Đừng đổ tại 'ông trời'!

Những tấm ảnh và đoạn clip về cảnh ngập lụt lịch sử ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) kèm dòng tít 'Phú Quốc thất thủ' rồi là 'Đảo ngọc thành đảo ngập' gây ngao ngán cho bạn đọc.

Ảnh hưởng của bão, lượng mưa kỷ lục, nước biển dâng, trong khi hệ thống thoát nước đã lỗi thời, hệ thống sông suối bị lấn chiếm cản trở dòng chảy là những nguyên nhân khiến đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) ngập lụt nặng những ngày qua.

Theo UBND huyện Phú Quốc, tình trạng ngập cục bộ, nước chưa rút hết nhưng mưa vẫn diễn ra khiến nước dâng trở lại. Hậu quả là 63km đường trên toàn huyện đảo bị ngập, với độ sâu ngập trung bình khoảng 0,7m. Nơi ngập sâu nhất lên đến 2m. 23 căn nhà bị tốc mái, sập, sụp nứt và 8.424 căn bị ngập nước. Huyện đã cử 1.567 người, 752 phương tiện, sơ tán được gần 2.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã nấu trên 3.200 suất cơm miễn phí cho người dân, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện, UBND các xã, thị trấn nhận viện trợ từ các mạnh thường quân 38,95 tấn gạo, 3.877 thùng mì và 224 triệu đồng tiền mặt cùng các nhu yếu phẩm khác. Tổng thiệt hại do vụ ngập vừa qua ước tính hơn 100 tỷ đồng.

Gần như đồng thời với huyện đảo Phú Quốc, phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) cao 1500 m so với mặt biển mà cũng lâm cảnh ngập lụt chưa từng có khiến giao thông bị chia cắt, khi cả thành phố ngập trong biển nước. Tại một số tuyến đường trong thành phố dọc suối Cam Ly, các phường 5, phường 7, phường 9, phường 11, phường 12, tình trạng ngập nước xảy ra mỗi lúc một nghiêm trọng do lượng mưa quá lớn, nước thoát không kịp nên đã gây ngập úng trên diện rộng. Suối Cam Ly, đoạn qua phường 5, TP Đà Lạt nước dâng cao, tràn vào các khu dân cư, đường sá, gây ngập nhiều ô tô của người dân dựng hai bên đường. Nước lớn từ suối Cam Ly tràn vào các khu dân cư, nhiều nhà dân, khách sạn trong khu vực bị ngập sâu trong nước.

Được biết, nhiều vùng trũng, thấp tại huyện Lạc Dương cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng đã có mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt trên diện rộng.

Hiện tượng ngập lụt cục bộ ở thành phố Đà Lạt sau mỗi trận mua lớn đã diễn ra khoảng 10 năm nay nhưng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt chưa hề có động thái bài bản nhằm khắc phục. Hẳn là do ở độ cao 1500m nên người ta cứ trông chờ nước tự rút.

Đà Lạt ngập lụt vì mưa lớn. Phú Quốc thành biển nước trong cơn “đại hồng thủy”. Nhưng nếu chỉ đổ tội cho “ông trời” gây mưa bão thì sẽ không thấy đó là hậu quả của việc quy hoạch bị phá nát. Ai đó dọa rằng nếu cứ đà này, có ngày nước ngập cà núi Nghĩa Lĩnh của Vua Hùng hay cả Sa Pa nữa! Ở Đà Lạt, các chuyên gia cũng chỉ ra đại nạn bê tông hóa, lấn, lấp suối khiến nước không còn chỗ thoát. Còn ở Phú Quốc, khi 1 người dân đã phải đón tiếp 40 du khách càng khiến người ta sa đà vào bê tông hóa.

Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang vào hạ tuần tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, không đầu tư chộp giật ở Phú Quốc. Để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa Phú Quốc.

Vậy là cách thức chống ngập lụt đô thị căn cơ nhất chính là thực hiện quy hoạch nghiêm chỉnh và bài bản, gìn giữ môi trường!

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/dung-do-tai-ong-troi-309384.html