Dũng khí đổi mới

90 năm qua, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, nâng tầm trí tuệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong thế giới đang biến đổi mạnh mẽ do sự phát triển của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới tư duy về kinh tế gắn với từng bước đổi mới thể chế và hệ thống chính trị trở thành những vấn đề cốt lõi nhằm khai thông các nguồn lực, đưa dân tộc ta tiến lên phía trước.

Hân hoan đón Tết Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Hân hoan đón Tết Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Quyết tâm bắt nhịp cùng thời đại

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đánh giá những thành tựu đạt được sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó nhấn mạnh: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh… Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Cuộc đấu tranh về đổi mới tư duy kinh tế đòi hỏi rất nhiều thời gian và có những khúc quanh co. Phải 11 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng mới nhận thấy những sai lầm căn bản trong xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Với tinh thần tôn trọng các quy luật khách quan, tiếp thu tri thức và văn minh nhân loại, Đảng đã từng bước “vượt thoát” khỏi tư tưởng giáo điều, chủ quan, duy ý chí, thay vào đó Đảng mạnh dạn tiếp thu những mặt tích cực của kinh tế thị trường, lãnh đạo đất nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mang đậm bản sắc Việt Nam.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết khẳng định: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Phía tây Thủ đô Hà Nội đang phát triển nhanh chóng.

Nhờ những chủ trương đổi mới mạnh mẽ trong hơn 30 năm qua, nước ta đã hình thành các trung tâm kinh tế lớn phát triển năng động, có tư duy kinh tế “mở”, sẵn sàng tham gia vào mạng lưới kinh tế toàn cầu. Tư duy về phát triển kinh tế của Trung ương thể hiện rõ quyết tâm bắt nhịp cùng thời đại, quyết không cam chịu lạc hậu, tụt hậu so với các nước trên thế giới. Rõ ràng, nhận thức về tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là yêu cầu sống còn của chế độ đã khiến cho tư duy của một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên chuyển động theo hướng tích cực, năng động hơn, giảm sức ỳ.

Nói đi đôi với làm

Những đổi mới đột phá về kinh tế tạo tiền đề cho đổi mới về chính trị. Đồng thời, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng bảo đảm đường lối đổi mới kinh tế không chệch hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới về chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế. Trọng tâm của đổi mới về chính trị ở nước ta là tăng cường xây dựng Đảng trên mọi lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng Đảng dù luôn được Trung ương và các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, song có những thời gian chưa thật sự tốt, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Sang nhiệm kỳ này, Trung ương Đảng đã đổi mới quyết liệt trong tư duy xây dựng Đảng, thể hiện rõ ở việc coi trọng tính chiến đấu trong Đảng. Về mặt lý luận, Trung ương coi trọng giáo dục tính chiến đấu cho cán bộ, đảng viên theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền các giá trị cốt lõi trong bốn tác phẩm của Bác là: Đường Kách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Đạo đức cách mạng và Di chúc. Người đã chỉ rõ: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Ðại hội XI và Ðại hội XII của Ðảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; xây dựng đạo đức, lối sống trong sáng cho cán bộ, đảng viên. Nhiệm kỳ này, bằng nhiều quy định cụ thể trong Đảng, bóc tách chi tiết từng nội dung, Đảng tập trung xây dựng môi trường chính trị để đảng viên nêu chính kiến, đấu tranh với sai trái của đồng chí, đồng nghiệp. Không khí dân chủ trong Đảng đã được phát huy. Đã có nhiều đảng viên lấy lại dũng khí người cộng sản chân chính, đấu tranh với cái xấu, cái lạc hậu; đã có những tổ chức đảng và đảng viên coi trọng phê bình và tự phê bình, mạnh dạn nhận trách nhiệm trước những khuyết điểm, sai lầm. Nhờ nói đi đôi với làm, hàng trăm vụ việc tham nhũng, sai phạm của lãnh đạo các cấp dần dần được phanh phui, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị được tinh gọn một bước, hoạt động với hiệu lực, hiệu quả cao hơn, được nhân dân đánh giá là có chuyển biến tích cực. Nhờ có sự giám sát chặt chẽ hơn của cấp ủy và nhân dân, tình trạng “nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo” được hạn chế. Xuất hiện những cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể xắn tay vào làm, chấp nhận thách thức, khó khăn, va chạm, thậm chí là thiệt thòi để củng cố uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Ngày nay, những cán bộ nói một đằng, làm một nẻo sẽ bị báo chí phanh phui, bêu tên, phê bình, bị quần chúng xa lánh, khinh ghét, coi thường. Cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền có nhiều tiến bộ, góp phần kiềm chế tham nhũng và tiêu cực.

