Đừng lo cải lương biến tướng

Nhân kỷ niệm một thế kỷ sân khấu Cải lương Việt Nam, nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc sẽ cùng đứng chung sân khấu trong vở diễn 'Thầy Ba Đợi' (diễn ra vào ngày 28 và 29/4 tại Nhà hát Bến Thành).

Nhân dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với NSƯT Triệu Trung Kiên – Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam về vở diễn đặc biệt này cũng như những kỳ vọng của ngành cải lương Việt Nam sau 100 năm hình thành và phát triển.

NSƯT Triệu Trung Kiên.

PV: Thưa NSƯT Triệu Trung Kiên, được biết “Thầy Ba Đợi” là công trình kỷ niệm một thế kỷ Sân khấu cải lương Việt Nam với sự góp mặt của các nghệ sĩ hai miền. Vậy đâu là điểm nhấn của công trình “thế kỷ” này?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Vở diễn “Thầy Ba Đợi” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản “Thầy Ba Đợi” sau đó được Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương.

Hoàng Song Việt là soạn giả phía Nam giàu kinh nghiệm, nên đã góp phần làm kịch bản thêm đậm đà màu sắc văn hóa vùng miền Nam Bộ.

“Thầy Ba Đợi” là câu chuyện về nhạc sư Nguyễn Quang Đại (1855 - không rõ năm mất). Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi, ông Đợi hưởng ứng chiếu Cần Vương vào Nam Kỳ chống Pháp, mang theo di sản quý báu là nhã nhạc cung đình Huế.

Trong quá trình lưu lạc, ông từng bước “dân dã hóa” âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, vừa sáng tác vừa cải biên và hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử được lưu giữ trong đời sống người dân Nam Bộ cho đến tận bây giờ.

Có thể thấy, sau khi hình thành trên vùng đất phương Nam, nghệ thuật sân khấu cải lương chỉ mất 10 năm để nẩy mầm và bám rễ sâu bền trên đất Bắc. Trong khi chèo với cả nghìn năm tồn tại đã không thể “thiên di” về phương Nam.

Còn nhớ “âm nhạc cung đình đàng ngoài” đã từng theo các Chúa Nguyễn vào Huế để trở thành “Nhã nhạc cung đình Huế”, rồi thoát thai thành “Ậm nhạc tài tử Nam Bộ” nhờ quá trình cải biên thiên tài của nhạc sư Nguyễn Quang Đại và những nghệ nhân lỗi lạc cùng thời với ông.

Nói vậy để thấy sân khấu cải lương là hệ quả của các hành trình “đi” và “về” của các dòng chảy văn hóa.

Và như vậy có thể nói rằng cải lương Bắc và cải lương Nam Bộ đã định hình thành hai “lưu phái”, hay hai “phong cách” có những đặc điểm mang tính chất vùng miền riêng.

Rất hiếm hoi những dịp hai lưu phái ấy cùng hòa điệu trong một tác phẩm sân khấu. Và hôm nay điều đó đã xảy ra, đó chính là sự đặc biệt của công trình nghệ thuật này.

Cải lương miền Nam và miền Bắc đang tồn tại những đặc điểm mang tính chất vùng miền riêng dẫn tới sự gắn kết còn nhiều hạn chế. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Tôi xin thú thực đã từng có cái nhìn cục bộ ở đâu đó, vào một thời điểm nào đó khi có sự phân biệt đánh giá giữa cải lương hai miền. Ngay cả khán giả miền Nam hiện nay đôi lúc vẫn nhìn cải lương miền Bắc với con mắt khắt khe.

Nhưng cuộc sống luôn vận động, các giá trị cũng luôn dịch chuyển. Dường như ý thức được cái ưu, cái nhược nội tại của mình mà cải lương miền Bắc đã có được những bước chuyển mình hiệu quả, dần tạo được thiện cảm của đồng nghiệp cũng như khán giả phương Nam.

Thế rồi giữa bối cảnh đời sống hội nhập nhiều biến động, không chỉ cải lương miền Bắc mà ngay cả cải lương miền Nam cũng sa vào giai đoạn cực điểm khủng hoảng.

Thiếu vắng khán giả, thiếu vắng những vở diễn cải lương “nguyên tuồng”, thiếu vắng các cuộc đổi mới nghệ thuật cần thiết.

Các nghệ sĩ (nhất là giới trẻ) thì mải miết chạy theo những show diễn lẻ tẻ, những game show tràn lan mà không mặn mà với các tác phẩm sân khấu đích thực, đã làm dóng lên hồi chuông báo động về một sự “cáo trung” rất có thể xảy ra. Vậy lúc này dù ở đâu thì cũng là Lá – Cành – Gốc – Cội.

Cây nghề đang bị sâu rầy làm cho mục rã. Không chung tay tự cứu lấy mình thì còn trông chờ ở đâu? Đó cũng chính là lý do anh em nghệ sĩ cải lương tâm huyết chúng tôi quyết thực hiện bằng được ước mơ của mình: một sân khấu cải lương “Bắc - Nam đồng vọng” với quan điểm cách tân, đổi mới cho “sánh với văn minh” như tuyên ngôn “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” từ buổi đầu.

Cải lương chưa được là di sản thế giới, dù mức quảng bá của loại hình này với cộng đồng là rất lớn. Theo ông, cải lương có cần phải trở thành di sản thế giới hay không?

- Cá nhân tôi không muốn. Vì cải lương không bất biến mà luôn chuyển hóa, đổi mới. Sự định hình và bất biến sẽ giết chết cải lương. Hãy mạnh dạn đề xuất các phong trào đổi mới, thử nghiệm.

Đó cũng chính là tiếp thêm sinh lực cho loại hình. Gác bỏ định kiến, loại trừ tâm lý cực đoan, mở lòng đón nhận những xu thế mới. Đừng lo ngại cải lương biến tướng.

Cải lương lạ lắm, nó cứ vừa định hình vừa phát triển, để rồi định hình rồi lại phát triển, trong nó có một cơ chế sàng lọc tự nhiên.

Cái gì dung nạp được sẽ còn lại, cái gì dị biệt sẽ bị đào thải, sao cho cải lương luôn là đỉnh điểm của văn minh.

Tiếc thay, điều đó không đúng vào lúc này do rất nhiều nguyên do, mà nguyên do trước tiên chính là yếu tố con người.

Ai có giận tôi cũng nói, lực lượng sáng tạo của cải lương lúc này đã chưa làm tròn trọng trách khi mang cây gậy tiếp sức trong tay.

Hãy để thế giới công nhận cải lương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt độc đáo, chứ không cần thế giới thừa nhận nó là một di sản của quá khứ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Minh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/dung-lo-cai-luong-bien-tuong-tintuc398846