'Đừng im lặng khi trẻ bị xâm hại tình dục'

Nhiều người cho rằng, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục rất lớn, nhưng nhiều nạn nhân, người thân vẫn còn ngại ngần trong việc tố cáo.

Ngày 13/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng gồm: ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy viên Ủy ban Tư pháp; bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hôịi; bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc sở Tư pháp thành phố, Ủy viên Ủy ban Pháp luật đã có buổi tiếp xúc cử tri là nữ doanh nhân, nữ trí thức, nữ nhà báo, các luật sư và giảng viên, sinh viên trường Đại học Đông Á… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em.

Vấn đề xâm hại tình dục được rất nhiều người quan tâm.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch hội Từ thiện và bảo vệ trẻ em TP.Đà Nẵng cho biết, theo thống kế của cục Cảnh sát hình sự - Bộ công an, trung bình mỗi năm nước ta có trên 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại. Đó là chưa kể đến nhiều vụ xâm hại, người bị hại lẫn người thân còn ngại ngùng chưa tố cáo. Những con số này cho thấy, tình trạng trẻ bị xâm hại quá nhiều và cần có biện pháp ngăn chặn.

Cũng theo thống kê, 70% người xâm hại là người quen biết hoặc là người thân của trẻ. Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn cũng là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Khi đứa trẻ bị xâm hại chắc chắn sẽ có những sang chấn tâm lý rất lớn. Do đó, mục tiêu phòng ngừa lên hàng đầu.

Luật sư Đỗ Thành Nhân cho rằng, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đến nay mới được xã hội quan tâm và đẩy lên cao trào, người dân mới nhận thấy mối nguy hại. Hiện, luật về vấn đề này vẫn chưa chặt chẽ và còn thiếu.

Theo vị luật sư: “Cần có cơ chế đảm bảo cho người tố cáo. Bởi nguyên nhân vấn đề đã diễn ra lâu rồi nhưng đến hôm nay mới bùng nổ là do hạn chế ở việc tố cáo và không tố cáo của gia đình, người nhà nạn nhân, còn những người chứng kiến sự việc cũng không lên tiếng tố cáo, chưa mạnh dạn lên tiếng. Do vậy, đừng im lặng khi trẻ bị xâm hại tình dục”.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt tội xâm hại trẻ em còn khá nhẹ, chưa tương xứng.

Liên quan đến khung hình phạt của luật về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á cho rằng, còn quá rộng và quá nhẹ, cần mức phạt nặng hơn để thể hiện tính răn đe. Trong khi đó, nhiều sinh viên cho rằng, xử phạt tội xâm hại tình dục trẻ em, cần đưa vào những cách trừng phạt đánh vào danh dự như thông tin ra xã hội, làng xóm.

Huy Cường – Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dung-im-lang-khi-tre-bi-xam-hai-a322241.html