Đổi mới toàn diện để phát triển đất nước để đổi mới, Đảng, Nhà nước cần đẩy mạnh tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nghiêm túc nghiên cứu các mô hình quản trị đất nước ở các nước phát triển. Về kinh tế, chúng ta không ngại học hỏi các nước phát triển, nhất là trong quản trị kinh tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý xã hội và phát triển kinh tế. Tiếp thu văn minh nhân loại đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi đầu thực hiện công việc ấy. Do đó, trong thế giới đang đổi thay không ngừng, cần tranh thủ tối đa thời cơ để học tập và vươn lên.

Những nét phác thảo đổi mới cho giai đoạn cách mạng tới đã cơ bản hình thành. Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp… Nghị quyết xác định rõ nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo môi trường thuận lợi để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những chủ trương đó làm nức lòng các thế hệ doanh nhân, đội ngũ cán bộ trẻ và nhân dân. Quyền sản xuất, kinh doanh, làm ăn của công dân được bảo đảm tốt hơn.

Để các nghị quyết trên đi vào cuộc sống, nhất định phải có chính sách, pháp luật đồng bộ hỗ trợ; phải xác định được nguồn lực và cơ chế sử dụng nguồn lực. Phải thấy rằng, chỉ những nghị quyết có tính định lượng cao, kèm theo chính sách, pháp luật đồng bộ mới nhanh chóng đi vào cuộc sống (ví dụ như Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kèm theo công cụ là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và rất nhiều pháp luật, chính sách liên quan). Đây cũng là điểm đáng lưu ý trong đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.

Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã nhận định: “Đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Đồng thời, khẳng định cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là dịp để nhìn lại, đánh giá diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, xác định phương hướng căn bản xây dựng đất nước đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước). Yêu cầu về đổi mới tư duy kinh tế gắn với đổi mới hệ thống chính trị sẽ được đặt ra tại Đại hội XIII. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII phải chỉ rõ nguyên nhân những chủ trương, chính sách nào của Đảng còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hóa, thể chể hóa và tổ chức thực hiện. Từ đó, định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...”. Cách mạng là đổi mới, muốn phát triển không thể thiếu sáng tạo, đó là chân lý, con đường phát triển tất yếu của bất cứ dân tộc nào.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng cần phát huy tinh thần đổi mới, dũng khí nhìn thẳng vào sự thật để đề ra chủ trương đổi mới phù hợp với thời đại và các quy luật khách quan. Cần đổi mới đồng bộ về thể chế kinh tế và thể chế chính trị để thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng Đảng trí tuệ, trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, các cấp ủy đảng cần thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để phá vỡ sự trì trệ cả trong nhận thức cũng như hành động. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị có quan hệ biện chứng và cần cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn, chú trọng hiệu quả cải cách. Đổi mới phải vì mục đích chăm lo cho con người, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, giải phóng các nguồn lực xã hội.

Đất nước đang trên đà phát triển và toàn thể dân tộc mong mỏi Đảng tiếp tục phát huy truyền thống đổi mới 90 năm qua, dẫn dắt dân tộc tiến lên phía trước.

ThS. Hà Hồng Hà

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2019/13445/dung-khi-doi-moi.aspx