vấn đề sau đây.

Thứ nhất, đây không phải là một cuộc chiến mới. Trên thực tế các cuộc va chạm giữa Nga và Ukraine vẫn xảy ra gần như hàng ngày tại các khu vực xung đột trong 4 năm qua - và xảy ra trước và sau sự cố Kerch ở mức tương tự.

Thế giới chỉ đơn giản là không chú ý đến những va chạm âm ỉ nói trên cho đến khi quân đội Nga thực hiện bước đi quyết liệt khi đối đầu với hải quân Ukraine vào ngày 25/11.

Điều này cũng giải thích lý do tại sao bùng phát ở eo biển Kerch có thể biến thành chiến tranh toàn diện rất nhanh, bởi vì cả hai bên đều có vũ trang, sẵn sàng xung đột và có sự đối đầu nóng bỏng trong suốt nhiều tháng qua.

Thứ hai là chiến lược của Nga đang dựa trên việc che giấu động thái của mình và khiến cho đối thủ hoàn toàn bối rối. Các cuộc tập trận quân sự của Nga dọc theo biên giới phía Nam diễn ra hiện nay đều quy tụ lực lượng rất đầy đủ, điều này khiến cho các nhà quan sát phương Tây rất khó để đánh giá được rằng Nga đang tập trận thực sự hay muốn dọa dẫm chiến tranh.

Theo các đánh giá từ tình báo phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải là một nhà chiến lược dài hạn bậc thầy, nhưng là nhà chiến lược thực tế và biết cách tận dụng cơ hội một cách tối thượng.

Nhà lãnh đạo Nga nhìn thấy một vấn đề mà tin rằng có lợi cho mình, sau đó sẽ quyết định xem nên hành động ở mức độ nào.

Tư tưởng của ông Putin cũng tương đồng như trong judo - môn thể thao yêu thích của nhà lãnh đạo Nga – với những chiến lược đơn giản nhưng đầy hiệu quả. Trong đó, ông khai thác những gì mà đối thủ của mình bỏ qua hoặc không để tâm đến nó.

Một cuộc khủng hoảng sẽ chỉ thêm phần có lợi cho Nga.

Thứ ba, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang thể hiện mình là một nhân vật không có chiến lược. Điều này đã trở thành vấn đề nhức nhối từ lâu ở Ukraine.

Đó là sự bất ổn trong giới quyền lực ở Kiev: Tham nhũng; đầu sỏ chính trị; các nguồn lực hạn chế; sự đối đầu trong tầng lớp tinh hoa. Tất cả điều này đã cản trở phản ứng của Ukraine đối với các động thái của Nga.

Moscow muốn ảnh hưởng đến Kiev, hoặc ít nhất là làm cho nước này suy yếu đến mức không thể nghĩ đến việc gia nhập NATO hay EU. Về phần mình, NATO và EU muốn Ukraine chống lại điều này, nhưng họ hoàn toàn không có ý định thiết lập lằn ranh đỏ đủ sâu để ngăn chặn.

Trong nội bộ Ukraine, công chúng đang ngày càng phẫn nộ với những mớ hỗn độn mà đất nước đang có với Nga và lực lượng vũ trang của nước này đơn giản là không thể hiện đại hóa đủ nhanh để trở thành đối thủ xứng tầm với Moscow.

Ngay cả tình trạng thiết quân luật cũng là một giải pháp gây bối rối trong ứng dụng thực tế: Công dân Nga sẽ bị cấm đi vào Ukraine? Sẽ có một phong tỏa trên các khu vực ly khai? Thiết quân luật trông như thế nào và nó thay đổi cái gì?

Theo cây bút Nick Paton Walsh, cho đến hiện tại, vẫn rất ít người biết rốt cuộc tình trạng thiết quân luật sẽ làm được gì và có vẻ như mọi bước đi của Tổng thống Ukraine đưa ra sẽ chỉ nắm chắc thất bại.

Và vấn đề thứ tư, chính quyền của Tổng thống Putin sẽ rất cần những cuộc khủng hoảng tương tự như vụ việc ở eo biển Kerch. Câu hỏi được đặt ra là Nga tại sao lại muốn gặp phải tất cả những rắc rối này. Hãy nhớ lại rằng đây chính là điều phục vụ cho mục đích của Tổng thống Putin – tận dụng khủng hoảng để gây dựng ảnh hưởng.

Kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự mất đi vị thế của nước Nga trên toàn cầu, Tổng thống Putin từ lâu đã luôn nung nấu mục tiêu đưa nước Nga trở lại vai trò siêu cường. Điều này đã được thể hiện qua việc Nga mở rộng ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực cũng như điểm nóng trên toàn cầu mà trong đó Syria là một ví dụ.

Cuối cùng - và đây có thể là điều lớn nhất khiến phương Tây thực sự lo lắng - Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong quá khứ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối mạo hiểm can thiệp quân sự ở Ukraine. Nhưng ông đã đưa ra các biện pháp trừng phạt và dẫn đầu các cáo buộc lên án quyết liệt tại một thời điểm mà nhiều quốc gia châu Âu không muốn mối quan hệ xấu đi với Moscow.

Động thái của chính quyền Obama không mang tính chất quân sự nhưng nó chắc chắn đã phần nào đó làm suy yếu kinh tế Nga. Tuy nhiên, trong cuộc va chạm vừa qua, Nhà Trắng của Tổng thống Trump đã im lặng.

Tổng thống Trump đã có phản ứng bằng tuyên bố nói rằng ông có thể hủy bỏ cuộc họp với người đồng cấp Putin. Tuy nhiên, đáng chú ý là cuộc họp vẫn đang trên bàn thảo luận sau sự cố ở eo biển Kerch.

Với những vấn đề như vậy, phương Tây đang tỏ ra yếu đuối trước việc bảo vệ Ukraine như những gì bản thân từng tuyên bố trước đó. Và một lần nữa, họ không có khả năng dự đoán trước những gì mà Nga chuẩn bị làm sắp tới.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dung-do-nga-ukraine-ong-putin-giau-chien-luoc-qua-gioi-phuong-tay-thua-nhan-bat-luc-a412731.html