'Đừng gửi đồ ăn, hãy cho chúng tôi khẩu trang'

Các bác sĩ và y tá ở một số quốc gia lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi phải làm việc mà không có khẩu trang hay thiết bị bảo hộ y tế cần thiết.

Trong khi các nhân viên y tế làm việc ở bệnh viện phải tiết kiệm từng chiếc khẩu trang N95 một, người dân Australia vẫn thản nhiên đeo chúng mỗi khi ra đường.

Một bác sĩ cấp cứu ở bang New South Wales, nơi có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất nước Australia, cho biết: “Nếu bạn ra đường, bạn sẽ thấy khẩu trang N95 được sử dụng rất nhiều nhưng trong bệnh viện lại chẳng có mấy”.

Nhân viên y tế Australia không có đủ khẩu trang N95 để sử dụng. Ảnh: Reuters.

Các cơ quan chức năng Australia khẳng định kho dự trữ thiết bị bảo hộ vẫn còn và họ cũng tăng cường sản xuất thêm. Tuy nhiên, trên thực tế, các y bác sĩ phải tuân thủ quy định chặt chẽ trong việc sử dụng khẩu trang N95 nhằm đảm bảo nguồn cung.

Ngoài ra, họ phải sử dụng thêm tấm chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn, thậm chí là mặt nạ lặn.

Một bác sĩ chia sẻ: “Hàng ngày, chúng tôi nhận được rất nhiều lá thư cảm ơn. Thậm chí, có người tặng các y bác sĩ pizza và một số thực phẩm khác. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn chạy ra vào bảo với họ rằng các bác sĩ không đói, chúng tôi cần khẩu trang cơ".

Andrew Miller, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa chi nhánh bang Tây Australia, cho biết: “Những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch không tin rằng khẩu trang và đồ bảo hộ có sẵn khi họ cần. Họ cảm thấy lo sợ khi y bác sĩ ở quốc gia khác tử vong vì thiếu thiết bị bảo vệ cần thiết”.

Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới tăng lên từng giờ. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, các bác sĩ và y tá Australia gửi kiến nghị lên Thủ tướng Scott Morrison và yêu cầu được phân phát đầy đủ thiết bị bảo hộ y tế. Tính đến ngày 8/4, bản kiến nghị đã thu thập được hơn 156.000 chữ ký.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt thông báo sẽ chuyển ngay 10 triệu khẩu trang cho các nhân viên y tế. Đồng thời ông khẳng định sẽ còn thêm nữa, với lượng lớn găng tay, quần áo và kính.

Phải tái sử dụng khẩu trang tới 5 ngày

Trên thực tế, sự thiếu hụt khẩu trang N95 và đồ bảo hộ khác đang diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các bác sĩ và y tá cảm thấy lo lắng trước nguy cơ dễ bị lây bệnh, nhất là khi số lượng bệnh nhân Covid-19 cần chữa trị ngày càng trở nên quá tải.

Ở Italy, lượng nhân viên y tế bị nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới con số 6.000, trong đó 50 người tử vong. Tại Tây Ban Nha, ước tính 14% tổng số trường hợp dương tính với virus là các y bác sĩ.

Tại Mỹ, khi đại dịch lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố New York, các nhân viên y tế thay khẩu trang và đồ bảo hộ mỗi lần họ tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Một thời gian sau, các y bác sĩ được yêu cầu giữ đồ bảo hộ tới hết ca trực.

Trong giờ nghỉ giữa các ca, nhân viên phải cất khẩu trang vào túi kín để có thể sử dụng tiếp.

Tới thời điểm hiện nay, khi nguồn cung ngày càng khan hiếm, nhiều bệnh viện đề nghị nhân viên không vứt đồ bảo hộ vào cuối ngày. Thay vào đó, họ đem khẩu trang và đồ dùng đi khử trùng và tái sử dụng cho ngày hôm sau.

Một y tá giơ cao khẩu hiệu: "Tôi sẽ chỉ làm việc khi có khẩu trang N95 mới". Ảnh: New York Times.

Cuối tháng 3 vừa qua, các y tá của Trung tâm y tế Jacobi ở New York xuống đường biểu tình nhằm chống lại chính sách mới của thành phố bắt họ phải tái sử dụng khẩu trang N95 liên tiếp tới 5 ngày.

Kelley Cabrera, một y tá phòng cấp cứu, cho biết: “Việc thiếu khẩu trang và đồ bảo hộ không chỉ khiến các nhân viên y tế mà ngay cả bệnh nhân cũng gặp nguy hiểm. Tôi không thể tin được chuyện này đang xảy ra ngay trên đất Mỹ”.

Ngày 6/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ sự lo ngại về việc không cung cấp đủ khẩu trang cho y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng khẩu trang ồ ạt càng làm trầm trọng hơn tình trạng trên.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chỉ đeo khẩu trang thôi sẽ không ngăn chặn được đại dịch. Các quốc gia phải tiếp tục tìm kiếm, xét nghiệm, cách ly và điều trị mọi ca bệnh cũng như khoanh vùng kịp thời”.

Tính đến thời điểm hiện nay, thế giới ghi nhận hơn 1.4 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có trên 86.900 ca tử vong. Sau Trung Quốc, Mỹ và châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19 mới.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-gui-do-an-hay-cho-chung-toi-khau-trang-post1070702.html