Dùng gối thảo dược cho trẻ: Chữa bệnh hay sinh bệnh?

Trên thị trường Hà Nội xuất hiện nhiều gối thảo dược được quảng cáo chống stress, giúp bé ngủ ngon, chống bẹp đầu ở trẻ sơ sinh... Nhưng theo các nhà chuyên môn, gối thảo dược có thể gây dị ứng cho trẻ.

Tin lời quảng cáo

Theo khảo sát của phóng viên báo Gia đình & Xã hội, hiện trên thị trường gối thảo dược được bày bán với nhiều thương hiệu. Gối thảo dược gồm nhiều loại với đủ kích cỡ, kiểu dáng tròn, vuông, bán nguyệt... Giá khoảng 50.000 - 100.000 đ/chiếc, 160.000 - 200.000 đ/bộ, tùy theo chủng loại. Vào thời điểm ngày hè nắng nóng, gối càng bán chạy.

Dạo qua các website, diễn đàn, nhất là những trang dành cho các bà mẹ, các sản phẩm gối thảo dược cũng được rao bán rất nhiều. Các loại gối này đều được quảng cáo bên trong ngoài bông gòn còn có nhiều loại thảo dược như: Lá đinh lăng, ngải cứu, thảo quyết minh... có tác dụng giảm stress, điều hòa được nhiều chứng bệnh đối với người lớn và trẻ em, chống ra mồ hôi trộm, đuổi muỗi, làm mát da đầu nên giúp trẻ ngủ sâu, ngon giấc. Không ít bà mẹ đã nghe theo lời giới thiệu, quảng cáo mua cho trẻ dùng.

Trên diễn đàn webtretho, nhiều bà mẹ cũng cho biết, họ đã tin lời quảng cáo về khả năng giúp trẻ ngủ ngon, làm mát của gối thảo dược nên mua về cho con sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, trẻ không ngủ được, quấy khóc nhiều hơn.

Gối thảo dược cũng có thể gây dị ứng

Trẻ dễ bị dị ứng

GS.TS Trương Việt Bình - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - cho biết, thảo dược có tác dụng chữa bệnh rất tốt nhưng không phải các loại thảo dược đều lành tính và có thể dùng thế nào cũng được. Việc dùng thảo dược không đúng thành phần, liều lượng, độ tuổi sẽ rất nguy hiểm. Nhất là trẻ em, cơ thể, sức đề kháng yếu dễ bị cảm nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe do tác động của các yếu tố bên ngoài.

Cũng theo GS.TS Bình, thuốc có tác dụng phòng bệnh qua tác động trực tiếp là uống, hít thở, xông. Việc dùng thảo dược để gối đầu nếu có tác dụng cũng rất tốt. Hơn nữa, sử dụng các loại gối chưa biết được thành phần, hàm lượng hoạt chất, tinh dầu (cây cỏ hay tinh dầu tự chế ra) thế nào cho trẻ sẽ rất nguy hiểm, nhất là những thảo dược có tinh dầu mạnh cơ thể gây ra những rối loạn hoạt động sống của cơ thể.

Th.Bs Trần Văn Thuấn - Trưởng khoa Đông y (BV Xanh Pôn) cho rằng, gối thảo dược cho trẻ không những không có tác dụng như quảng cáo mà còn có thể gây hại, bởi chúng có mùi khó chịu, gây kích ứng đường hô hấp... Tác dụng gối thảo dược tới giờ chưa có công trình khoa học nào của Việt Nam hay Trung Quốc công bố.

Trong các phương pháp quy định chữa bệnh của Việt Nam không có phương pháp nào là dùng gối. Vì thế không thể nói gối có tác dụng như thế nào được. Trong dân gian có gối vỏ đỗ xanh êm, hút ẩm, dễ chịu, nhưng cũng chỉ là kinh nghiệm dân gian, chứ chưa có công trình nghiên cứu nào.

Theo Ths.Bs Thuấn, thảo quyết minh (lá), quyết minh tử (hạt) có tác dụng an thần, nhuận tràng. Hương nhu chữa cảm cúm, nhức đầu sổ mũi thông thường, không dùng cho những người ra mồ hôi nhiều; đinh lăng kiện tì, bổ khí là chính không có giá trị chữa ra mồ hôi như nhiều người nhầm tưởng, nhất là các bà mẹ trẻ. Rễ và lá cây đinh lăng có thể dùng làm thuốc bổ; thảo quyết minh có tác dụng giúp ngủ ngon.

Công dụng của những loại lá nói trên chỉ có tác dụng khi kết hợp với một số loại khác, sắc lấy nước uống, chứ thực tế không có tác dụng gì nếu chỉ để lót gối nằm.

GS.TS Trương Việt Bình nhấn mạnh, các vị thuốc dù phơi khô nhưng khi trẻ nằm nhiều, mồ hôi ra thấm vào những lá thuốc đó, dùng lâu sẽ bị ẩm sinh nấm mốc. Nếu thảo dược xử lý không tốt, không sạch sẽ có thể gây kích thích đường hô hấp của trẻ làm trẻ khó ngủ, giật mình hay khiến trẻ bị dị ứng.

Theo Ths.Bs Thuấn, gối bông còn giặt được, chứ gối cỏ cây không thể giặt được. Nếu xử lý không tốt sẽ sinh nấm gây bệnh ngoài da. Vì thế, nếu các gia đình vẫn tin dùng thì thỉnh thoảng nên tháo ra đem phơi cho khô tránh ẩm mốc. Nên thay đổi và làm khô ruột gối thảo dược, tránh mốc ruột gối, vỏ cây vì thuốc mốc sinh bệnh ngoài da.

“Bình thường không nên sử dụng những loại thảo dược có tinh dầu mạnh, nhất là trong gối để gối vào đầu hay bọc cho trẻ. Bởi có loại thảo dược tinh dầu gây kích thích, có loại gây ức chế. Vùng đầu, gáy của trẻ thường rất nóng, nếu nằm nhiều thảo dược bị ẩm mốc, sẽ gây dị ứng cho trẻ”.

GS.TS Trương Việt Bình

P.Thuận - H.Dương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100716080439179p0c1011/dung-goi-thao-duoc-cho-tre-chua-benh-hay-sinh-benh.htm