Dùng kháng sinh trong điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori nếu không được điều trị sớm, triệt để sẽ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng… Kháng sinh là một thuốc không thể thiếu trong phác đồ điều trị căn bệnh này.

H. pylori là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng dạ dày mãn tính và lây nhiễm cho hơn một nửa dân số thế giới, có thể tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng như bệnh loét dạ dày tá tràng, ung thư biểu mô tuyến dạ dày và u lympho dạ dày.

Ở hầu hết những người nhiễm H.pylori, mặc dù có những bất thường về cấu trúc và chức năng do tình trạng viêm mãn tính niêm mạc dạ dày, nhưng không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Vì vậy, bệnh có thể tiến triển âm thầm gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị.

1. Khi nào cần dùng kháng sinh để điều trị vi khuẩn H.pylori?

Bất cứ ai được chẩn đoán nhiễm H. pylori, đặc biệt người có tiền sử loét dạ dày tá tràng hay đang bị loét dạ dày tá tràng đều nên được điều trị bằng kháng sinh. Điều trị H.pylori giúp chữa lành vết loét, ngăn ngừa vết loét tái phát và nguy cơ chảy máu.

Không một loại thuốc nào có thể đơn trị nhiễm trùng H.pylori. Hầu hết các phác đồ điều trị liên quan đến việc dùng nhiều loại thuốc trong 14 ngày, trong đó nhóm kháng sinh thường khuyên dùng 2 loại vì làm giảm nguy cơ thất bại điều trị và kháng kháng sinh

Ngày càng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm H.pylori đề kháng với thuốc kháng sinh, vì vậy điều quan trọng là phải dùng tất cả các loại thuốc được kê cho toàn bộ đợt điều trị, sau đó làm xét nghiệm xác nhận kết quả và có hướng xử lí tiếp theo.

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori nếu không được điều trị sớm, triệt để sẽ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng…

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori nếu không được điều trị sớm, triệt để sẽ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng…

2. Thuốc kháng sinh nào được sử dụng trị viêm loét dạ dày do H.pylori?

Việc lựa chọn chế độ điều trị nên dựa trên mô hình kháng kháng sinh tại địa phương, tiếp xúc trước đây và dị ứng với kháng sinh cụ thể, chi phí, tác dụng phụ và dễ sử dụng.

- Liệu pháp ba thuốc gồm: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) chống tiết acid, và hai kháng sinh là clarithromycin và amoxicillin. Chỉ sử dụng nếu đã được chứng minh là có hiệu quả tại chỗ hoặc nếu đã biết độ nhạy cảm với clarithromycin. Phác đồ này hiện nay ít được sử dụng vì tỉ lệ kháng clarithromycin cao (>15%).

- Liệu pháp bốn thuốc có bismuth gồm: Thuốc ức chế bơm proton (PPI), bismuth, tetracycline và metronidazole khi xác định tỉ lệ kháng clarithromycin cao.

- Liệu pháp bộ bốn thuốc không bismuth gồm: PPI, clarithromycin, amoxicillin và metronidazole.

- Liệu pháp bốn thuốc có levofloxacin: PPI, levofloxacin, amoxicillin và bismuth .

- Hay liệu pháp bộ ba thuốc levofloxacin không có bismuth: PPI, levofloxacin, amoxicillin.

Trong trường hợp kháng fluoroquinolone cao (>15%), có thể dùng kết hợp bismuth với các kháng sinh khác, liều cao PPI - amoxicillin kép hoặc rifabutin.

Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà có phác đồ điều trị khác nhau.

3. Lưu ý tác dụng phụ của thuốc

Có tới 50% bệnh nhân gặp tác dụng phụ khi điều trị H. pylori. Tuy nhiên, tác dụng phụ thường nhẹ và chỉ có một số bệnh nhân phải ngừng điều trị vì những tác dụng phụ này. Để giảm bớt nguy cơ gặp tác dụng phụ, có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thời gian dùng thuốc.

Một số vấn đề mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình điều trị H.pylori:

- Nếu phác đồ có chứa metronidazole hoặc clarithromycin: Những loại thuốc này có thể gây ra vị kim loại trong miệng và buồn nôn.

- Khi dùng đồng thời metronidazole và thức uống có cồn có thể gây đỏ da, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh.

- Nhiều phác đồ có thể gây tiêu chảy và co thắt dạ dày.

Có tới 50% bệnh nhân gặp tác dụng phụ khi điều trị H. pylori. Tuy nhiên, tác dụng phụ thường nhẹ và chỉ có một số bệnh nhân phải ngừng điều trị vì những tác dụng phụ này.

4. Làm thế nào để tránh kháng thuốc kháng sinh?

Đáp ứng với điều trị tiệt trừ H.pylori phụ thuộc đáng kể vào tình trạng kháng kháng sinh đặc trưng cho từng vùng địa lý.

Do đó, hiện nay với tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng tăng (đặc biệt là clarithromycin, metronidazole và levofloxacin), việc điều trị tiệt trừ H.pylori thành công đã trở thành một thách thức thực sự và là một vấn đề quan trọng.

Các yếu tố liên quan đến tình trạng kháng đa thuốc ở H.pylori được chứng minh là sử dụng quá mức hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách, tuân thủ điều trị kém và các yếu tố liên quan đến vi khuẩn (đột biến, màng sinh học).

Vì vậy, cần tuân thủ điều trị để việc sử dụng thuốc có hiệu quả, tránh kháng thuốc kháng sinh:

- Dùng thuốc đúng phác đồ được chỉ định. Khi gặp bất kì tác dụng phụ nào không thể chịu đựng, báo với bác sĩ để có hướng xử lí. Tuyệt đối không được ngừng thuốc mà không báo với bác sĩ.

- Do tỉ lệ kháng levofloxacin ngày càng tăng, tránh chế độ dùng levofloxacin ngay từ ban đầu trừ khi không còn lựa chọn nào khác.

- Nếu xuất huyết dạ dày-tá tràng, chỉ bắt đầu điều trị H.pylori khi bệnh nhân có thể uống thuốc.

- Duy trì môi trường dạ dày ở độ pH > 6 là yếu tố chính trong việc tiệt trừ H.pylori và vai trò chính của PPI trong điều trị nhiễm H.pylori là nâng cao độ pH dạ dày. Lựa chọn PPI thế hệ thứ hai như esomeprazole và rabeprazole mang lại tỷ lệ tiệt trừ tốt hơn so với PPI thế hệ thứ nhất bao gồm omeprazole, pantoprazole và lansoprazole.

- Có tới 20% bệnh nhân bị nhiễm H.pylori không được chữa khỏi sau khi hoàn thành đợt điều trị đầu tiên. Do đó, phác đồ điều trị thứ hai nên được áp dụng, ít nhất một trong số các loại kháng sinh này phải khác với những loại được sử dụng trong đợt điều trị đầu tiên.

- Thực hành tốt vệ sinh và rửa tay, đặc biệt là khi chuẩn bị thức ăn.

- Tất cả bệnh nhân có các triệu chứng mãn tính về đường tiêu hóa có thể liên quan đến nhiễm H. pylori nên được xét nghiệm và điều trị để tránh lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình, bỏ hút thuốc, hạn chế bia rượu,..

- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt (do dùng thuốc).

5 biểu hiện của bệnh ung thư dạ dày.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-khang-sinh-trong-dieu-tri-viem-loet-da-day-do-vi-khuan-hpylori-16923041908314246.htm