'Đừng kể tên tôi' - một tự thuật khác về chiến tranh Việt Nam

'Đừng kể tên tôi' là những sự thật bị dồn nén quá lâu trong lặng im nay tuôn ra ào ạt. Sự thật cuốn phăng, nhấn chìm ngòi bút. Sự thật ngồn ngộn, lấp đầy từng trang giấy.

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Trung, nhân vật trong Tập bút ký "Đừng kể tên tôi" của tác giả Phan Thúy Hà.

Chiến tranh kết thúc khi nào?

Với những người nằm lại nơi chiến địa, đó là khi âm thanh dữ dội của trận đánh sau lưng mờ dần, rồi hóa thành lời thì thào của cái chết; là khi hình ảnh của những gương mặt đồng đội thân thuộc xung quanh nhòe đi, rồi tan thành từng mảng màu đen trắng.

Chiến tranh kết thúc khi máu nóng đỏ tươi đã chảy cạn khỏi huyết quản, khi xác lạnh thịt rữa đã gieo gửi vào lòng đất. Phân hiệu của đơn vị cũng chỉ là những con số, là tập hợp những mạng người chờ được đếm, hoặc bị xóa sổ.

Trong dòng hồi tưởng của mình, ông Phan Xuân Hiền - Đại đội pháo cao xạ 38, Trung đoàn 284, Sư đoàn 367, hiện sống tại Gò Vấp, TP.HCM vẫn không sao giấu được sự tàn khốc về cuộc chiến đã đi qua gần nửa đời người:

“B52 gầm rú. Bom ném trúng vào hai khẩu pháo. Mười sáu người bạn của tôi đã chết như vậy. Cả đại đội cùng đi nhặt xác. Không còn thân xác nào nguyên vẹn. Những mảng thịt da tay chân tan tác vung vãi chúng tôi cố khớp nối cho ra hình một con người. Quan tài là những hòm đựng đạn. Mười sáu hòm đựng đạn xếp thành hàng”.

Còn những người trở về… “Chiến tranh kết thúc khi nào?”, hình như chưa bao giờ họ tự vấn.

Với bà Mai Thanh Tịnh - y tá quân y, hiện sống tại Hà Nội, những tháng ngày không còn khói súng tựa như một cuộc chiến nối dài: “Bố ủng hộ việc tôi đăng ký đi bộ đội. Con gái của bố là phải thế. Tôi đi khám sức khỏe tám lần đều không đạt. Mỗi lần khám cho đủ thứ gạch đá vào người như cách người ta mách cân nặng vẫn chưa tới 35. Mày đúng là loại lừa. Mày biết mày không đạt tiêu chuẩn nên mới xung phong. Ông Quang xã đội trưởng nói vậy khi đi trên đường làng gặp tôi”.

Họ trở về, thân tàn ma dại. Có những vết sẹo, những tàn tật sâu hoắm trong lòng như bà Tịnh và có những vết thương như những dấu tích trịch thượng và rởm đời khi họ băng mình qua cuộc chiến ấy. “Đổi một cánh tay đổi một cẳng chân lấy những mảnh bom, mảnh đạn găm sâu da thịt. Bom làm bỏng mắt, không nhìn được nữa. Bắn mười hai quả đạn B40 một ngày, tai đã điếc đặc. Cái lưỡi thụt chỉ còn có thể phát ra những tiếng ú ớ, di họa mang về từ cuộc chiến”.

Họ trở về. Ngoảnh lại là ký ức. Cuộc chiến đó vẫn không ngừng đeo đuổi và ám ảnh họ. Dữ dội và tàn khốc. Nó dường như không thể gột sạch.

“Anh không biết mình đã làm những gì khi lên cơn. Nhìn vết thương ở thái dương giật giật là tim tôi đập loạn không biết chuyện gì sắp xảy ra. Anh hô xung phong chạy ra ngoài ngõ mẹ con chạy theo sau còn người làng nhìn theo cười như cảnh trong một bộ phim”- vợ ông Bùi Thanh Lương, Tiểu ban trinh sát Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 nghẹn ngào trong nước mắt.

Người ta thường nói lính không biết chuyện ngày mai. Họ chỉ có hôm qua và hiện tại. Hôm qua - trong cuộc chiến ấy - là những điều còn dang dở, những dự định chờ ngày hòa bình lập lại.
Còn hiện tại?

"Đứa con đầu mười lăm tháng tuổi tôi sinh đứa thứ hai. Huyện điều anh đi làm đại đội trưởng huấn luyện quân dự nhiệm. Anh đi làm không công đã một năm, vợ ở nhà hai con nhỏ không ra làm hợp tác xã được. Không đi làm hợp tác xã không có điểm không được chia ngô sắn lúa khoai nhà không có gì ăn. Hai giờ sáng nhìn con khóc vì đói ruột gan anh như lửa đốt. Anh trùm tấm khăn lên đầu đi ra ngoài đồng. Anh nhặt về bốn củ khoai lợn rừng ủi lên. Gậy phang lên đầu. Đẹp mặt chưa đại đội trưởng đêm đi mò khoai dân”.

