Dùng kỹ thuật gen để tìm kiếm cụ rùa Hoàn Kiếm

Theo thông cáo phát đi nhân ngày Rùa thế giới (23-5), Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Tổ chức WCS Việt Nam đã tổ chức một khóa tập huấn kỹ thuật phát hiện gen cho các nhà khoa học, bảo tồn Việt Nam. Mục đích là tăng thêm cơ hội tìm kiếm những cá thể rùa mới nhằm bảo tồn tránh nguy cơ tuyệt chủng loài rùa quy hiếm này trước tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

Một nhà bảo tồn động vật hoang dã đang dùng thiết bị để tìm kiếm dấu tích của cụ rùa Hoàn Kiếm. Ảnh: WCS cung cấp.

Theo kế hoạch, hoạt động thu thập và chẩn đoán mẫu gen trong môi trường tiếp theo dự kiến được tiến hành vào tháng 12-2018 và tháng 1-2019, khi nhiệt độ nước xuống thấp hơn, nhằm tối ưu hóa cơ hội tìm ra DNA của rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh, Hà Nội.

Hiện ở Việt Nam chỉ có hai cá thể rùa Hoàn Kiếm được phát hiện và một trong hai cá thể này được phát hiện nhờ vào kỹ thuật gen. Các nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn hy vọng với việc làm chủ kỹ thuật xác định gen mới này có thể tìm kiếm được nhiều cụ rùa Hoàn Kiếm ở ngoài tự nhiên.

Loài Rafetus swinhoei, được biết đến với tên gọi rùa Hoàn Kiếm, được xem là biểu tượng của Hà Nội bởi nó gắn liền với truyền thuyết lâu đời về hồ Hoàn Kiến. Đây loài rùa quý hiếm nhất thế giới khi chỉ 4 cá thể được biết còn tồn tại đến nay, trong đó, 2 cá thể ở Việt Nam và 2 cá thể ở Trung Quốc.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273019/dung-ky-thuat-gen-de-tim-kiem-cu-rua-hoan-kiem.html