Hiện tại với họ là “Lương đâu? Hỗ trợ, chế độ, tiêu chuẩn đâu? Không có. Mất hết giấy tờ rồi”.
Ông Nguyễn Doanh Văn, hiện sống tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh không giấu được nỗi xót xa khi kể về những-hiện-tại-của-mình: “Người ta không quan trọng việc họ từng ra trận. Nỗi đau tinh thần thể xác đang đày đọa đó chẳng nằm trong những thứ liên quan. Cần chứng minh là giấy tờ. Giấy tờ? Tôi vứt hết đi rồi. Mang được cái xác về. Ai biết có ngày giấy tờ quan trọng hơn xác người”.

Mang được cái xác về từ chiến trường đạn bom khói lửa, họ - những người lính bị gạt ra bên lề cuộc chiến ấy - cuộc chiến mà họ đã lênh đênh bằng tiếng í ới gọi nhau của bạn bè, để rồi họ câm lặng bước tiếp trong bóng tối mờ mịt của thực tại, với ký ức tàn khốc lởn vởn theo sau.

Người lính làm gì khi không còn chiến tranh? “Ngày ở trại thương binh trở về chú đã mang giấy tờ nộp cho xã. Chú được tiêu chuẩn 90kg gạo ăn trong sáu tháng. Thực tế chỉ được 15kg gạo tấm, sắn tươi và mì hạt.Vợ sinh con, đói quá, chú đến xin cấp thêm nhưng xã không cho. Câu trả lời lần nào cũng là chúng tôi còn phải cân đối. Chú làm căng, họ lại bảo, chú lấy tư cách gì mà đòi cấp thêm, quyết định đâu.Trong mắt họ chú bấy giờ là thằng khùng”.

Tập bút ký "Đừng kể tên tôi" do NXB Phụ Nữ ấn hành vào tháng 10.2017

Chiến tranh kết thúc khi nào? Bà Mai Thanh Tịnh, ông Bùi Thanh Lương, ông Nguyễn Văn Doanh và 21 phận người trong tập bút ký "Đừng kể tên tôi" của Phan Thúy Hà hay hàng triệu kiếp người khi băng qua cuộc chiến 21 năm ấy vẫn chưa kết thúc.

Nó chưa thể kết thúc khi người ta vẫn chưa thoát khỏi bức màn đen của quá khứ. Khi đói khổ bệnh tật bủa vây mỗi giây mỗi phút. Khi kẹt giữa lằn ranh đang ngày càng rộng ra của thời chiến và thời bình. Khi chắn lối phía trước là tảng băng lạnh lẽo của sự quên lãng. Khi dồn đuổi phía sau là những bóng ma kinh khiếp của ký ức.

Lính không biết chuyện ngày mai. Chỉ có quá khứ và hiện tại. Hiện tại, rồi sẽ còn lại những gì? Là sự thật, những sự thật mà họ chính là người đã tạo ra, đã góp vào, đã có mặt, đã chứng kiến. Là những điều mà họ, những người may mắn sống sót trở về, kể ra ở đây, trong tập sách này.

Đây không phải một tác phẩm văn học, không phải một tư liệu lịch sử, cũng không là một bài phóng sự hay phỏng vấn. Đây là sự thật, và chỉ có duy nhất sự thật. Thật đến độ không thể tin được. "Đừng kể tên tôi" là những sự thật bị dồn nén quá lâu trong lặng im nay tuôn ra ào ạt. Sự thật cuốn phăng, nhấn chìm ngòi bút. Sự thật ngồn ngộn, lấp đầy từng trang giấy.

Những câu chuyện rời rạc mang đến cảm giác như đang xem một cuốn phim cũ. Xước xát, nhừa nhựa, giật cục. Ngổn ngang những khung hình. Vàng ố hoen màu. Nhưng sắc rõ chuẩn nét, đến mức thấy được giọt nước mắt đang lăn trên những nếp nhăn của gương mặt già nua héo úa.

Giọng kể dờn dợn đi cùng với tiếng ầm vang chát chúa của đạn bom; tiếng rì rầm nhẹ bẫng của quá khứ; tiếng nấc nặng trịch nghẹn lại nơi lồng ngực; và những tiếng kêu thê thiết trong câm lặng.
Vài ba chữ cộc lốc. Nhưng đó là những nét tạc nét khắc chân thật đến tận cùng. Những câu dài dằng dặc không chấm phẩy, những câu hỏi không kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Không cần thiết có thêm một cái nghéo lưỡi câu móc vào ruột gan nữa. Những câu chữ sần sùi và thô ráp nhưng nghẹn trào cảm xúc. Chẳng có thủ pháp nào đủ sức để diễn tả sự thật hơn là chính bản thân nó.

"Đừng kể tên tôi" - Tên những người đã nói câu nói này, rồi có thể sẽ bị quên lãng. Nhưng những điều mà họ kể, chỉ có chung một tên gọi duy nhất.
Đó là, “Sự thật”.

Thành Tín - Ảnh: TLTG

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dung-ke-ten-toi-mot-tu-thuat-khac-ve-chien-tranh-viet-nam-12985.html